Là thắng lợi ngoại giao quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Hiệp định Geneva là thắng lợi có tính thời điểm của nó và hoàn toàn không phải là bước lùi như một số người nghĩ
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi lớn, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chính vì thế, sau thắng lợi tại Điện Biên Phủ, có quan điểm cho rằng, ta có thế và lực để đẩy mạnh tổng phản công trên toàn quốc, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn ngay trong những năm 1954-1955 và không mất thêm một thời gian dài 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng đã có sự thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Diễn biến chung trên chiến trường là cách mạng Việt Nam và Đông Dương đang ở thế tiến công mạnh mẽ. Kế hoạch Nava đã thất bại. Lúc này, đã có hơn 70 % diện tích và hơn 50 % dân số Việt Nam được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của Pháp[1].
Nhưng mọi việc không đơn giản và dễ dàng như vậy.
Trên phương diện quốc tế, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và nhất là sau Chiến tranh Triều Tiên, thế giới đang bước vào xu thế hòa hoãn. Việc ký kết hiệp định ngừng chiến, hòa bình, chia đôi đất nước đã có tiền lệ là nước Đức năm 1945 và Triều Tiên năm 1953. Do đó, Hội nghị Geneva lúc đầu không chủ định bàn về vấn đề Đông Dương, nhưng sau đó, cùng với chiến thắng của ta trên chiến trường và dư luận tiến bộ trên thế giới đấu tranh, nhất là dư luận tiến bộ của Pháp rất mạnh mẽ, yêu cầu Chính phủ phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đề Đông Dương[2], Hội nghị chuyển sang bàn vấn đề Đông Dương và dần dần trở thành nội dung chính của Hội nghị.
Hai đồng minh quan trọng của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc của mỗi nước, đang theo đuổi xu thế hoà hoãn, muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương, không muốn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi cao hơn nữa. Trung Quốc “không thể viện trợ thêm cho Việt Minh được nữa”2 vì con đường phù hợp với lợi ích của Trung Quốc là cùng tồn tại hòa bình.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đưa đến Hội nghị Geneva về Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Ở Việt Nam và Đông Dương, trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954 và Điện Biên Phủ, lực lượng của địch trên chiến trường bị tiêu hao, tiêu diệt khá nhiều. Ngay trên chiến trường chính Bắc Bộ, địch đã phải rút bỏ nhiều vị trí quan trọng, co về thế phòng ngự, bảo toàn lực lượng. Tinh thần của binh lính địch, kể cả lính Lê dương, xuống rất thấp. Tuy nhiên, tương quan lực lượng lúc này không cho phép ta đẩy mạnh phản công. Lực lượng Pháp trên bán đảo Đông Dương và Việt Nam còn rất lớn.Trước trận Điện Biên Phủ, quân số chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ có 290.000, còn phía Pháp và Quân đội quóc gia Việt Nam có 444.900 quân, trong đó có 124.600 quân viễn chinh Pháp. Ta có 127 tiểu đoàn bộ binh, Pháp và quân ngụy có 267 tiểu đoàn. Quân số địch bị loại khỏi vòng chiến đấu tại Điện Biên Phủ là 16.200 tên, chỉ chiếm khoảng 4 % binh lực của địch trên toàn Đông Dương[3]. Trong khi đó, ta đã dốc gần như toàn lực cho trận đánh quyết định này với 5/6 đại đoàn chủ lực tham chiến, chiến đấu ác liệt trong một thời gian dài, tỷ lệ thương vong lớn, cần phải được củng cố. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về thiệt hại của ta ở Điện Biên Phủ, nhưng kiến thức về quân sự cho thấy, tỷ lệ thương vong của lực lượng tiến công thường cao gấp 3-4 lần tỷ lệ thương vong của lực lượng phòng ngự[4].
Căn cứ vào điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến của ta, cũng như so sánh lực lượng giữa ta và Pháp trong cuộc chiến tranh, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng; căn cứ vào thực trạng mối quan hệ giữa các nước lớn tham dự Hội nghị, nhất là giữa Trung Quốc, Liên Xô với Việt Nam lúc đó, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định.
Bộ Chính trị cho rằng, “Giải pháp Giơnevơ… ta phải chấp nhận vì không thể một mình kiên trì chiến tranh, nhất là phải trực tiếp đương đầu với Mỹ”[5]. “Ký Hiệp định Ginevơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó”[6].
Quân đội ta đã bị tiêu hao nhiều, sức chiến đấu giảm sút, khả năng đóng góp của nhân dân cũng đã cạn kiệt, việc đẩy mạnh phản công trên toàn quốc chắc chắn sẽ khó khăn, dù có giành thắng lợi trên chiến trường rừng núi nhưng việc tiến công vào đồng bằng và thành phố không hề đơn giản. Một minh chứng rõ ràng cho điều đó là năm 1968, khi quân và dân ta tiến hành tổng tiến công và nổi dậy tại các thành phố, thị xã, thị trấn của địch, trong khi Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn còn hơn 1 triệu quân và đã xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, việc giành thắng lợi theo khả năng cao nhất là không thể.
Hội nghị Geneva về Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Ở hậu phương, việc thực hiện triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất, với những hạn chế và sai lầm ngay từ đầu, đã bắt đầu tác động xấu đến khối đại đoàn kết ở nông thôn, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất. Ở vùng tự do như Thanh Hóa, việc huy động sức dân quá mức để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ đã khiến cho sức dân cạn kiệt, tình trạng thiếu đói trở nên trầm trọng, thậm chí một số nơi bắt đầu có người chết đói. Chính vì thế, ngay sau khi giải phóng miền Bắc, trong vụ mùa năm 1954, nhiệm vụ chống đói được đặt ra cấp bách đối với nhiều địa phương ở vùng tự do trước đây.
Hoa Kỳ đang can thiệp ngày càng sâu và lăm le thay chân Pháp ở Đông Dương. Nếu âm mưu, quyết tâm thay chân Pháp ở Đông Dương của Hoa Kỳ là hiện thực thì khi ta tổng tiến công ở đồng bằng nếu giành thắng lợi lớn, không loại trừ Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức đưa quân vào như đã từng nhảy vào cứu nguy cho chế độ chính trị ở Nam Triều Tiên, chặn đứng đà thắng lợi của quân tình nguyện Trung Quốc và lực lượng Bắc Triều Tiên, đẩy lực lượng Bắc Triều Tiên về vĩ tuyến 38.
Như đã phân tích, bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế lúc đó dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva là khó tránh khỏi. Mặc dù những nội dung cơ bản của Hiệp định không đạt được những yêu cầu chính trị do Chính phủ ta đặt ra và chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta[7], nhưng việc ký kết Hiệp định Geneva vào tháng 7/1954 vẫn là một thắng lợi to lớn chứ không phải là một bước lùi hay một thất bại như một số ý kiến trái chiều, thiếu căn cứ khoa học. Ta đã giải phóng được miền Bắc, đó là một thắng lợi rất lớn. Thiện chí hòa bình của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được dư luận quốc tế hoan nghênh. Sau 9 năm chiến đấu gian khổ, nhân dân ta có hòa bình. Hòa bình đã trở thành mong mỏi của nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn đã nói rằng, trong bối cảnh trong nước và quốc tế lúc đó, hòa bình là thứ được người dân Việt Nam và thế giới mong đợi, ai chủ trương chiến tranh, kẻ đó bị cô lập.
Báo cáo Chính trị tai Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960 nêu rõ: “Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam, và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước Việt Nam là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta… Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi đó không những tạo ra khả năng để thực hiện thực hiện hòa bình thống nhất nước ta trên cơ sở độc lập và dân chủ, mà còn tạo những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới”[8].
Bình Nguyễn
[1] Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư: Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, t. III, tr. 103.
[2] Chính phủ Pháp do Mendés France làm Thủ tướng (lên thay Chính phủ của Thủ tướng Laniel bị đổ sau khi Điện Biên Phủ thất thủ) cam kết với Quốc hội và nhân dân Pháp sẽ giải quyết nhanh vấn đề Đông Dương, lập lại hòa bình trong vòng 1 tháng, nên các văn bản Hiệp định đều được ghi vào ngày 20/7 mặc dù khi ký kết đã chuyển sang ngày 21/7/1954.
2 Phơrăngxoa Gioayô: Trung Quốc với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981, tr. 109.
[3] Nguyễn Mạnh Hà: Tương quan lực lượng giữa hai bên khi ký Hiệp định Giơnevơ (7/1954), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7/2008.
[4] Henri Navarre, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương từ đầu tháng 5/1953 cho tới đầu tháng 6/1954, bị triệu hồi về Pháp sau khi Điện Biên Phủ thất thủ 7/5/1954. Năm 1956, Navarre viết cuốn Agonie de l’Indochine (Đông Dương hấp hối), trong đó nêu: “Thiệt hại của chúng tôi lên tới khoảng 16,000 người, trong đó có 1,500 bị giết và 4,000 bị thương. Nó bao gồm 16 tiểu đoàn (trong đó có 7 tiểu đoàn nhẩy dù), 2 pháo đội 105 ly và một pháo đội 155 ly , một thiết đội và những đội thuộc những binh chủng và cơ sở khác. Tính theo tỷ lệ chủ lực quân toàn Đông Dương, tổn thất của chúng tôi dưới 5 phần 100. Tổn thất địch (tức Việt Minh) khó ước lượng chính xác. Một cuộc nghiên cứu chặt chẽ ngay sau trận đánh cho ta xác định tối thiểu 20,000 người bị loại khỏi vòng chiến, trong đó từ 10,000 cho tới 12,000 bị giết gần sự thật hơn”.
Theo Bernard B. Fall trong Hell in a Very Small Place, The Siege of Dien Bien Phu trang 448 nói Việt Minh có khoảng 8,000 chết, Pháp khoảng 2,000 người chết. Tính tới ngày 8 tháng 5, phía người Pháp có tổng cộng 2,242 người chết, 6,463 người bị thương 3,711 người mất tích, 6,500 người bị bắt làm tù binh vào ngày 7 và 8 tháng 5 (trang 484). Theo tác giả Cao Thế Dung trong cuốn Việt Nam 30 năm máu lửa, phần nói về trận Điện Biên Phủ cho biết phía Việt Minh có khó khăn về cứu thương y tế nên số tử vong rất cao, Trung Quốc chỉ viện trợ hai bác sĩ cho cả chiến trường
Theo yahoo.fr , La Bataille de Dien Bien Phu , phía người Pháp có 2,293 người chết, 5,195 bị thương, 11, 721 bị bắt làm tù binh, chỉ có 3,290 sống sót trở về Pháp. Phía Việt Minh chết trong khoảng 23,000 đến 25,000 người, khoảng 15,000 bị thương (theo ước lượng của Pháp). Xem thêm: Trọng Đạt: Trận Điện Biên Phủ, bài 2, trích dịch từ cuốn Đông Dương hấp hối của HăngriNava, http://www.quocgiahanhchanh.com/index.htm.
[5] Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp – Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tr. 216-217.
[6] Kết luận của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương năm 1988.
[7] Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng với so sánh lực lượng trên chiến trường thì ranh giới tạm thời ở vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được, ít nhất cũng phải là vĩ tuyến 16 như Đồng minh đã chọn khi phân chia khu vực giải giáp vũ khí phát xít Nhật ở Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ II. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị thời hạn tổng tuyển cử là 6 tháng. Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định sẽ cùng đoàn Liên Xô cố gắng thực hiện ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nếu việc đấu tranh xác định ranh giới có gặp khó khăn, đề nghị được linh hoạt về vĩ tuyến. Cuối cùng, vĩ tuyến 17 đã được chọn.
[8] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9/1960). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 21, tr. 502.