Kỷ niệm 118 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2022), là dịp để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí hy sinh cho Đảng khi hơn hai mươi tuổi đời, để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung bất khuất của người cộng sản
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904, tại thành An Thổ, thôn Long Uyên, tổng Hạ, phủ Tuy An, nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, thuộc tỉnh Phú Yên.
Thân phụ của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ, một nhà nho yêu nước, nguyên quán xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân mẫu của đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát, một người mẹ hiền hậu, tần tảo chăm sóc chồng con, bà mất khi Trần Phú mới được 6 tuổi (năm 1910).
Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, nhưng được sự giúp đỡ của bà con, họ hàng, nên Trần Phú vẫn được đi học.
Sau khi học xong bậc tiểu học tại Trường Pháp-Việt Đông Ba và tiếp tục học Trường Quốc học Huế, năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung, được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh (Nghệ An). Năm 1925, đồng chí tham gia Hội Phục Việt, một tổ chức yêu nước được thành lập ở Vinh và trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức này.
Bước ngoặc trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào giữa năm 1926, đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Khóa học đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản, để từ một thanh niên yêu nước, Trần Phú đã giác ngộ, chuyển sang lập trường của giai cấp vô sản.
Tháng 10/1926, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động, tích cực tuyên truyền quan điểm, đường lối cách mạng và ra sức vận động Ban lãnh đạo của Việt Nam cách mạng Đảng hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Việc hợp nhất không thành, nhưng Ban lãnh đạo đã đồng ý đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp theo cách thức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào huấn luyện. Như vậy, đồng chí Trần Phú đã có công hướng tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng, một tổ chức của những người yêu nước tự phát, theo quỹ đạo cách mạng vô sản.
Cuối năm 1926, biết tin đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động, mật thám Pháp ra sức truy lùng. Trước tình hình đó, tổ chức quyết định cử Trần Phú trở lại hoạt động ở Quảng Châu. Tại đây, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên cử sang Moscow theo học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian học tập ở Moscow (1927- 1929), Trần Phú với bí danh Lý Quý, đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Bolshevik Nga. Theo thư giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú được cử làm Bí thư Chi bộ của những người cộng sản Việt Nam đang học tại Trường Đại học Phương Đông.
Sau khi tốt nghiệp, mặc cho Tòa án Nam Triều đã kết án tử hình vắng mặt, đồng chí vẫn quyết định trở về nước hoạt động.
Trong khi đồng chí Trần Phú đang trên đường về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu tháng 2/1930, đồng chí Trần Phú vừa về đến Sài Gòn đã bị mật thám vây bắt, nên phải tiếp tục lên tàu lánh sang Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người thông báo về sự kiện thành lập Đảng, về tình hình cách mạng Đông Dương và những công việc sắp tới của Đảng.
Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về tới Hà Nội; theo thư giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, tháng 7/1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời, được phân công dự thảo Luận cương chính trị, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất.
Trang đầu Bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo
Để chuẩn bị dự thảo bản Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú đã thâm nhập thực tế ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, vùng mỏ Quảng Ninh. Trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác-Lê-nin và kết quả nghiên cứu thực tiễn, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản Luận cương chính trị và được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930.
Bản Luận cương chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo tuy có một số hạn chế mang tính lịch sử, nhưng những vấn đề cốt lõi nhất về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, cơ bản thống nhất với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Điều đó khẳng định tính đúng đắn, nhất quán và xuyên suốt về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của Đảng từ khi thành lập đến nay. Đó là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đánh giá về ý nghĩa và giá trị lịch sử của bản Luận cương, Đảng đã khẳng định: Luận cương chính trị là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10/1930), Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, đã nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời, Đảng ta đã từng bước khắc phục sai lầm của tư tưởng “tả khuynh”, hẹp hòi, để lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận của Đảng, tháng 12/1930, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ đỏ và Tạp chí Cộng sản, đồng thời thành lập Ban Tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ, kết nạp vào Đảng qua đấu tranh thời kỳ cao trào 1930-1931.
Vô cùng hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng và uy tín của Đảng Cộng sản, kẻ thù đã ráo riết truy lùng người Tổng Bí thư trẻ tuổi, tài năng. Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại Sài Gòn.
Mặc cho kẻ thù dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt, tra tấn dã man, Trần Phú vẫn một lòng kiên trung với Đảng, bình tĩnh, hiên ngang nhận mình là Tổng Bí thư, nhưng không hề để lộ bí mật của Đảng.
Ngày 06/9/1931, Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi. Đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và cách mạng, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Suốt gần 5 tháng bị giam cầm, từ bót Catinat rồi Khám Lớn Sài Gòn, mọi đòn roi và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù đều không khuất phục được người cộng sản kiên cường.
Mộ đồng chí Trần Phú tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
Lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí trước lúc hy sinh: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã truyền thêm sức mạnh cho đồng đội và sẽ còn vang vọng mãi, cổ vũ chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường cách mạng hôm nay.
Tấm gương phấn đấu, hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú đã được Quốc tế Cộng sản đánh giá cao: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Cộng sản Đông Dương”[1].
Chú tịch Hồ Chí Minh ca ngợi công lao của đồng chí Trần Phú với dân tộc Việt Nam: “Chúng ta đã thắng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đó là nhờ các tiên liệt Trần Phú, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và nhiều cán bộ khác đã oanh liệt hy sinh cho giai cấp, cho nhân dân. Sự hy sinh cao cả của các tiên liệt đã soi đường cho đồng bào ta đoàn kết đấu tranh, thành một lực lượng tất thắng”[2]. “ Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”[3].
Khắc ghi lời dạy của Tổng Bí thư Trần Phú, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và hai cuộc kháng chiến, hàng chục vạn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước đã noi gương đồng chí Trần Phú, giữ vững chí khí chiến đấu, vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Hơn 90 năm qua, lời căn dặn của đồng chí Trần Phú “Hãy gữ vững chí khí chiến đấu” vẫn còn vang vọng.
Dương Minh
[1] Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 4, năm 1932, tiếng Nga, tr. 67-68. Bản dịch lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 534.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 25.