Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dài, có mối quan hệ keo sơn gắn kết qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, mối quan hệ gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc càng được vun đắp, trở thành tài sản quý báu, là sức mạnh vô song làm nên thắng lợi của cách mạng hai nước.
Ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945, nhận thức rõ mối đe dọa từ âm mưu quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp, chính phủ Việt Nam và Lào đã thống nhất ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt (ngày 16-10-1945) và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (ngày 30-10-1945). Đây là những văn kiện đầu tiên tạo cơ sở pháp lý cho việc đoàn kết, tương trợ, chiến đấu chống kẻ thù chung.
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam đã quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân. Tại Lào, Việt kiều Giải phóng quân có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các đơn vị vũ trang Lào trong xây dựng lực lượng và phối hợp chiến đấu, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng Lào trong những thời điểm khó khăn.
Với quan điểm đoàn kết chặt chẽ ba nước Đông Dương, chiến đấu chống kẻ thù chung, cùng hướng tới mục tiêu độc lập. Tại Lào,lực lượng Việt kiều Giải phóng quân tại ngày càng lớn mạnh và được tổ chức thành các đơn vị độc lập với quy mô đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Từ phối hợp tác chiến đánh nhỏ lẻ, đến những năm 1948-1949, lực lượng quân sự Việt Nam tại Lào đã phát triển thành các đơn vị độc lập (cấp đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn).
Trước tình hình cách mạng Lào đã có bước phát triển mới, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị kiểm điểm tình hình và chủ trương công tác giúp Lào trong giai đoạn 1945-1949; đề ra những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng Lào; đồng thời, xác định rõ vấn đề tổ chức chỉ đạo và danh nghĩa của bộ đội Việt Nam hoạt động tại Lào. Về tổ chức quân đội, Hội nghị chỉ rõ: “Từ đây, các lực lượng Quân đội Việt Nam hoạt động ở Lào tổ chức theo hệ thống riêng của Quân đội Việt Nam và mang danh nghĩa là quân tình nguyện”. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành về quy mô tổ chức lực lượng và phạm vi hoạt động của Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Từ đây, các đoàn Quân tình nguyện lần lượt được thành lập trên khắp đất nước Lào, góp phần hỗ trợ xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng Lào, tạo ra thế và lực mới. Đồng thời, liên tiếp phối hợp mở các chiến dịch lớn giành thắng lợi. Tiêu biể như: Chiến dịch Thượng Lào (năm 1953), Chiến dịch Trung Lào (năm 1953-1954); Chiến dịch Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia (năm 1954)... Những thắng lợi to lớn trên chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ba nước Đông Dương Việt Nam - Lào - Campuchia.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (năm 1954), theo chỉ thị của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào lần lượt rút về nước. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ hất cẳng Pháp và tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương. Cuộc chiến đấu giành độc lập hoàn toàn của ba nước Đông Dương bước vào giai đoạn mới, cam go, ác liệt. Trước tình hình mới, theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào và với quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục cử các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam lên đường sang giúp Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Với tinh thần đoàn kết, keo sơn, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, tích cực, chủ động giúp Bạn xây dựng, củng cố chính quyền và phát triển các lực lượng vũ trang. Với tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, các đơn vị bộ đội hai nước đã chủ động, hiệp đồng chặt chẽ tổ chức mở nhiều chiến dịch, tiêu diệt lớn quan địch, như: Nậm Thà (năm 1962),128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (năm 1968), Mường Sủi (năm 1969), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (10-1969 đến 4-1970), Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng (12-1971 đến 4-1972) và Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1972)… Những chiến thắng đó đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng của dân hai nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xâm lược.
Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước
(ảnh tư liệu)
Sau năm 1975, lợi dụng những khó khăn ban đầu của Lào, các thế lực thù địch tiếp tục nổi lên chống phá. Theo yêu cầu của nước Bạn, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục giúp đỡ Lào củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Đến tháng 1-1989, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Lào hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, lần lượt rút quân về nước.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hai nước Việt Nam - Lào, các thế hệ cán cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không quản ngại khó khăn gian khổ, sát cánh cùng các lực lượng cách mạng Lào chiến đấu chống kẻ thù chung. Biết bao cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện đã anh dũng hi sinh hoặc để lại một phần xương máu trên đất Lào. Khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về Tổ quốc, các cựu chiến binh Quân tình nguyện luôn không ngừng nâng cao tấm gương sáng Bộ đội Cụ Hồ trên các lĩnh vực xây dựng kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời, không ngừng vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, son sắc giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
ĐỖ PHƯƠNG