Ngày 24/4/1906, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã sinh ra một con người, sau này trở thành nhà cách mạng nổi tiếng, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng. Cùng với nhiều nhà yêu nước đầu thế kỷ XX, cùng với 3 Tổng Bí thư khác của Đảng là Trần Phú, Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một trong những nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, đã đi trọn hành trình cuộc đời trẻ tuổi đầy sôi động và hy sinh cao đẹp vì lý tưởng, vì đất nước
Từ trí thức trở thành nhà cách mạng
Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình trí thức có cha từng đỗ Cử nhân Nho học và làm nghề dạy học, chữa bệnh. Hà Huy Tập đã theo học bậc Tiểu học tại Thị xã Hà Tĩnh. Năm 1919, ông thi vào Trường Quốc học Huế và năm 1923, ông tốt nghiệp Diplome hạng ưu, được phân về dạy tại trường Tiểu học Nha Trang (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926.
Cũng giống như nhiều nhà cách mạng buổi đầu thành lập Đảng, Hà Huy Tập là một trí thức, một thầy giáo được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Trong phần tiểu sử tự thuật của Hà Huy Tập khi học tại trường Phương Đông, ông cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân hai trai hai gái. Bố tôi mất năm 1916. Mẹ tôi còn sống. Anh cả tôi khi thì ở nông thôn trồng lúa trên những thửa ruộng của mẹ tôi, khi thì làm việc trong các xí nghiệp công hoặc hầm mỏ vì anh ấy không thể đủ cấp cho nhu cầu gia đình với những công việc đồng áng. Em gái út của tôi là vợ của một người cộng sản vừa tháng 6/1929 bị kết án lao động khổ sai cho đến khi chết. Người em gái này không có điều kiện đi học. Về phần tôi, tôi đã lập gia đình với một nữ cộng sản năm 1929...”.
Năm 1925, đồng chí tham gia và được Hội Phục Việt giao nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh và công nhân ở Vinh và Bến Thủy, tỉnh Nghệ An - cái nôi của phong trào công nhân Việt Nam khi ấy. Trên trọng trách này, đồng chí đã tổ chức nhiều lớp học, lớp huấn luyện chính trị cho công nhân, thành lập các hội tương trợ trong nhà máy.
Năm 1929, Hà Huy Tập được cử đi Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Bằng vốn tri thức phong phú của mình, tại đây, đồng chí đã viết nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn cách mạng.
Sau sự thất bại của cao trào Xôviết Nghệ -Tĩnh 1930 - 1931, thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở Việt Nam, nhiều tổ chức Đảng bị đánh phá. Để khôi phục tổ chức của Đảng, Đảng ta quyết định thành lập Ban chỉ huy ngoài nước của Đảng tại Trung Quốc. Cùng với một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng như Lê Hồng phong, Nguyễn Thị Minh Khai…đồng chí trở lại Trung Quốc hoạt động trong tổ chức này chỉ đạo hoạt động cách mạng trong nước và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, tại Macao (Trung Quốc) đồng chí Hà Huy Tập chủ trì Đại hội lần thứ nhất của Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương. Tại hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, nhà lý luận xuất sắc
Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941)
Năm 1936, đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương, khôi phục tổ chức của Đảng và được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Để kịp thời lãnh đạo các phong trào cách mạng trong nước đang dâng cao, đồng chí đã quyết định chuyển trụ sở của Đảng từ nước ngoài về Sài Gòn. Tháng 3/1937, tại Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định), đồng chí chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để thống nhất các tổ chức Đảng ở Bắc kỳ và Trung kỳ, xác định những chủ trương mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 8 /1937 tại Hóc Môn đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí, tại hội nghị này, nhiều quyết nghị quan trọng của Đảng đã được thông qua. Đặc biệt, sau hội nghị này, Đảng đã thành lập lại Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 3/1938, cũng tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định), dưới sự chủ trì của đồng chí, Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ Thống nhất Đông Dương và ra Nghị quyết về phòng thủ Đông Dương, vận động binh lính.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã sáng lập, tổng biên tập của nhiều tờ báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đồng thời là người đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương. Đặc biệt, đồng chí là một nhà lý luận xuất sắc với nhiều tác phẩm có giá trị và là một ngòi “bút chiến” sắc sảo trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nhằm bảo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tấm gương cao đẹp của người cộng sản chân chính trọn đời vì dân tộc
Là một trí thức đi theo Đảng, trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi ngoài 30, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ tài năng và năng lực về tổ chức các phong trào cách mạng, chỉ đạo các hoạt động của Đảng trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, vẫn kiên trung với lý tưởng đã chọn và tin tưởng vào ngày toàn thắng của cách mạng.
Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị thực dân Pháp sát hại ngày 28/8/1941 cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai v.v….Trước đó, trong bức thư cuối cùng gửi về cho gia đình ngày 2/5/1941, đồng chí căn dặn những người thân yêu: “Ngày 25/9/1940, tôi bị Tòa đại hình Sài Gòn xử 5 năm tù. Ngày 25/3/1941 tôi bị tòa án binh Sài Gòn tuyên án tử hình về tội "hoạt động Cộng sản" và "xúi giục phá hoại Quốc phòng"... Cương nhận được thơ này thì nhớ viết thơ khuyên mẹ chớ khóc lóc buồn rầu. Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự, gia đình bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi!... Nếu tôi được khổ sai chung thân thì thường có thơ về thăm gia đình. Nếu chẳng may mà phải chết thì bức thơ này là thơ vĩnh biệt. Tôi chúc cho mỗi người trong gia đình và tất cả bạn hữu gần xa được hạnh phúc và khương minh”.
Khu nhà thờ Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên
35 tuổi đời, trải qua một cuộc đời hoạt động sôi nổi với nhiều đóng góp lớn lao, đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng ngã xuống trước họng súng quân thù với lời nhắn gửi “Hãy xem tôi như người còn sống”, thể hiện một niềm tin mãnh liệt, một khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cộng sản cao cả. Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc rất quan trọng và to lớn. Lịch sử mãi nhớ về ông bởi đó là một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, một người cộng sản chân chính suốt đời phấn đấu và đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc và nhân dân.
Vũ Trung Kiên