Hiệp định Paris năm 1973 là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao lâu dài, gian khổ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đó là thắng lợi của ý chí, khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ vừa giành được thắng lợi (1954), dân tộc ta lại phải đương đầu với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước và hành động xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ. Trong thời khắc cam go của lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đại diện cho ý chí và nguyện vọng thiết tha của toàn thể dân tộc, nhiều lần đề cập đến vấn đề độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xem đó là nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”[1].
Để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam; khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi; đồng thời chuẩn bị tư tưởng trước cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào một giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn, khó khăn hơn và có thể hy sinh nhiều hơn để giành lấy thắng lợi hoàn toàn, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước”.
Trong tác phẩm này, Người khẳng định chân lý nổi tiếng; có sức lan tỏa, tập hợp đoàn kết mạnh mẽ; đồng thời khẳng định niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là chân lý:“Không có gì quý hơn độc lập tự do”[2].
Đây không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam, sự thống nhất của Tổ quốc; đồng thời, là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Trước đó, trong “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát chân lý về quyền cơ bản của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[3]. Vì thế, các dân tộc thuộc địa muốn có quyền bình đẳng, theo Người, thực sự phải tự đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn cho dân tộc mình. Nền độc lập tự do hoàn toàn, thật sự ấy, là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô cùng quý giá và bất khả xâm phạm của dân tộc.
Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Mệnh đề Thống nhất - Độc lập - Tự do trở thành khát vọng cháy bỏng và tiếng gọi thiêng liêng của thời đại đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trước hết và trực tiếp là các dân tộc nô lệ, bị lệ thuộc. Đây không chỉ là nhu cầu của sự tồn tại dân tộc, nhu cầu tình cảm dân tộc mà còn trở thành động lực của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội. Thống nhất Tổ quốc tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc, đồng thời cũng bảo đảm cho công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì thế, “đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”. Khát vọng thống nhất, độc lập, tự do trở thành “mẫu số chung”, là nơi quy tụ sức mạnh dân tộc Việt Nam trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Với niềm tin chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Vì độc lập, vì tự do!” - chính bằng tinh thần, khát vọng, nghị lực này mà dân tộc Việt Nam đập tan âm mưu chia cắt đất nước của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, phá tan phòng tuyến McNamara của địch; thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Hoa Kỳ cuối năm 1972,… là những dấu son chói lọi.
Ngày 27/01/1973, trong Hiệp định Paris, Chính phủ Hoa Kỳ phải cam kết: “Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm 1954 đã công nhận”[4]. Hoa Kỳ cũng cam kết thực hiện ngừng bắn, chấm dứt mọi hành động quân sự chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháo dỡ mìn ở các cảng, sông ngòi trên miền Bắc. “Trong thời hạn 60 ngày, Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ rút toàn bộ quân đội, lực lượng bán quân sự và và cảnh sát ra khỏi miền Nam Việt Nam; hủy bọ mọi căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam”[5].
Với Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973, ta đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút”. Mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đánh đổ chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng.
Thắng lợi đó là sự tiếp nối khí phách giữ nước của ông cha ta, đó đồng thời là hiện thân và sự phát triển vẻ vang của khát vọng độc lập tự do, thống nhất quốc gia, danh dự của dân tộc Việt Nam. Và, đó đồng thời là sự phát triển tới đỉnh cao sức mạnh dân tộc Việt Nam trong dòng chảy sức mạnh thời đại ngày nay.
Như vậy, thắng lợi ngoại giao Hiệp định Paris năm 1973 là cơ sở để Việt Nam thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ, về mặt nhà nước, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mỗi bước đi, mỗi thành tựu trên con đường đổi mới của Việt Nam đều thấm đẫm mồ hôi, trí tuệ và cả những vấp váp, hy sinh, nhưng không bao giờ sai đường.
Phía trước chúng ta, rõ ràng có rất nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen cùng thử thách, khó khăn. Trong thời kỳ mới, Đảng tiếp tục thể hiện vai trò định hướng, dẫn dắt dân tộc Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đó là tầm nhìn và định hướng phát triển của dân tộc Việt Nam, hướng tới phồn vinh, hạnh phúc, phát triển toàn diện, bền vững.
Hồng Tâm
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.280.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.130.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
[4] Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 248.
[5] Vũ Dương Ninh: Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940-2010, Sđd, tr. 248.