Như vậy, Cương lĩnh, đường lối chính trị được thông qua tại đại hội II và III của Đảng luôn khẳng định vấn đề đảm bảo giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tuy nhiên, như đã trình bày, trên thực tế, số lượng đảng viên đông đảo trong đó thành phần công nhân chiếm số ít. Trong chiến tranh, việc kết nạp Đảng chú trọng vào ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm nhiều hơn. Và cũng trong chiến tranh, quân đội giữ vai trò quyết định. Do đó, để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân đối với quân đội, Đảng ta luôn khẳng định sự lãnh đạo tập trung, tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Về tổ chức Đảng thành lập hệ thống tổ chức từ Quân ủy Trung ương xuống đến các đại đội, chế độ chính trị viên, chế độ Đảng ủy mặt trận… đồng thời Đảng tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng thông qua hệ thống báo, tạp chí (tiêu biểu là báo Nhân dân (Trung ương), báo Nhân dân Nam Bộ, Nhân dân Liên khu V, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản của Trung ương Đảng, Tạp chí Nghiên cứu của Trung ương Cục miền Nam....), thông qua các đợt học tập chỉnh huấn, chỉnh quân, học tập nghị quyết, học tập các tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, học tập những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Do đó, trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng, Đảng ta đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho quân đội ta luôn thấm nhuần đường lối chính trị của Đảng mà ở đó bản chất giai cấp công nhân thể hiện rõ, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng sai trái làm xói mòn bản chất chính trị giai cấp công nhân của quân đội ta. Công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội luôn hướng vào quán triệt đường lối, nhiệm vụ, phương pháp cách mạng, xây dựng quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, không ngừng chăm lo bồi dưỡng bản chất giai cấp công nhân cho lực lượng vũ trang 3 thứ quân. Cụ thể là coi việc bồi dưỡng bản chất giai cấp công nhân cho lực lượng vũ trang là nhiệm vụ thường xuyên, bồi dưỡng lập trường kiên quyết, triệt để cách mạng, lòng trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân, bồi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng tinh thần đoàn kết - kỷ luật… do đó, trong hai cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang luôn là công cụ sắc bén của Đảng, của giai cấp công nhân và của dân tộc.
Trại Phú Hải, một nhà tù trong hệ thống Nhà tù Côn Đảo, nơi thử thách ý chí của các chiến sĩ cộng sản
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những thủ đoạn thâm độc của Mỹ nguỵ trong các nhà tù, trại giam, đặc biệt tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo là bắt cán bộ, đảng viên “ly khai” tư tưởng cộng sản. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đấu tranh chống “ly khai” của tù nhân, ngay từ đầu, trở thành cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của những người cộng sản để bảo vệ khí tiết trong của nhà tù đế quốc. Trong cuộc đấu tranh không cân sức đó, kẻ thù có thể đày đoạ những người tù về thể xác, nhưng chúng không bao giờ có thể lung lạc được ý chí, buộc người tù từ bỏ lý tưởng cộng sản của mình. Đã xuất hiện bao tấm gương sáng chói chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao tù đế quốc như Nguyễn Đức Thuận, Lưu Chí Hiếu… và hàng nghìn tù nhân khác quyết tâm giữ trọn khí tiết cộng sản cho đến ngày toàn thắng.
Một điểm nữa thể hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong thời kỳ này là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Gắn bó chặt chẽ với nhân dân thể hiện bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đồng thời là điều kiện quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng. Đó cũng chính là nguyên nhân Đảng có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh khốc liệt của cuộc kháng chiến, khi kẻ thù tìm mọi cách tách dân ra khỏi Đảng. Trong các vùng địch hậu thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong thời kỳ Mỹ - Diệm đẩy mạnh xây dựng “ấp chiến lược” những năm 1962 - 1964 hay thời kỳ Mỹ - Thiệu đẩy mạnh chiến dịch Phượng Hoàng những năm 1968 - 1970, chúng luôn âm mưu “tát nước bắt cá”, “đánh vào hạ tầng cơ sở, vào lực lượng ngầm của cộng sản”, tách Đảng khỏi dân để tiêu diệt. Để đối phó lại những âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, Đảng ta xây dựng phương châm 3 bám, trong đó yếu tố đầu tiên và quyết định là “Đảng bám dân” để kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, hạn chế đến mức thấp nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng theo kiểu “vọt cần câu”, “ly hương”. Do đó, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng sự lãnh đạo của Đảng được thường xuyên, liên tục. Những cán bộ đảng viên, kiên cường bám trụ, bám dân, bám đất, thực sự trở thành những tấm gương chiến đấu hi sinh vì con đường đã chọn, thể hiện bản chất tiên phong của người đảng viên cộng sản.
Đồng thời, trong cuộc chiến đấu khốc liệt với đế quốc Mỹ và tay sai cũng như đối mặt với những khó khăn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975), Đảng ta đã loại ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, ý thức giác ngộ, lập trường tư tưởng, giai cấp kém. Đảng đã “đưa ra khỏi Đảng hàng vạn người không đủ tư cách đảng viên, góp phần làm cho hàng ngũ Đảng thêm trong sạch, vững mạnh”[1].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12/1976 (Ảnh tư liệu)
3. Thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc. Những thuận lợi chủ yếu về chính trị, tư tưởng nhưng những khó khăn gay gắt đặt ra trước mắt: chủ nghĩa đế quốc bao vây cấm vận, hậu quả chiến tranh nặng nề, viện trợ quốc tế bị cắt giảm, kẻ thù gây hấn ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Nhưng quan trọng hơn hết là chủ nghĩa xã hội thời chiến với mô hình quản lý kế hoạch hóa, tập trung cao độ không còn phù hợp, bộc lộ những yếu kém, trở thành lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đất nước bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh đó, Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) và lần thứ V (3-1982), xác định những vấn đề cơ bản về đường lối chính trị, về xây dựng và củng cố tổ chức, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội IV đã tổng kết thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đề ra nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: “Với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội là mục đích trước mắt của cách mạng Việt Nam, đồng thời là con đường tiến hóa tất yếu của xã hội Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người”[2]. Đại hội cũng đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta. Đại hội khẳng định: “chủ nghĩa cộng sản là mục đích cao nhất của Đảng ta… Đại hội từ nay đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Việt Nam, cái tên quang vinh thể hiện lý tưởng cao cả của Đảng ta”[3].
Tiếp đó, đường lối chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982) nêu rõ 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV vạch ra. Đại hội đề ra nhiệm vụ “tiếp tục nâng cao tính chất giai cấp công nhân của Đảng, tính tiền phong của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức… làm cho Đảng ta luôn giữ vững bản chất cách mạng… gắn bó chặt chẽ với nhân dân”[4].
Về tổ chức, thời kỳ này Đảng chủ trương “lựa chọn cán bộ, Đảng viên từ những công nhân và nông dân ưu tú, chúng ta chú trọng những người đã được rèn luyện trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những anh hùng, chiến sĩ thi đua, bộ đội, thanh niên xung phong có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu”. Do đó, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cán bộ, Đảng đề ra nhiệm vụ phải “chăm lo cải thiện cơ cấu thành phần xã hội của Đảng, tăng cường thành phần công nhân, nhất là công nhân đại công nghiệp trong Đảng”[5]. “Tiếp tục coi trọng kết nạp đảng viên từ giai cấp công nhân, từng bước nâng cao tỷ lệ đảng viên xuất thân từ công nhân, coi đó là phương hướng giai cấp chính trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”[6].
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 766.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr. 500.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr. 645.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.43, tr. 270.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr. 780.
[6] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.37, tr. 890.