Du lịch suy giảm trong mùa dịch
Hà Tĩnh là điểm đầu của tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, có vị trí thuận lợi trong mối liên kết vùng để phát triển du lịch trong đó đặc biệt là mối liên kết Đông - Tây với CHDCND Lào, Thái Lan, Myanma và các nước khác trong khối ASEAN.
Với gần 137 km bờ biển, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp, là nơi cung cấp nhiều đặc sản như cá, tôm, cua, mực...là thế mạnh để phát triển du lịch biển, đảo. Hà Tĩnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng.
Đây là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử - văn hoá, từ bao đời nay Hà Tĩnh luôn nổi tiếng là vùng “địa linh, nhân kiệt”.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19, tổng lượng khách đến Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, đạt 167.500 lượt khách du lịch, giảm 84% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 10% so với kế hoạch năm 2020; trong đó khách quốc tế: 5.000 lượt khách giảm 71,3 % so với cùng kỳ năm 2019; đạt 16,7% so với kế hoạch năm 2020; Khách nội địa: 162.503 lượt khách giảm 84,3 % so với cùng kỳ năm 2019; đạt 9,4 so với kế hoạch năm 2020.
Bên cạnh đó công tác phát triển cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin phục vụ cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, dịch vụ thiếu đồng bộ, việc quảng bá du lịch Hà Tĩnh đến với du khách trong và ngoài nước còn hạn chế, chưa xây dựng một cộng đồng chung cho các doanh nghiệp tham gia cùng phát triển.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, quảng bá và quản lý cải cách hành chính, phục vụ công tác điều hành, thông tin liên lạc của ngành du lịch và nhân dân trên địa bàn tỉnh chưa được đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đặc biệt trong thời điểm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhiều giải pháp truyền thông
Để hạn chế những tồn tại nói trên, ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho biết, ngành Du lịch tỉnh xác định đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Hà Tĩnh.
Xây dựng Hệ thống Cổng thông tin du lịch với các chức năng: kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp; cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, điều hành, tương tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, kết nối, hình thành nên các tour tuyến mới; các đối tượng khách du lịch tiềm năng của Hà Tĩnh có cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp độc đáo, khác biệt của Hà Tĩnh.
Nâng cấp Cổng thông tin du lịch Hà Tĩnh kết hợp giữa công nghệ thông tin – truyền thông và các thiết bị điện tử thông minh nhằm tạo ra hệ sinh thái du lịch phục vụ cho ba đối tượng: Du khách – Doanh nghiệp – Cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến theo nhu cầu cá nhân; tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Ứng dụng Mobile Du lịch thông minh với Bản đồ số du lịch; Thông tin sự kiện, lễ hội, lịch trình chuyến bay, xe buýt/khách…; Kết nối du khách với nhà hàng, khách sạn, siêu thị qua các chương trình giảm giá, cảnh báo từ trung tâm điều hành của tỉnh và các nguồn thông tin tin cậy khác (như các vùng, tuyến phố cấm hiện tại, tình trạng tắc nghẽn giao thông trên địa bàn gần với du khách, vùng cảnh báo an ninh trật tự, vùng cảnh báo dịch bệnh…) để cảnh báo theo thời gian thực đến người dân, du khách; Thu thập phản ánh của du khách; Trợ lý du lịch ảo.
Hạ tầng tích hợp dữ liệu - hệ thống báo cáo ngành du lịch: Cơ sở dữ liệu (CSDL) về các sự kiện văn hóa du lịch, CSDL về báo cáo kinh doanh lưu trú du lịch, CSDL về báo cáo kinh doanh lữ hành, khu, điểm du lịch, CSDL về cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch, CSDL về thông tin các cở sở lưu trú, CSDL về quản lý các cơ sở mua sắm đạt chuẩn, CSDL về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, CSDL về quản lý khuyến mãi, dịch vụ du lịch…
Với giải pháp này nếu được triển khai kịp thời đồng bộ, tin tưởng sẽ góp phần quan trọng để khôi phục hoạt động du lịch Hà Tĩnh sau những ngày đóng băng do đại dịch Covid-19.
Theo Báo Pháp luật