Ngày 21-7-1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết tại Geneva giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu và Thiếu tướng Henri Delteil, đại diện Quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của Quân đội Liên hiệp Pháp trên bán đảo Đông Dương.
Bối cảnh lịch sử
Sau một thời gian đối đầu căng thẳng với cuộc chiến tranh Triều Tiên, các cường quốc đại diện cho hai phe bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Xu hướng hòa hoãn dần trở thành xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế.
Ngày 25-1-1954, Hội nghị ngoại trưởng các nước Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Pháp họp tại Berlin. Ngày 18-2-1954, các bên thỏa thuận sẽ triệu tập hội nghị quốc tế ở Geneva để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thủ tướng Ấn Độ và Ngoại trưởng Indônesia tuyên bố ủng hộ giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Geneva khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên, trong lúc quân Pháp ở tập đoàn Điện Biên Phủ đang lâm vào tình hình nguy kịch. Tuy nhiên, cuộc chiến ở đây chưa tới hồi kết thúc, nên các nước phương Tây còn chưa chịu chấp nhận sự tham gia hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng ngày 1-5-1954, khi quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng vào Điện Biên Phủ, trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2-5-1954, Anh, Hoa Kỳ, Pháp vội vàng thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại hội nghị.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định đình chiến (Ảnh tư liệu)
Hội nghị bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương từ ngày 8-5-1954. Dự hội nghị có các đoàn đại biểu của 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Đại diện Pathét Lào và Khơme Itsarak đã có mặt ở Geneva nhưng không được các đoàn Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Trung Quốc chấp nhận tham dự hội nghị.
Ngày 8-5-1954, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào hội nghị với tư thế đại biểu một dân tộc vừa chiến thắng. Đoàn đại biểu Pháp do ngoại trưởng Bidault dẫn đầu, thông báo tin quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và đề nghị về nguyên tắc một cuộc ngừng bắn trên chiến trường Đông Dương.
Mục đích của các chính phủ Việt Nam, Pháp và các nước lớn có điều khác biệt, nhưng có điểm tương đồng là đến bàn đàm phán hoà bình.
Đối với nước Pháp, thất bại ở Điện Biên Phủ làm tan tành cố gắng lớn nhất của giới thực dân, làm cho họ không còn hy vọng giành thắng lợi bằng quân sự, phong trào phản chiến ở Pháp càng dâng cao. Laniel và Bidault phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh. Nội bộ giới cầm quyền Pháp càng thêm chia rẽ, lục đục, đấu tranh gay gắt với nhau. Mặc dù có sự cản trở của phái chủ chiến, nhưng ngày 10-3-1954, Quốc hội Pháp vẫn thông qua nghị quyết hoan nghênh Hội nghị Geneva để tìm giải pháp hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Sau khi Chính phủ Laniel sụp đổ, Chính phủ Mendès France lên thay (6-1954), chủ trương giải quyết cuộc chiến tranh bằng thương lượng, hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng. So với những năm đầu chiến tranh, ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã bị đánh bại, thái độ của giới cầm quyền Pháp buộc phải thay đổi. Họ cần đàm phán để kết thúc chiến tranh, tìm lối ra trong danh dự.
Hai đồng minh quan trọng của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc của mỗi nước, đang theo đuổi xu thế hoà hoãn, muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương, không muốn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi cao hơn nữa, nhất là Trung Quốc, nước giúp đỡ trực tiếp cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Ngày 24-8-1953, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố việc đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác. Hàm ý của Chu Ân Lai là nếu Hoa Kỳ, Pháp muốn tìm một giải pháp cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương thì giải pháp ngừng bắn, chia cắt đất nước Việt Nam theo hình mẫu Triều Tiên nên được xem xét. Trung Quốc “không thể viện trợ thêm cho Việt Minh được nữa” vì con đường phù hợp với lợi ích của Trung Quốc là cùng tồn tại hòa bình. Với một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, Trung Quốc muốn tạo ra một khu đệm ở Đông Nam Châu Á để bảo vệ sườn phía Nam của Trung Quốc, tránh cuộc đụng đầu trực tiếp với Hoa Kỳ ở Đông Dương.
Mặc dù thời điểm và kế hoạch họp bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ấn định trước và hoàn toàn độc lập với chiến sự đang diễn ra tại Đông Dương, nhưng trên chiến trường, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đang trên đà thắng lợi, nhất là thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang lại những điều kiện thuận lợi cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn hội nghị.
Tuy xu thế và triển vọng của chiến tranh có lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương, nhưng chưa phải là tuyệt đối. Sau thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam chưa thể giải phóng ngay đồng bằng Bắc Bộ. Kéo dài cuộc kháng chiến gian khổ, nhân dân ta phải đóng góp, hi sinh nhiều hơn, trong lúc Hoa Kỳ lợi dụng thất bại nặng nề của Pháp để can thiệp trắng trợn hơn vào Đông Dương, đối sánh lực lượng có khả năng thay đổi không có lợi cho cách mạng. Căn cứ điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến, cũng như so sánh lực lượng giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp trong cuộc chiến tranh, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng. căn cứ thực trạng mối quan hệ giữa các cường quốc tham dự Hội nghị, nhất là giữa Trung Quốc, Liên Xô với Việt Nam lúc đó, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định.
Ông Tạ Quang Bửu ký Hiệp điịnh đình chỉ chiến sự ở Việt Nam
(Ảnh tư liệu)
Nội dung chính của Hiệp định Giơnevơ
Trải qua 75 ngày, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 21-7-1954, các văn bản của Hội nghị Geneva 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết.
Khung pháp lý của Hiệp định gồm các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia; các phụ bản và bản đồ về khu vực tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự; Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendès France. Nội dung cơ bản của Hiệp định như sau:
- Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước đó.
- Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương.
- Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. ë Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Ở Lào, lực lượng kháng chiến tập kết ở hai tỉnh Hủa Phăn và Phôngxalì. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ. Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam chỉ là ranh giới quân sự tam thời, không phải là đường biên giới về chính trị, lãnh thổ. Sau 2 năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
- Cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia bất cứ khối liên minh quân sự nào và không để cho nước khác dùng lãnh thổ của mình vào việc gây chiến tranh hoặc phục vụ cho mục đích xâm lược.
- Không phân biệt đối xử, không trả thù những người đã cộng tác với bên này hoặc bên kia trong thời gian chiến tranh.
- Trách nhiệm thi hành Hiệp định Geneva thuộc về những người ký Hiệp định và những người kế nhiệm.
- Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồmẤn Độ, Ba Lan và Canada, do Ấn Độ làm Chủ tịch.
Những thắng lợi có ý nghĩa to lớn của Hiệp định Geneva
Ngày 22-7-1954, trong Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc cùng toàn thể quân đội và cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to... Chúng ta giành được thắng lợi to lớn”.
Ngày 25-7-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quốc, khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng. Đó là kết quả của chín năm kháng chiến của đồng bào toàn quốc từ Nam ra Bắc, ở vùng tự do cũng như vùng tạm bị chiếm, của toàn thể quân đội... nhân viên các ngành quân, dân, chính , Đảng... Thắng lợi của ta cũng chính là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược muốn nô dịch nhân dân Đông Dương; thất bại của đế quốc Mỹ đang âm mưu biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ chiến lược của Mỹ, thất bại của bon tay sai đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp, cam tâm bán nước cho kẻ định bên ngoài để kiếm miếng canh cặn cơm thừa”.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược; giải phóng miền Bắc, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc vững mạnh thành cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Nếu so sánh với Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do ở trong khối Liên hiệp Pháp, thì lần này, Pháp buộc phải công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó tạo cơ sở pháp lý để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất hoàn toàn. Năm 1973, một lần nữa, Hiệp định Paris tái khẳng định những quyền dân tộc cơ bản nêu trên.
Quân đội Pháp bị buộc phải rút khỏi Việt Nam là một thắng lợi to lớn. Việc quân đội nước ngoài rút khỏi Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Sau này, tại Hội nghị Paris, Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết đòi Hoa Kỳ rút quân và việc Hoa Kỳ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi quyết định cho nhân dân Việt Nam tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện đúng phương châm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9-1960) nhận định: “Việc lập lại hoà bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước ta là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời cũng là thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ. Thắng lợi to lớn đó không những tạo ra khả năng thực tế để thực hiện hòa bình thống nhất đất nước ta trên cơ sở độc lập và dân chủ, mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Bắc tiến lên một giai đoạn mới”.
Cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ cũng để lại nhiều bài học quý báu cho đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Paris để Hiệp định Paris thắng lợi trọn vẹn hơn. Đó là bài học về tinh thần độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao, đó là bài học về kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị- quân sự- ngoại giao, tận dụng tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn hội nghị, đó là bài học kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những đòi hỏi vô lý của đối phương... Trong quá trình đàm phán Paris, hầu hết những bài học nói trên đã được Đảng và Nhà nước ta giải quyết thành công.
Trần Thái Hòa