Không lâu sau khi ra đời từ cuộc bầu cử ngày 06/01/1946, Quốc hội khóa I đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, có nhiệm vụ củng cố nền độc lập mà nhân dân vừa giành được. Đó là mốc son lịch sử đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam nói chung và lịch sử xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam nói riêng
Tư tưởng lập hiến ở Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945
Trong thời kỳ thuộc Pháp, các trí thức Việt Nam có điều kiện tiếp nhận các tư tưởng dân chủ và tự do của nước ngoài, đặc biệt là của Pháp. Những tư tưởng này được thúc đẩy trong quá trình đấu tranh tự do, dân chủ và độc lập dân tộc. Các nhà tư tưởng lập hiến tiếu biểu của thời kỳ này có thể kể đến như Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Trực, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Các trí thức Việt Nam có nhiều quan điểm khác nhau trong phương thức xây dựng chế độ hiến pháp, có thể chia thành hai trường phái: trường phái bảo thủ và trường phái cách mạng.
Đại diện cho trường phái bảo thủ là tư tưởng lập hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Trực và Phạm Quỳnh. Theo đó, các cuộc cải cách hiến pháp nhằm bảo đảm các quyền dân chủ được tiến hành theo phương thức ôn hòa, chống bạo động và trong khuôn khổ thừa nhận chính quyền bảo hộ của Pháp[1].
Các tư tưởng bảo thủ đều tìm thấy những lợi ích của việc xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế bằng những cải cách dân chủ từng bước theo những chuẩn mực dân chủ tiến bộ, dưới sự trợ giúp của Pháp quốc. Nhiều tư tưởng rất tiến bộ, đề cập các nguyên tắc hiến pháp cơ bản như chế độ dân chủ, dân quyền và phân quyền. Tuy nhiên, các tư tưởng này bị phê phán bởi tính thiếu triệt để, cải lương khi vẫn duy trì chế độ quân chủ và đặt dưới sự đô hộ của thực dân Pháp.
Trái với quan điểm bảo thủ, quan điểm cách mạng đề xuất xây dựng Hiến pháp trên nền tảng lật đổ hoàn toàn chế độ quân chủ chuyên chế, đồng thời xóa bỏ ách thống trị của chế độ thuộc địa của Pháp. Quan điểm mang tính cách mạng triệt để hơn, muốn cho nhân dân Việt Nam có Hiến pháp thì trước hết phải giành được độc lập cho dân tộc. Sau khi giành được độc lập, nhân dân Việt Nam sẽ xây dựng và thông qua một bản hiến văn cho mình, mà không dựa vào sự ban hành của thực dân Pháp. Đại diện cho trường phái này là Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản khác.
Trong những người theo trường phái cách mạng, Nguyễn Ái Quốc là người có tư tưởng lập hiến tiến bộ có nhiều ảnh hưởng nhất trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đầu năm 1919, Người gửi cho Hội nghị các nước đồng minh thắng trận họp tại Versailles bản yêu sách đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương. Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc nhân danh người sáng lập tờ báo Việt Nam hồn cùng với đại diện Hội Phục Việt ở Paris gửi tới Hội Vạn quốc (Tiền thân của Liên hợp quốc) bản tố cáo tội ác của thực dân Pháp, đòi quyền độc lập tức khắc cho dân tộc Việt Nam để Việt Nam có thể “xếp đặt một nền Hiến pháp về phương diện chính trị, xã hội theo những lý tưởng dân quyền”.
Những tư tưởng lập hiến trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 chịu nhiều ảnh hưởng bởi các tư tưởng lập hiến của các nước phát triển khi đó. Sự đa dạng và tiến bộ của các tư tưởng này góp phần vào sự ra đời của bản Hiến pháp có giá trị đặc biệt trong lịch sử lập hiến của Việt Nam - Hiến pháp 1946.
Báo Quốc Hội số đặc biệt cổ động cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (Ảnh tư liệu)
Hiến pháp năm 1946 ra đời là một tất yếu
Ngay sau ngày Tuyên ngôn độc lập ra đời ngày 2-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp cho Nhà nước Việt Nam. Yêu cầu của công cuộc xây dựng một nhà nước dân chủ, mọi quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân Việt Nam là lý do quan trọng nhất đưa tới sự ra đời của bản Hiến pháp 1946 lịch sử này.
Sự ra đời của Hiến pháp đầu tiên còn là sự đòi hỏi của việc một lần nữa về pháp lý cùng với Tuyên ngôn độc lập khẳng định độc lập, chủ quyền của dân tộc. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ, trong đó vấn đề thứ ba là việc phải khẩn trương soạn thảo Hiến pháp. “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp” [2].
Theo sắc lệnh ngày 20/9/1945, Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập.
Sau khi Quốc hội đầu tiên ra đời, bên cạnh việc xem xét dự thảo của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp, Quốc hội còn xem xét cả dự thảo của các thành viên của Ủy ban Kiến thiết Quốc gia cũng vừa mới được thành lập.
Quốc hội đã thảo luận và đi đến thống nhất theo tinh thần dự thảo của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 09/11/1946 với tinh thần “Đoàn kết không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Tất cả cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân và xây dựng một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân” [3].
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I (Ảnh tư liệu)
Mốc son lịch sử đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chính quyền
Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi người dân đều có quyền bình đẳng ngang nhau trong tham gia vào các công việc nhà nước. Ngay Chương I nói về Chính thể khẳng định bản chất Nhà nước Việt Nam - Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, về cơ cấu tổ chức của Nhà nước, mô hình của Hiến pháp 1946 có những dấu ấn của chính thể cộng hòa lưỡng tính. Một trong những đặc điểm quan trọng của loại hình tổ chức nhà nước này là Chủ tịch nước không những là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước, mà còn là người trực tiếp lãnh đạo hành pháp, bộ máy quản lý mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, theo nguyên tắc của chế độ tổng thống, bên cạnh đó vẫn có Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ do Quốc hội /Nghị viện nhân dân thành lập. Chủ tịch nước cùng Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng hợp thành nội các có trách nhiệm thực hiện mọi hoạt động hành pháp của nhà nước.
Do tình hình chiến tranh, nên nhiều nội dung của Hiến pháp 1946 chưa có điều kiện thực hiện. Nhưng dựa trên sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tùy tình hình cụ thể mà tinh thần cũng như những nội dung của Hiến pháp 1946 được thực hiện trên thực tế.
Hiến pháp 1946 không những có ý nghĩa to lớn, trực tiếp đối với việc xây dựng và củng cố chế độ mới của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám mà còn có ý nghĩa to lớn, lâu dài đối với việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân hiện nay.
Trần Hà
______________________
[1] Nguyễn Vĩnh Thắng, “Tư tưởng lập hiến ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2011.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr.7.
[3] Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Được Quốc hội thông qua ngày 09/11/1946), https://vanban.chinhphu.vn.