Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Thông Lãng, tổng Phù Long, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nông dân lao động thuần phác, trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, nên từ sớm đã có ý chí đấu tranh và giác ngộ cách mạng, kiên cường bất khuất trước kẻ thù
Không ngừng học tập và được đào tạo toàn diện
Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả nhưng Lê Huy Doãn (Lê Hồng Phong) vẫn được cha mẹ tạo điều kiện học hành tử tế, “phòng học của Doãn có bộ tràng kỷ, một tủ gỗ nhỏ như phần nhiều gia đình nông dân ở Hưng Nguyên vẫn dùng để đựng sách vở, đồ dùng học tập, mắc treo quần áo với mấy bộ quần áo lửng; gian ngoài có kê bộ phản nằm, đặt cạnh nơi Doãn học tập”[1]. Những khi thân sinh qua đời, việc học đã bị hoãn lại. Anh phải đi lao động làm thuê để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Là thanh niên có chí khí, mang hoài bão làm cách mạng nên anh không chấp nhận số phận “làm kiếp lầm than nô lệ”, hòa chung vào phong trào cứu nước đang diễn ra sôi nổi lúc bấy giờ, đầu năm 1924, anh qua Trung Quốc.
Tại đây, Lê Hồng Phong và một số người bạn đã gia nhập nhóm Tâm Tâm xã, gồm những thanh niên tiến bộ vừa tách ra từ Việt Nam Quang phục hội.
Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong và một số đồng chí khác trong Tâm Tâm xã gia nhập và đi theo tiếng gọi của con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn dắt.
Tháng 8/1924, Lê Hồng Phong thi vào Trường Quân sự Hoàng Phố. Việc được tham gia học và hoàn thành khóa học đã giúp cho Lê Hồng Phong bồi đắp thêm nhiều kiến thức về chính trị, phong trào cách mạng, nhất là về quân sự thế giới và Trung Quốc. Đặc biệt, được trực tiếp tham gia vào các trận đấu do Trường tổ chức, Lê Hồng Phong “đã tham gia chiến đấu trong vòng 5 - 6 tháng trong hàng ngũ quân đội Chính phủ cách mạng Quảng Đông”[2].
Đến “tháng 2 năm 1925, tại Quảng Châu, Lê Hồng Phong và một số người bạn của Anh như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu.. được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn vào nhóm Việt Nam Thanh niên Cộng sản (Cộng sản Đoàn) do Người thành lập”[3].
Đồng chí Lê Hồng Phong trong hồ sơ mật thám Pháp (Ảnh tư liệu)
Cuối năm 1925, tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, đồng chí Lê Hồng Phong được chuyển tiếp sang học tại Trường Hàng không ở Quảng Châu, tại đây, ngày 10/2/1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với kết quả xuất sắc nên tháng 10/1926, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu cử sang Liên Xô học tập tại Trường Lý luận quân sự không quân (B.B.C) ở Lêningrát trong 14 tháng (10/1926 – 12/1927). Sau đó, đi học tiếp tại Trường đào tạo phi công Quân sự tại Bôrigolepxcô.
Tháng 12/1928, do yêu cầu khách quan của cách mạng, dù chưa xong khóa học đào tạo phi công, nhưng đồng chí được chuyển về học tại Trường Đại học Cộng sản của những người lao động Phương Đông. Tại đây, Lê Hồng Phong được kết nạp đảng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Nga và ở trong tổ chức nhóm Đông Dương. Đồng chí đã tốt nghiệp khóa 3 năm (1928-1931) với loại ưu và được chuyển tiếp vào lớp nghiên cứu sinh.
Có thể nói, đây là khoảng thời gian Lê Hồng Phong được huấn luyện, đào tạo một cách cơ bản, toàn diện có hệ thống về lý luận Mác – Lênin và con đường cách mạng vô sản. Đây là cơ sở để Lê Hồng Phong có khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam ở thời điểm khó khăn lúc bấy giờ”[4].
Tấm gương người cộng sản kiên cường, bất khuất
Đồng chí Lê Hồng Phong không chỉ là tấm gương sáng ngời về say mê, khổ công học tập, trở thành chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, mà còn là hình ảnh tiêu biểu của người chiến sĩ kiên cường, trung kiên bất khuất.
Nhờ được huấn luyện và đào tạo bài bản ở Quốc tế Cộng sản cả về chính trị và quân sự; được sự dìu dắt và truyền thụ của Nguyễn Ái Quốc và được thực thi nhiều nhiệm vụ quan trọng của cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong đã hình thành phẩm chất và bản lĩnh cách mạng kiên cường của người chiến sĩ cộng sản.
Đồng chí Lê Hồng Phong học xong các khóa học chính trị và quân sự ở Quốc tế Cộng sản, chính thức bắt đầu đi vào hoạt động thực tiễn ở Đông Dương theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản.
Nhận nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì, tái lập cơ quan lãnh đạo và xây dựng đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Thực thi Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (4/1932) và thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài gồm 3 thành viên (Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt). Sau hai tháng hoạt động, số đảng viên tăng lên, ở Nam Kỳ và Cao Miên có gần 100 người tham gia, quá trình khôi phục tổ chức và lực lượng ở Bắc Kỳ cũng có nhiều tiến bộ, các cơ sở Đảng trong nước bắt đầu hoạt động trở lại. Những hoạt động lý luận và thực tiễn của Lê Hồng Phong đã góp phần đưa cách mạng Việt Nam sang giai đoạn phục hồi, phát triển mới.
Một góc trưng bày về đồng chí đồng chí Lê Hồng Phong tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, năm 2018
Sự kiên cường, bất khuất của Lê Hồng Phong còn thể hiện ở khí phách người cộng sản trong cuộc đấu tranh đối mặt với kẻ thù, không sợ gian khổ, hi sinh.
Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị mật thám bắt giữ. Chính quyền thực dân biết rõ đồng chí chính là Lê Huy Doãn, là Litvinốp – một chiễn sĩ hoạt động trong phong trào cộng sản, nên tìm mọi cách để tra tấn và giết hại.
Mật thám dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ đối với Lê Hồng Phong hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí, buộc chính quyền thực dân phải trả tự do.
Tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt lần thứ hai, khi người vợ Nguyễn Thị Minh Khai vừa sinh đứa con đầu lòng, chính quyền thực dân biết vậy, nên đưa người vợ đến gặp Lê Hồng Phong hòng lung lạc tình cảm hai người và từ đó lấy cớ kết tội hai người nhưng đã thất bại.
Lê Hồng Phong bị chính quyền thực dân đày ra nhà tù Côn Đảo, thực thi một chế độ lao động và sinh hoạt vô cùng hà khắc – ngang nhiên nhốt vào xà lim và tra tấn dã man bất kể lúc nào, ở đâu, khi đang lao động, lúc đang tắm, điểm danh và cả khi đang ăn.
Một số bạn tù kể lại: “Sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm, chỗ sưng húp lên, có chỗ còn loét ra, ri rỉ máu”[5].
Sự tra tấn dã man của cai tù và bệnh tật đã lấy đi mạng sống của đồng chí Lê Hồng Phong vào ngày 6/9/1942, nhưng không lấy đi được tinh thần và khí tiết người chiến sĩ cộng sản trung kiên.
Hình ảnh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong trước đòn roi tới tấp của kẻ thù vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm tù với lời nhắn nhủ trước khi chết: “Hãy giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng” là biểu tượng ý chí kiên cường và khí phách cao cả của người cộng sản bất khuất.
Tấm gương chiến đấu kiên cường và hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản, xứng đáng để các thế hệ người Việt Nam ca ngợi, học tập và noi theo. Nhân lên sức mạnh và ý chí quật cường của dân tộc, để biết chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Hòa Phạm
[[1]] PGS, TS Lê Văn Tích (Chủ biên): Lê Hồng Phong - tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 24.
[[2]]Lê Hồng Phong - tiểu sử, Sđd, tr. 49.
[[3]]Lê Hồng Phong - tiểu sử, Sđd, tr. 53.
[[4]] Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Đồng chí Lê Hồng Phong – một lãnh tụ xuất sắc của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia , Hà Nội, 1997, tr. 33.
[[5]]Lê Hồng Phong - tiểu sử, Sđd, tr. 222