Khèn là loại nhạc cụ độc đáo, là một phần văn hóa, thể hiện sức sống mãnh liệt của đồng bào Mông vào các ngày lễ hội, Tết đến xuân về. Đối với người Mông ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật Khèn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống hiện đại.
Tập huấn truyền dạy kỹ năng diễn xướng trong cộng đồng và trao tặng đạo cụ hỗ trợ các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian năm 2019. Ảnh: Internet
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đồng Hỷ nói riêng đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, huyện Đồng Hỷ đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận như: Nghi lễ Hét Khoăn; Hát Soọng Cô; cấp sắc của người Nùng; Nghi lễ cấp sắc của người Dao; Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu và Nghệ thuật khèn của Người Mông. Đây là những sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, sinh động; trong đó, tiếng khèn, múa khèn của đồng bào dân tộc Mông được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm với bạn bè, với cộng đồng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, danh lam thắng cảnh, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Năm 2015, huyện đã triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng, gắn với phát triển du lịch huyện Đồng Hỷ giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025”. Sau 4 năm thực hiện Đề án, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực; việc quản lý và tổ chức các lễ hội truyền thống và lễ hội gắn với các điểm di tích được tổ chức bài bản, bảo đảm an ninh trật tự theo đúng quy định.
Ông Sùng Văn Sinh sinh ra và lớn lên tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, nay cư trú tại xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ. Từ hồi nhỏ, ông đã được chứng kiến những người thân trong gia đình, trong làng làm khèn, thổi khèn của dân tộc Mông. Tiếng khèn và điệu múa đã làm ông say mê, bố ông đã trực tiếp truyền dạy cách làm khèn, thổi khèn và những kỹ năng cần thiết khi thổi khèn, múa khèn. Ông luôn học hỏi, nghiên cứu kiến thức về những làn điệu khèn và ông đã nhiệt huyết tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ đồng thời trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ năng làm khèn, thổi khèn và múa khèn của dân tộc Mông.
Nghệ nhân Sùng Văn Sinh chia sẻ: Để làm được cây khèn đẹp và có chất lượng âm thanh tốt thì nghệ nhân người Mông phải chuẩn bị một số vật liệu trong thiên nhiên như gỗ Thông, ống Trúc, dây rừng, một số miếng đồng nhỏ, cụ thể: Sau khi mang gỗ Thông về róc bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, phơi khô, rồi tạo hình bầu khèn. Kích thước của bầu khèn được đo bằng gang tay khoảng 80 cm. Bầu khèn được đẽo gọt đều, nhẵn nhất định, sẽ được tách đôi theo thớ gỗ, đục rỗng và bào nhẵn lòng bầu. Hai nửa bầu khèn đã được làm rỗng sẽ được ốp lại với nhau rồi dùng dây từ vỏ cây đào rừng buộc chặt thân khèn. Ống khèn làm từ cây Trúc có thân thẳng, đẹp, phơi đủ độ khô, cắt thành một ống to và năm ống nhỏ có độ dài ngắn khác nhau. Mỗi ống khèn cũng được đục lỗ để đặt miếng đồng mỏng còn gọi là lưỡi gà. Sau đó, nghệ nhân sẽ khéo léo lắp sáu ống khèn này vuông góc với bầu khèn.
Để trở thành người thổi khèn giỏi, thành bài, thành điệu, ông Sinh đã phải luyện tập từ bé, qua nhiều năm liền lao động nghệ thuật bền bỉ, công phu để có thể lấy hơi dài, luyện khí tốt. Hiện nay, ông có thể thổi khèn đúng nhịp điệu, đúng tiết tấu như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện.
Theo ông Sinh, Khèn là loại nhạc cụ độc đáo của riêng người Mông; tiếng khèn, múa khèn là một phần văn hóa, thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông vào các ngày lễ hội, Tết đến xuân về. Mỗi bài khèn của người Mông trong những dịp lễ hội, hay đưa tiễn người qua đời có điệu khèn khác nhau, có nội dung cụ thể với từng hoàn cảnh mà người thổi khèn biểu đạt thông qua giai điệu âm thanh đặc trưng gắn kết cảnh vật, thiên nhiên với con người. Cây khèn của người Mông đã giữ vị trí quan trọng làm nên bản sắc văn hóa, chứa đựng những sáng tạo mang tính độc đáo, ngấm sâu vào tâm hồn người Mông. Chính vì thế, ông Sinh đã tâm huyết với nghệ thuật khèn, ông luôn tìm mọi cách để truyền lại cho thế hệ trẻ những làn điệu của dân tộc qua tiếng khèn để tiếng khèn Mông sẽ không bị mai một mà được bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lâu dài.
Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết, huyện Đồng Hỷ đã đưa nghệ thuật khèn vào các ngày hội dân tộc Mông được tổ chức 2 năm 1 lần. Trong Ngày hội dân tộc Mông được tổ chức lần thứ IV năm 2018 tại Bản Tèn, xã Văn Lăng, các nghệ nhân tiêu biểu có dịp trình diễn những bài khèn truyền thống của đồng bào đã thu hút đông đảo du khách gần xa. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức tại Ngày hội sẽ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, góp phần tích cực vào việc giữ gìn và tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Hy vọng rằng, với tâm huyết của ông Sinh và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tiếng khèn Mông sẽ khích lệ khả năng sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, đồng thời tạo điểm nhấn để quảng bá những tiềm năng du lịch của huyện Đồng Hỷ với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Công Tuấn