Nếu phải chỉ ra một địa danh biểu tượng của cách mạng Việt Nam thì có lẽ cái tên “Quảng trường Ba Đình”[1] sẽ được người dân Việt Nam nhớ đến đầu tiên. Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945. Ngày nay, bên cạnh khu vực Quảng trường trung tâm là các công trình kiến trúc như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh – nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh
Tháng 8 năm 1945.
Ngày 06/8/1945, máy bay quân đội Mỹ thả quả bom khối lượng 4.400kg trên bầu trời Hiroshima. Vụ nổ xảy ra cách mặt đất khoảng 580m, tạo thành một đám mây hình nấm khổng lồ, trong chốc lát biến Hiroshima với 300 ngàn dân thành thành phố chết chóc đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Đến ngày 09/8, Nhật Bản vẫn chưa chịu chấp nhận đầu hàng. Và đó là cái cớ tiếp theo để quân đội Mỹ gieo rắc tội ác với Nagasaki.
Ngày 14/8, Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào. Hội nghị đã nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”[2].
Ngày 15/8, Nhật hoàng tuyên bố chấp nhận đầu hàng Đồng Minh.
Ngày 17/8, cờ đỏ sao vàng của Việt Minh tung bay ở Hà Nội.
Ngày 19/8, quần chúng và lực lượng vũ trang, tự vệ Hà Nội chiếm hầu hết các công sở của chính quyền bù nhìn Bảo Đại – Trần Trọng Kim. Lực lượng quân đội Nhật thúc thủ vô sách.
Ngày 20/8, Việt Minh hoàn toàn làm chủ Hà Nội.
Ngày 21/8, hoàng đế Bảo Đại nhận được điện yêu cầu thoái vị.
Ngày 24/8, Việt Minh phế truất hoàng đế Bảo Đại và tuyên bố “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, trong 13 ngày từ 11/8 đến 24/8 đã hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng Tháng Tám.
Ngày 25/8, 8 vạn dân thành phố Sài Gòn tràn ngập đường phố, chính quyền bù nhìn của Nhật hoàn toàn bất lực. Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước đã thực sự về tay nhân dân trước khi quân đội Đồng minh vào Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự lãnh đạo thiên tài của nhà cách mạng Hồ Chí Minh; dự đoán chính xác về thời cơ; chớp thời cơ để phát động nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 26/8, chi đội Giải phóng quân đầu tiên của Võ Nguyên Giáp tiến vào Hà Nội giữa tiếng reo mừng khôn tả của nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Ngày 30/8, Bảo Đại – hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, đã trao ấn kiếm – biểu tượng của uy quyền phong kiến Việt Nam, cho đại diện Việt Minh.
Trước đó, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (đội mũ) trên Lễ đài Độc lập (Ảnh tư liệu)
Ba tháng sau[3], trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã cho biết về lý do và ý định của Người khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui"[4].
Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vẻ vang khi đã đánh đổ nền thống trị thực dân gần 100 năm và chế độ phong kiến hàng ngàn năm. Hơn thế, lại được dẫn dắt bởi một nhà lãnh đạo khiêm nhường nhất trong lịch sử loài người.
Phải đến ngày 02/9/1945, Nhật Bản mới ký vào văn kiện đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ neo đậu ở Yokohama. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mamoru Shigemitsu là người đảm nhận ký văn kiện này.
Ngày 02/9/1945 chính là ngày vinh quang ấy. Thủ đô Hà Nội phủ đầy cờ đỏ. Trên mọi ngả phố giăng đầy biểu ngữ, khẩu hiệu bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Trung và cả tiếng Nga: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Hoan nghênh đoàn đại biểu Đồng Minh”, “Ủng hộ Hồ Chí Minh”.
Triệu người con đất Việt tiến về Thủ đô. Những cụ già vẻ mặt trang nghiêm. Nam nữ thanh niên ai nấy đều quần áo sặc sỡ, rạng ngời. Trẻ em rộn ràng, chính các em đang trở thành chủ nhân nhỏ của một quốc gia độc lập. Các nhà sư, các mục sư cũng rời chùa và nhà thờ xuống đường hòa vào dòng người. Một ngày đã tô đậm thêm lịch sử vĩ đại, nắng tháng 9 chiếu vàng rực rỡ. Giữa Quảng trường Ba Đình, Ban tổ chức Lê độc lập nhanh chóng tiến hành dựng một lễ đài bằng gỗ. Khoảng 2 giờ chiều, một cụ già bước lên lễ đài, xuất hiện trước nhân dân: Hồ Chí Minh. Hình ảnh Người còn khá bỡ ngỡ với nhiều đồng bào. Không nhiều người biết về vị nhân sĩ đó – nhà hoạt động phong trào độc lập lỗi lạc, nhà ái quốc huyền thoại Nguyễn Ái Quốc – người đã nổi danh trên chính trường quốc tế. Hơn 30 năm bôn ba khắp thế giới, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, người từng bị kết án tử hình, nhiều tháng năm chịu cảnh tù đày, giờ đây đang xuất hiện trước quốc dân đồng bào. Sự kiện lịch sử này mới hôm nào còn ở trong ước mơ.
Trước biển người là một ông cụ hơi gầy, vầng trán rộng, mắt sáng, chòm râu thưa. Phong cách trang phục giản dị này được Người lựa chọn trong suốt thời gian trên cương vị Chủ tịch, trong những ngày lễ cũng như trong những dịp đi công tác nước ngoài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời trên Lễ đài Độc lập (Ảnh tư liệu)
Ông cụ có dáng đi nhanh nhẹn khiến mọi người hơi ngạc nhiên. Họ không nhìn thấy ở vị Chủ tịch phong thái trang trọng của tầng lớp thượng lưu, quý tộc. Bằng giọng nói phảng phất quê hương Nghệ An, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
“Tất cả mọi người đều sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Điều ngạc nhiên là Hồ Chí Minh đã trích dẫn đúng câu đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.
Giọng Hồ Chí Minh điềm đạm, rõ ràng, khúc chiết. Không phải cái giọng hùng hồn như vẫn thường được nghe trong các buổi lễ trang trọng. Ngữ điệu biểu cảm sâu sắc, lỹ lẽ lôi cuốn và đanh thép. Từng câu, từng tiếng tràn đầy sức sống, đi vào lòng người. Đọc bản Tuyên ngôn đến nửa chừng, Hồ Chí Minh dừng lại và bổng dưng hỏi: “ Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”
“Co-o-ó…”
Mấy chục vạn con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm. Từ khoảnh khắc đó, Hồ Chí Minh với biển người đã hòa làm một.
Cuối bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Đây chính là bản Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới giành được độc lập bằng cuộc đấu tranh không ngừng suốt hơn 80 năm của cả dân tộc. Đó là thành quả được xây dựng bằng xương máu của những con người cách mạng kiên trung nhất vì lợi ích của giai cấp và của dân tộc; bằng linh hồn của những anh hùng trước cái chết giật bỏ băng đen bịt mắt, hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”.
Điều lo lắng của Hồ Chí Minh trước đó 30 năm: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”[5], giờ đây, không còn khiến Người băn khoăn. Cả dân tộc Việt Nam đã hồi sinh từ giây phú trang nghiêm và rất đỗi tự hào đó.
Sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, lần đầu tiên, nhân dân Việt Nam bằng sức lực của chính mình đã lập nên chính quyền của nhân dân lao động. Hơn thế, từ một dân tộc “nhược tiểu”, không có sự giúp đỡ đáng kể nào từ bên ngoài, đã đập tan xiềng xích nô lệ của một trong những đế quốc thực dân lớn mạnh nhất thế giới trong gần một thế kỷ, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Phương Nam
[1] Quảng trường Ba Đình trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn gọi là Quảng trường Tròn hay còn gọi là Quảng trường Puginier – tên một vị linh mục của Pháp. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Quảng trường Tròn được gọi là Vườn hoa Ba Đình hay gọi là Quảng trường Ba Đình. Quảng trường được lấy tên địa danh Ba Đình là để gợi nhớ vùng đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa, nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ tháng 9/1886 đến tháng 01/1887. Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô Hà Nội và của cả nước, ghi nhận nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 7, tr.424-425
[3] Tháng 01/1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[4] Báo Cứu Quốc ngày 21/01/1946
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr.144.