Ngay trước thềm tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào, chuẩn bị những vấn đề quan trọng và trực tiếp cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.
Hội nghị toàn quốc của Đảng
Với tinh thần tích cực, chủ động, khẩn trương, luôn luôn theo dõi chặt chẽ sự biến đổi của tình hình để quết định những bước đi thích hợp và kịp thời, trong ngày 11 và 12-8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương qua vô tuyến điện nhận được thông tin về tình hình diễn biến trên các chiến trường, thông tin về hiện tượng tan rã của quân đội Nhật. Tối 12-8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo Thường vụ Trung ương Đảng họp phân tích tình hình, chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc và phải mở ngay Hội nghị toàn quốc của Đảng vào ngày 14-8-1945 để bàn kế hoạch cụ thể lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Người chỉ thị: “nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”. “Thời cơ ngàn năm có một đã đến, dù có hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Dự Hội nghị có đại biểu các đảng bộ địa phương trong nước, một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, đại biểu của Khu giải phóng và các chiến khu Trần Hưng Đạo, Chiến khu Quang Trung…
Hội nghị nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”, “quân lính nhật tan rã mất tinh thần, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ”, “Toàn dân tộc ta đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập”.
Mặc dù sức khỏe yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tham dự một số phiên họp và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị đề ra ba nguyên tắc để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong Tổng khởi nghĩa thắng lợi là: tập trung lực lượng vào những việc chính; thống nhất mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”.
Hội nghị đề ra phương châm hành động là: “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, đặc biệt là các đô thị quan trọng trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Về đối nội, Hội nghị thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Về đối ngoại, Hội nghị nêu rõ chủ trương triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp, Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc; hết sức tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Liên Xô và Đồng Minh để chống lại mưu mô hồi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương của đế quốc Pháp và âm mưu xâm chiếm Việt Nam của quân Phiệt Trung Hoa dân quốc. Đảng nhấn mạnh khâu mấu chốt giành thắng lợi trên mặt trận đối ngoại là chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng Minh.
Để bảo đảm lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị đã nhấn mạnh công tác đào tạo, sử dụng, phân phối cán bộ, kết nạp đảng viên; bầu bổ sung 4 uỷ viên Trung ương là Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn và Võ Nguyên Giáp. Ban Chấp hành Trung ương gồm 10 uỷ viên là:Trường Chinh (Tổng bí thư), Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Vũ Anh, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan,Võ Nguyên Giáp.
Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ về công tác củng cố, phát triển Đảng trong thời điểm quyết định vận mệnh của dân tộc.
Ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc. Hội nghị đã thể hiện sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, thể hiện quyết tâm và bản lĩnh chính trị của Đảng cũng như tinh thần chuẩn bị tích cực, đầy đủ những yếu tố cơ bản bảo đảm thắng lợi trong khởi nghĩa giành chính quyền.
Quốc dân Đại hội Tân Trào
Đại hội Quốc dân được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) vào ngày 16-8-1945.
Hơn 60 đại biểu ở Bắc, Trung, Nam; 2 đại biểu kiều bào ở Lào - Thái là Trần Đức Vịnh và Nguyễn Hữu Khiếu (Dương Chí Trung); đại biểu các đảng phái; các đoàn thể, dân tộc, tôn giáo, giới tình đã quy tụ tại Đại hội. Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng điều khiển các phiên họp.
Đồng chí Trường Chinh đọc báo cáo phân tích tình hình thế giới, trong nước, làm rõ thời cơ khởi nghĩa đã đến. Ông nêu vấn đề quan trọng là bầu Uỷ ban giải phóng dân tộc để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các đồng chí Hoàng Quốc Việt báo cáo về phong trào công nhân, ông Trần Đức Thịnh báo cáo về tình hình nông hội, đồng chí ông Nguyễn Đình Thi báo cáo tình hình Hội Văn hóa cứu, ông Hoàng Đạo Thúy báo cáo về phong trào hướng đạo, ông Vũ Oanh đọc báo cáo về phong trào đấu tranh ở Hà Nội…
Lãnh tụ Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội về công tác ngoại giao. Người báo cáo về mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với lực lượng Đồng Minh và cho ràng Đồng Minh vào Việt Nam cũng là cơ hội, nhưng cũng có những mưu đồ phức tạp, khó lường. Người cũng đề cập đến vấn đề bầu cử phổ thông để thành lập nghị viện liên hiệp, từng bước giành độc lập trong trường hợp khởi nghĩa không giành được thắng lợi.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải khởi nghĩa, giành lấy chính quyền từ tay Nhật và “Chính phủ bù nhìn”, trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Với tư cách là những người chủ của đất nước, chúng ta sẽ đón tiếp quân đội Đồng Minh đến giải giáp quân đội Nhật.
Một số đại biểu trong đó có ông Trần Huy Liệu phát biểu không đồng ý với thái độ mềm dẻo với Pháp. Trả lời ý kiến đó,lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định chúng ta nhất định sẽ chiến đấu nếu thực dân Pháp muốn đặt ách nô lệ một lần nữa, song thái độ chúng ta phải khéo léo tranh thủ Đồng Minh.
Ngày 17-8-1945, Đại hội tiếp tục họp. Trước các đại biểu của nhân dân, Đảng Cộng sản Đông Dương nêu lên chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương.
Đại hội đã nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Đại hội quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam gồm: Hồ Chí Minh: Chủ tịch, Trần Huy Liệu:Phó Chủ tịch, các ông Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch,Nguyễn Hữu Đang là uỷ viên. Ban Thường trực gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.
Uỷ ban giải phóng dân tộc được trao sứ mệnh: “thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước” và do thời gian cấp bách, “Uỷ ban giải phóng dân tộc giao toàn quyền chỉ huy cho Uỷ ban khởi nghĩa”.
Quốc dân Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
Ngay sau khi được bầu, Uỷ ban giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Uỷ ban giải phóng dân tộc đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề !”.
Uỷ ban giải phóng dân tộc sau khi ra mắt và tuyên thệ đã họp bàn về các vấn đề lãnh đạo khởi nghĩa và dự kiến những tình huống phức tạp khi quân Đồng Minh vào.
Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc ta trong giờ phút quyết định, đồng thời tượng trưng cho quyết tâm sắt đá của toàn thể nhân dân ta quyết đứng lên giành tự do, độc lập.
Như vậy là ngay trước thềm tổng khởi nghĩa toàn quốc, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức thành công hai hội nghị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trên toàn quốc.
Nguyễn Thắng