Hệ tư tưởng là một thành tố quan trọng của văn hoá, có vai trò liên kết xã hội, thống nhất hành động vì mục đích chung. Vì thế, mỗi nhà nước, mỗi chế độ xã hội đều lựa chọn một hệ tư tưởng làm chỗ dựa tinh thần, củng cố cho quyền lực nhà nước. Đối với văn hóa nghệ thuật, hệ tư tưởng có vai trò định hướng, dẫn dắt cho chính sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật ấy. Đặt trong bối cảnh đất nước những năm 30 của thế kỷ XX mới đánh giá đúng được tầm vóc và công lao của nhà lý luận mácxít Hải Triều trong việc đặt nền móng tư tưởng cho nền văn hóa nghệ thuật mới.
Chân dung Hải Triều. Nguồn ảnh: Internet
Những thập niên đầu của thế kỷ XX, quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây đã tạo ra một sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội Việt Nam trên mọi phương diện, trong đó có phương diện tư tưởng. Lịch sử đã chứng kiến sự gặp gỡ, đồng tồn của nhiều hệ tư tưởng khác nhau trên đất nước ta thời điểm đó. Tư tưởng Nho giáo vẫn tồn tại dù vai trò lịch sử của nó đã bị phai nhạt và số lượng các nhà Nho đi tìm những luồng tư tưởng mới ngày một đông. Phong trào Cần Vương chính là những nỗ lực cuối cùng của giới sĩ phu yêu nước lớp cũ ở nước ta. Bên cạnh đó, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản qua tân thư và tân văn Trung Quốc, Nhật bản như Ẩm băng thất, Trung Quốc hồn, Mậu Tuất chính biến, Tân dân tùng báo … của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Phúc Trạch Dụ Cát… du nhập vào Việt Nam. Những học thuyết về tự do, dân chủ, dân quyền, phân quyền của những nhà phát ngôn của giai cấp tư sản Pháp thế kỷ XVIII như Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ, Vôn-te… cũng được truyền bá trong nước. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin và đem về truyền bá ở Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mà còn khẳng định về sự thắng thế và thống trị của hệ tư tưởng vô sản trong đời sống tư tưởng trên đất nước ta.
Trong giai đoạn "gió Á, mưa Âu", có sự đan xen giữa nhiều luồng tư tưởng như vậy, để hệ tư tưởng mácxít cắm rễ sâu và trở thành hệ tư tưởng cốt lõi trong đời sống dân tộc nói chung, trong đời sống văn hóa nghệ thuật nói riêng, đòi hỏi phải có sự tuyên truyền, đấu tranh, bảo vệ và cổ vũ cho chủ nghĩa Mác. Hải Triều chính là người chiến sĩ tiên phong trong việc xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật mới dựa trên nền tảng tư tưởng lý luận mácxít.
Truyền bá và khẳng định quan điểm mácxít
Sinh ra trong một gia đình Nho học ở Huế, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Khoa đã sớm bộc lộ lòng yêu nước và chí hướng hoạt động đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước. Giữa những luồng tư tưởng đan xen, Nguyễn Văn Khoa - bút danh là Nam Xích Tử, sau này là Hải Triều - đã nhanh chóng nhận ra sự ưu việt của hệ tư tưởng mácxít và ông trở thành người lĩnh hội và truyền bá chủ nghĩa Mác.
Bằng sự nghiêm túc trong nghiên cứu, học hỏi, Hải Triều đã viết nhiều bài bình luận về tình hình thế giới, giới thiệu sự nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô như Cuộc chiến tranh thế giới sau này (Tiếng Dân, 1928), Hội nghị kinh tế thế giới (Đông phương, 1933), Chính sách của Nhật - Mỹ - Anh ở Thái Bình Dương (Đông phương, 1933), Mây mù ở Trung Âu (Đông phương, 1933), Cuộc liên minh chống Nga Xô viết (Đông phương, 1933)… Rất nhiều những học giả cùng thời với Hải Triều đã phải thừa nhận rằng ông là người hiếm hoi và độc đáo đã nắm bắt được tinh thần biện chứng mácxit, để từ đó tạo ra một tầm nhìn thoáng đãng, khoa học và diễn đạt những điều đó một cách khúc triết, dễ hiểu.
Khi Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp thành lập, Hải Triều đã viết cuốn Chủ nghĩa mácxít phổ thông. Cuốn sách được Trần Huy Liệu, Vũ Khiêu… đánh giá là một cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về chủ nghĩa Mác lúc bấy giờ. GS Vũ Khiêu viết: "Tôi đã sử dụng cuốn sách đó làm cơ sở cho các cuộc hội thảo, các buổi sinh hoạt của Chi hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác". Trong Lời tựa của cuốn sách, Bùi Công Trừng nhận xét cuốn sách tuy thuộc loại phổ cập, nhưng "nó vẫn có một giá trị đặc biệt, chẳng những vì hợp với sự nhu yếu của thời gian, mà nó lại là một tác phẩm có tài liệu rất dồi dào, sắp đặt một cách mạch lạc, nó là một quyển sách mác-xit nhập môn đầu tiên có giá trị trong tủ sách xã hội xứ này". Cuốn sách này của Hải Triều cùng với những bài viết của ông đăng trên các báo, tạp chí đã góp phần làm cho chủ nghĩa Mác đến được với đông đảo trí thức, học sinh và các tầng lớp xã hội khác. Bằng nhiệt huyết và nỗ lực của bản thân, Hải Triều đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác ở Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX.
Đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái
Trong suốt cuộc đời mình, Hải Triều luôn giữ vững vị thế của người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Ngòi bút của ông đấu tranh không khoan nhượng với những quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, ru ngủ nhân dân. Tên tuổi của Hải Triều gắn liền với hai cuộc tranh luận vang dội cả trong Nam ngoài Bắc: Duy tâm hay duy vật (1933 - 1939) và Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (1935 - 1939).
Ở cuộc tranh luận thứ nhất Duy tâm hay duy vật, Hải Triều không những phê phán quan điểm triết học duy tâm mà thông qua tranh luận, ông đã giới thiệu chủ nghĩa duy vật theo quan điểm cách mạng trên lập trường mácxít.
Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật, Hải Triều đã khẳng định mối quan hệ giữa văn chương (rộng hơn là văn hóa) với kinh tế. Trong bài báo Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh, Hải Triều đã khẳng định văn hóa thuộc về thượng tầng kiến trúc, mà “Nếu đã nằm trong cái thượng tầng kiến trúc tất nhiên phải theo cái lệ chung là: biến đổi theo hạ tầng cơ sở. Nói một cách khác là: Nền kinh tế của xã hội biến đổi thì văn học cũng biến đổi theo. Nền kinh tế vì mâu thuẫn mà tiến hóa thì nền văn học cũng vì mâu thuẫn mà tiến hóa theo”. “Mỗi chế độ kinh tế tất có một nền văn học tương đương và nền văn học nào thì bênh vực cho chế độ kinh tế ấy”. Hải Triều phê phán dòng văn chương thoát ly hiện thực cũng như nhận thức duy tâm chứa đựng những mặc cảm, tự ti về trí tuệ và tương lai của dân tộc.
Những tư tưởng này của Hải Triều đã đem lại cho xã hội những nhận thức mới về những vấn đề cơ bản của triết học mácxít và giải thích một cách khách quan, hợp quy luật về mối quan hệ giữa văn hóa nghệ thuật với kinh tế, giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Bằng những lập luận sắc bén, logic, những bài báo của Hải Triều đã góp phần đẩy lùi quan điểm duy tâm, mở đường cho những tư tưởng tiến bộ tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, xây dựng nền văn hóa nghệ thuật tiên tiến trên lập trường của chủ nghĩa Mác.
Ở cuộc tranh luận thứ hai Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, tư tưởng của Hải Triều về nghệ thuật được bộc lộ rõ ràng. Ông thẳng thắn phê phán quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, “lấy nghệ thuật làm cứu cánh cho nghệ thuật”. Có thể nói, “nghệ thuật vị nghệ thuật” là quan điểm khá phổ biến lúc bấy giờ. Đó là quan điểm cốt lõi của dòng văn chương lãng mạn thoát ly hiện thực, ru ngủ con người bằng những mộng tưởng hão huyền. Trong bài báo Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (Đời mới, 1935), Hải Triều viết: “Ai lấy nghệ thuật làm món chơi riêng, lấy nghệ thuật làm nghệ thuật, lấy nghệ thuật làm bùa mê người, đều vô tâm hay hữu ý đã nối giáo cho những cái lực lượng phản tiến hóa. Hạng nghệ sĩ ấy, xin lỗi ông Thiếu Sơn, là hạng nghệ sĩ gian trá, hạng nghệ sĩ quái quỷ vậy”. Theo Hải Triều, người nghệ sĩ phải hiểu được sứ mệnh của mình là nói lên tiếng nói của nhân dân, tác phẩm phải mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại. “Giữa cuộc phân tranh của xã hội, trước những vấn đề sống còn của thời đại, nhân loại đương mong mỏi về phương diện tinh thần một hạng nghệ sĩ biết diễn dịch được cái nỗi lòng của họ; làm sao mà những sự đau thương, sự mong mỏi, sự buồn giận, sự vui sướng trong tâm khảm họ đều vẽ vời thành những bức tranh linh hoạt chan chứa cảm tình”.
Cổ vũ cho sự ra đời một nền văn hóa nghệ thuật mới
Từ việc phê phán quan điểm duy tâm, nghệ thuật vị nghệ thuật, Hải Triều kêu gọi xây dựng một nền văn học mới, một nền văn học có khuynh hướng tả thực xã hội, do giai cấp vô sản làm nòng cốt.
Hải Triều có nhiều bài viết giới thiệu sự nghiệp của các nhà văn nước ngoài như: M. Gooc-ki, R. Rô - lăng, … vì các tác phẩm của các nhà văn này phản ánh cuộc sống, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mĩ. Ông cùng đề cao những tác phẩm của các nhà văn hóa trong nước như Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Lầm than của Lan Khai ... vì những giá trị nhân sinh trong các tác phẩm này. Hai Triều rất trân trọng những tác phẩm văn chương “mưu cầu hạnh phúc cho kẻ xung quanh”. Chính vì vậy, mặc dù một số tác phẩm của những nhà văn trẻ trong nước chưa thực sự toàn bích, nhưng ông vẫn ủng hộ, cổ vũ vì Hải Triều thấy được tinh thần yêu thương con người, đồng cảm với thân phận đau khổ của con người trong các tác phẩm đó. Bằng trí tuệ và ngòi bút sắc bén, Hải Triều đã cổ vũ cho sự ra đời và phát triển của một nền văn hóa nghệ thuật mới, một nền văn hóa nghệ thuật tiến bộ và cách mạng, một nền văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân lao động, một nền văn hóa nghệ thuật thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, vì hạnh phúc, ấm no của con người.
Hai mươi sáu năm hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, Hải Triều đã góp phần vào sự hình thành và phát triển lý luận của nền văn hóa nghệ thuật cách mạng. Mặc dù các tác phẩm của ông chưa thực sự giải quyết thấu đáo tất cả những vấn đề lý luận về văn hóa nghệ thuật, nhưng cuộc đời của ông, sự nghiệp của ông, những tác phẩm của ông đã làm thay đổi tư duy của rất nhiều người về một nền văn hóa nghệ thuật mới. Đánh giá về công lao của Hải Triều, đồng chí Trường Chinh có viết: "Đến khoảng năm 1933 - 1935 có hai cuộc tranh luận mà đồng chí Hải Triều là người đứng trên lập trường mácxít đấu tranh chống những quan điểm duy tâm. Đó là cuộc tranh luận về "Duy vật hay duy tâm" và "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh". Công lao của đồng chí Hải Triều đáng cho ta ghi nhớ. Cố nhiên, với trình độ ngày nay, nếu xem lại những bài ấy có thể ta thấy còn sơ lược. Nhưng ở trình độ và hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ trong cuộc bút chiến có những bài như của đồng chí Hải Triều là xuất sắc"[1].
Lâm Minh Khuê
[1] Bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ tư, tháng 12 – 1968.