Những khúc khải hoàn ca vang lên, và 48 năm qua, chiến tranh cũng đã lùi xa, đất nước ta đi qua bao mùa xuân độc lập. Ta cũng nói với nhau nhiều hơn về hạnh phúc. Hạnh phúc là gì, có rất nhiều sự cắt nghĩa khác nhau. Hạnh phúc có thể là “đựng trong những tà áo đẹp”, hạnh phúc có thể là những đêm trăng rắc vàng trên biển mặn mòi; hạnh phúc cũng có thể chứa chan trong những lời nguyện ước lứa đôi…Thế nhưng với những người con yêu nước, dù tuổi thanh xuân có chất chứa bao hoài bão, ước mơ, thì hạnh phúc lại bắt đầu từ những điều tưởng như bình dị nhất, giản đơn nhưng rất đỗi thiêng liêng: “Hạnh phúc bắt đầu từ chỗ biết xa nhau”.[1]
Tượng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Quảng Ngãi. Ảnh: Internet
Khi nghĩ về những anh hùng, thương binh liệt sỹ, ta thấy tự hào, xúc động, biết ơn bao nhiêu, thì cũng thấy mình sao nhỏ bé bấy nhiêu! Lần giở lại những trang nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc, những thước phim, câu chuyện về ngã ba Đồng Lộc, về nghĩa trang Trường Sơn – nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sỹ anh hùng, vv…để rồi bao cảm xúc trào dâng!
Cảm phục và xúc động, ta kính cẩn nghiêng mình trước những người con trai, con gái tuổi hai mươi đã dũng cảm quên mình: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Từ đây, ta hiểu nhiều hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, về tuổi trẻ, về sự dấn thân, về lòng yêu đất nước quê hương, và về lẽ sống…qua đó thấy rõ về trách nhiệm của bản thân để sống sao cho xứng đáng, sống sao cho không “sống phí, sống hoài”.
“Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm tay súng”. Chắc hẳn rằng, sẽ không có người mẹ nào muốn xa con, không người vợ nào muốn xa chồng, không lứa đôi nào yêu nhau muốn người Nam - kẻ Bắc. Thế nhưng, vì tự do, độc lập, khi tổ quốc lâm nguy, họ sẵn sàng “nếu cần ta chết”, cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông. Dẫu biết rằng, sự sống là quý giá, dẫu biết rằng, ai ai cũng muốn bình yên, hạnh phúc, muốn hoa hồng: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”[2].
Giữa đạn lạc bom rơi, giữa lằn ranh sinh tử, khi “chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm”, chắc hẳn các chị, các anh cũng thoáng những phút giây nào đó cho sự yếu lòng: “Cũng lắm lúc gian nan xung quanh đạn bom rơi chắn lối”... Nhưng, khi lòng căm hờn quân giặc và tình yêu đất nước quê hương dâng lên cháy bỏng thì sẽ “chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm”. Các chị, các anh vẫn đi – vững chãi kiên trung, miệt mài như những con thoi, như những cánh chim quanh Trường Sơn hùng vĩ: “Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước/ Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn”. Như lời Chị Đặng Thùy Trâm: “Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc." [3]
Vì lẽ sống, vì giấc mơ hòa bình, hạnh phúc cá nhân lúc này là vượt lên những toan tính riêng tư “mòn mỏi và cằn cỗi”, để “cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi”, và “Tuổi thanh niên là tuổi cống hiến. Thạc đừng vội nghĩ đến những đòi hỏi hưởng thụ. Hãy cao hơn những tính toán cá nhân” [4].Lẽ sống như vậy là trách nhiệm, là quyết tâm, cũng là mơ ước của bao liệt sỹ, anh hùng lúc bấy giờ: “Có thể ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả – Biết yêu và biết ghét – Biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất cả những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế – Đây là mơ ước, là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm”…[5].
Vì lẽ sống đó mà tình yêu cá nhân đã hòa quyện cùng tình yêu tổ quốc: “Anh yêu em như anh yêu đất nước”. Thế nên, xiềng xích hay đạn bom cũng không ngăn trở được tình yêu, lòng yêu nước thương nòi: “Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà”[6]! Sự cách trở, sự chia ly, vì vậy mà cũng trở nên rất đỗi nhẹ nhàng, bi lụy hay những giọt nước mắt đã nhường chỗ cho những hy vọng và niềm tin: “Xa nhau không hề rơi nước mắt/ Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”[7].
Vậy là, những thế hệ cha anh chúng ta đã sống và hy sinh như thế! Máu đào của các liệt sỹ, anh hùng đã nhuộm đỏ thêm cho lá cờ cách mạng Việt Nam, cho nền độc lập tự do, “cho dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Thêm nhớ lời Bác Hồ kính yêu căn dặn: “Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do".[8]
Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Ảnh: nhandan.vn
Hôm nay chúng ta đang sống trong hạnh phúc, thái bình, tự do ngắm những cánh buồm xanh, ngắm những ngôi sao hôm, sao mai, ngôi sao của bình minh, ngôi sao của buổi ban chiều… nhưng chúng ta không được phép quên lịch sử, không được quên sự nghiệp cách mạng gian khổ, khó khăn mà các anh hùng liệt sĩ đã vượt qua: “Mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Các chị các anh đã “chuyền lại cho chúng ta” lòng yêu nước, là đất mẹ non sông, là lãnh thổ chủ quyền, là đất liền, vùng trời và hải đảo. Là Hoàng Sa, Trường sa rì rào biếc xanh, kiên cường trong gió bão... Vậy nên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thêm quyết tâm trên dưới đồng lòng, nỗ lực khắc phục những trở ngại khó khăn, dựng xây cho cơ đồ dân tộc ta ngày càng vững mạnh, trường tồn, để xứng đáng với những sự hy sinh anh dũng đó!
Các anh hùng liệt sỹ, các chị, các anh luôn sống mãi với non sông Việt Nam. Tổ quốc ta đời đời khắc ghi, triệu trái tim chúng ta tưởng nhớ:
“Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”[9].
------------------------
[1] Trích Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, ghi vào ngày 7-12-1971.
[2] Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
[3] Trích Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nxb Hội Nhà văn, 2016, tr.160.
[4] Trích Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, tr, 139.
[5] Trích Nhật ký Nguyễn Văn Thạc.
[6] Trích Đất nước, Nguyễn Đình Thi.
[7] Bài viết còn sử dụng các câu trích trong nhiều tác phẩm thơ và nhạc: Đất nước tình yêu (Lệ Giang); Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên); Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi (Nam Hà); Hát mãi khúc quân hành (Diệp Minh Tuyền); Đời tôi đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối); Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân).
[8] Bài phát biểu của Bác tại Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (ngày 5-1-1960).
[9] Trích Đất nước, Nguyễn Đình Thi.
Nhâm Hồ