Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, dù chưa đạt được yêu cầu như dự kiến và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân Việt Nam đã xoay chuyển được cục diện chiến tranh, đánh bại ý chí xâm lược của Hoa Kỳ. Sau đây là một số góc nhìn của phương Tây qua một số nguồn từ điển tiếng Anh đã được xuất bản trên thế giới
Encyclopedia of the Vietnam War: a political, social, and military history, xuất bản năm 2011 viết:
“Ngày 6/7/1967, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tập trung ở Hà Nội cho lễ tang của Tướng Nguyễn Chí Thanh, người chỉ huy lực lượng miền Bắc trong lòng Việt Nam Cộng hoà. Sau lễ tang, các thành viên Bộ Chính trị đã gặp nhau để bàn thảo những kế hoạch, đưa cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến hồi kết nhanh chóng và thành công.
Về mặt quân sự, chiến tranh đã diễn ra khó khăn cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, do không thể đối chọi lại hỏa lực và tính cơ động cao của quân đội Hoa Kỳ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tướng Nguyễn Chí Thanh từng ủng hộ việc giảm hoạt động ở miền Nam Việt Nam và tiến hành một cuộc chiến kéo dài hơn để làm người Mỹ mỏi mệt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tỏ rõ sự ủng hộ chủ trương này, nhưng phần đông lãnh đạo Đảng tại miền Bắc chủ trương kết thúc cuộc chiến bằng một trận đánh lớn. Lãnh đạo miền Bắc Việt Nam muốn lặp lại chiến thắng Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, cho dù tương quan lực lượng lúc này nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.
Thành công của kế hoạch phụ thuộc vào ba giả thiết: Quân lực Việt Nam Cộng Hoà sẽ không chiến đấu và thực tế sẽ sụp đổ dưới sự ảnh hưởng của cuộc tổng tiến công, quần chúng miền Nam Việt Nam sẽ nổi dậy và người Mỹ sẽ phải vỡ vụn trước cú đánh bất ngờ này.
Việc điều quân và chuẩn bị của quân giải phóng miền Nam Việt Nam cho cuộc tiến công Tết Mậu Thân là kiệt tác của sự đánh lừa. Bắt đầu từ mùa Thu năm 1967, Việt Cộng và Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành một loạt các trận đánh đẫm máu nhưng dường như vô nghĩa ở khu vực biên giới và phía bắc của Nam Việt Nam gần khu phi quân sự.
Vào tháng 01/ 1968, nhiều sư đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu hội tụ về gần căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ đang bị cô lập ở Khe Sanh tại phía bắc Vùng I Chiến thuật, gần khu vực phi quân sự.
Từ ngày 21/01/1968 cho đến thời điểm các cuộc tiến công trên toàn miền Nam Việt Nam nổ ra vào dịp Tết, sự chú ý của phần lớn quân đội Hoa Kỳ nhắm vào Khe Sanh. Trận đánh đó trở thành nỗi ám ảnh với Tổng thống Lyndon Johnson. Ông có cả một mô hình địa hình của căn cứ Thủy quân lục chiến được xây dựng cho phòng Tình huống của Tòa Bạch Ốc.
Tuy nhiên, một chỉ huy cấp cao của Hoa Kỳ không bị lừa bởi chiến dịch nghi binh. Trung tướng Frederick C. Weynard, chỉ huy của Lực lượng Dã chiến II có căn cứ tại Long Bình cách Sài Gòn 15 dặm về phía Đông, đã thuyết phục tướng William Westmoreland điều các tiểu đoàn tác chiến của Hoa Kỳ quay lại Sài Gòn. Kết quả là, có 27 tiểu đoàn (thay vì kế hoạch 14) bảo vệ khu vực Sài Gòn khi cuộc tiến công nổ ra.
Lúc 12:15 sáng ngày 30/01/1968, Đà Nẵng, Pleiku, Nha Trang, và 9 thành phố khác ở miền Trung Việt Nam bị tấn công. Vào lúc 1:30 sáng ngày 31/01/1968, Dinh Tổng Thống ở Sài Gòn bị tấn công. Đến 3 giờ 40 phút sáng, thành phố Huế bị tấn công, chiến dịch Tết Mậu Thân lên cao trào.
Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, năm 1968 (Ảnh tư liệu)
Tổng cộng, đến cuối ngày 31/01/1968, 5 trong số 6 thành phố, 36 trong tổng số 44 thị xã, và 64 trong tổng số 245 quận, huyện trên toàn miền Nam đã bị tấn công.
Ngoại trừ Khe Sanh, thành cổ Huế, và khu vực xung quanh Sài Gòn, cuộc tiến công đợt Tết kết thúc chỉ trong một vài ngày.
Huế được Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa chiếm lại lại vào ngày 25/02/1968, khu vực Chợ Lớn của Sài Gòn được giải tỏa vào ngày 07/3/1968.
Đến ngày 20/3, các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam xung quanh Khe Sanh bị tấn công dữ dội và thiệt hại nặng nề bởi hỏa lực của Hoa Kỳ, mặc dù vậy, cuộc bao vây Khe Sanh còn kéo dài thêm vài tháng nữa.
Về mặt quân sự, Chiến dịch Mậu Thân là một “thất bại về chiến thuật” đối với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Chỉ riêng trong đợt Tết Mậu Thân, hơn 58.000 quân giải phóng đã thiệt mạng trong cuộc tiến công. Con số thương vong cho quân đội Mỹ là 3.895 người và quân đội Nam Việt Nam là 4.954 người. Hơn 14.300 dân thường Nam Việt Nam cũng thiệt mạng.
Nhưng lãnh đạo miền Bắc lại hoàn toàn đúng trong giả định thứ ba. Kẻ thù của họ, Hoa Kỳ đã không đủ ý chí. Một mặt, Hoa Kỳ đã phản kích quyết liệt cho quân giải phóng một thất bại nặng nề về mặt chiến thuật, nhưng mặt khác lại đưa đến cho họ một chiến thắng về chiến lược.
Do đó, trận Mậu Thân là một trong những cuộc chiến lớn trong lịch sử mà đầy mâu thuẫn.
Lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam bị tổn thất nặng nề. Các nhà hoạch định chiến lược của quân đội Hoa Kỳ ngay lập tức bắt đầu xây dựng các kế hoạch để giành thắng lợi cuối cùng trước Quân giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Tướng Westmoreland và Tổng Tham mưu trưởng, Tướng Earle Wheeler yêu cầu tăng cường thêm 206.000 quân để giành thắng lợi cuối cùng, thì một nhân viên trong Nhà Trắng đã tiết lộ kế hoạch xin tăng quân cho báo chí. Câu chuyện được đăng trên New York Times vào ngày 10/3/1968. Với những hình ảnh còn nóng hổi về việc Đại sứ quán Hoa Kỳ bị bao vây và tiến công ở Sài Gòn, báo chí và công chúng ngay lập tức kết luận rằng “Hoa Kỳ cần thêm quân đội để phục hồi lại sau thất bại muối mặt”.
Chiến dịch Mậu Thân như thế là bước ngoặt về tâm lý của cuộc chiến. Hoa Kỳ, đang từ chỗ giành ưu thế trong cuộc chiến, bỗng chốc được cho là thất bại thảm hại. Không thất bại sao lại xin tăng thêm quân. Điều này nghe hoàn toàn có lý.
Người viết quân sử Hoa Kỳ, Chuẩn tướng S. L. A. Marshall có lẽ trở thành người tổng kết cuộc tiến công Tết Mậu Thân hay nhất khi viết: “Một thắng lợi tiềm năng to lớn đã biến thành một thất bại thảm hại do các ước tính sai lầm, mất tinh thần và một làn sóng của tư tưởng thất bại”.
The Reader's companion to American history, xuất bản năm 2014 viết:
“Những người phát ngôn Mỹ ban đầu mô tả cuộc tiến công ngày Tết là thất bại cho Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, chỉ ra sự rút lui nhanh chóng và thương vong nặng nề của họ (được ước đoán cao tới 40.000 người).
Nhưng khi Tướng William C. Westmoreland nói rằng để đánh bại hàn toàn Việt Cộng sẽ cần thêm trên 200.000 lính Mỹ (cần gọi thêm quân dự bị, một bước đi mà Tổng thống Lyndon B. Johnson từ lâu né tránh), thì ngay cả những người ủng hộ kiên trì chiến tranh bắt đầu cảm thấy rằng cần phải có thay đổi, ít nhất về chiến lược.
Đối với một bộ phận dân Mỹ ngày càng đông, cũng như nhiều nhà làm chính sách cao cấp, cuộc tiến công Tết Mậu Thân cho thấy quyết tâm không suy suyển của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và sự mong manh trong việc kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với lãnh thổ của mình”.
Biệt động Sài Gòn phá tường tiến công Tòa Đại sứ Mỹ, 31/01/1968 (Ảnh tư liệu)
The Princeton encyclopedia of American political history, xuất bản năm 2010 viết:
“Vào giữa đêm ngày 30/01/1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn được gọi là Việt Cộng và quân đội từ miền Bắc đã mở cuộc tiến công lớn vào các vị trí của Mỹ và Nam Việt Nam ở miền Nam. Rốt cuộc, quân giải phóng đã không đạt được các mục tiêu quân sự.
Nhiều năm sau, lãnh đạo miền Bắc Việt Nam thừa nhận họ đã đánh giá quá cao khả năng đánh bại hoàn toàn quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam, giải phóng được miền Nam Việt Nam ngay trong giai đoạn Tết Mậu Thân. Nhưng ở Hoa Kỳ, trận Tết Mậu Thân dường như xác nhận lo sợ lớn nhất của Johnson rằng một cuộc chiến cù nhầy, dằng dai sẽ phá hủy vị thế chính trị của ông.
Chẳng phải là Westmoreland, và cũng có nghĩa là Johnson, đã đánh giá tích cực triển vọng của Nam Việt Nam chỉ vài tuần trước? Chẳng phải là người Mỹ đã được bảo đảm rằng quân đội của họ là vô địch?
Vào tháng Ba, khi Gallup hỏi liệu đến lúc Mỹ "từ từ rút khỏi Việt Nam", 56% đồng tình, và chỉ 34% phản đối. Có tới 78% tin rằng đất nước không đạt được tiến bộ trong cuộc chiến. Hoa Kỳ đã đến lúc phải rút ra”.
Encyclopedia Britannica viết:
“Mặc dù bị bất ngờ, quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam nhanh chóng phản kích lại các cuộc tấn công của quân giải phóng thường được phối hợp kém. Ngoại trừ Huế, quân giải phóng không giữ được thị trấn hay địa điểm nào quá một, hai ngày, và lực lượng của họ bị thương vong nặng nề.
Quân Mỹ và Nam Việt Nam có thể đã hồi phục nhanh chóng, nhưng với người Mỹ ở nhà thì không thế. Trận Tết Mậu Thân gây sốc toàn nước Mỹ, làm choáng cho những người từng tin vào Tòa Bạch Ốc nói rằng “chiến thắng đã gần kề”, và cũng thuyết phục những người nghi ngờ rằng tình hình còn tệ hơn họ tưởng tượng.
Khi mà chỉ trích của giới chính khách và truyền thông về khả năng lãnh đạo của Johnson tăng lên, dân chúng lại bị sốc khi đọc hàng tít New York Times ngày 10/3/1968 rằng Tướng Westmoreland đã yêu cầu thêm 206.000 lính Mỹ cho Việt Nam. Tin này được người ta diễn giải như là đã xác nhận tình hình của Mỹ ở Việt Nam tồi tệ lắm.
Trong diễn văn phát truyền hình toàn quốc ngày 31/3/1968, Johnson loan báo ông "đi những bước đầu tiên để xuống thang cuộc xung đột" với việc ngừng đánh bom Bắc Việt Nam (ngoại trừ khu vực gần vùng phi quân sự) và rằng Mỹ sẵn sàng gửi đại diện đến bất kỳ diễn đàn nào để thương lượng nhằm chấm dứt cuộc chiến.
Sau thông báo ngạc nhiên này, ông nói tiếp rằng sẽ không tái cử vào năm sau.
Thảo luận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu tại Paris ngày 13/5/1968, nhưng chẳng đi tới đâu. Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định tiến hành thêm hai đợt tấn công vào tháng 5 và tháng 8. Trong tám tuần sau diễn văn của Johnson, 3.700 người Mỹ bị giết ở Việt Nam, 18.000 bị thương.Đàm phán tại Paris vẫn tiếp diễn, cho đến khi Việt Nam Cộng hòa gia nhập đàm phán, Richard M. Nixon đã được bầu làm Tổng thống. Cuối cùng, Hiệp định Paris cũng được ký kết hơn 4 năm sau đó. Hoa Kỳ chính thức rút quân, để lại di sản của miền Nam Việt Nam cho Việt Nam Cộng hòa tự bảo vệ, lúc đó cũng không ai nghĩ sẽ sụp đổ vào 2 năm sau đó”.
Lê Minh (Tổng hợp)