Cách đây 50 năm, vào ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta
Ý nghĩa lịch sử
Hiệp định Paris buộc Hoa Kỳ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam; tạo tiền đề cho quân và dân hai miền Nam - Bắc tiến lên “đánh cho nguỵ nhào”, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris là kết tinh của sức mạnh và trí tuệ Việt Nam; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam; của bản lĩnh và trí tuệ nền ngoại giao cách mạng Việt Nam: luôn dựa vào chính nghĩa, luôn đứng về lẽ phải, công lý và chân lý của thời đại để đấu tranh vì một lẽ sinh tồn.
Ngược dòng lịch sử, chiêm nghiệm quá trình đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris mới thấy hết sự cam go, tính phức tạp, sự “đấu trí” của những “bộ óc kiệt xuất” giữa hai nền ngoại giao: Hoa Kỳ với những nhân vật ngoại giao lão luyện từ Jhonson, Rogers, Nixon, Wheeler… và nền ngoại giao Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét của các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Nguyễn Thị Bình…
Năm 1968 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với thắng lợi mang tính chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam đã buộc Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 13/5/1968), và sau đó với đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 25/1/1969), mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Từ phiên họp đầu tiên (ngày 13/5/1968) đến khi đạt được Hiệp định ký chính thức ngày 27/01/1973, Hội nghị Paris đã trải qua 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn trong suốt 4 năm 8 tháng 20 ngày. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh khỏi miền Nam và đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đã buộc Hoa Kỳ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris (Ảnh tư liệu)Để tạo bước chuyển trên bàn đàm phán, tháng 3/1972, Đảng ta chủ trương tạo tạo “cú đấm thép” trên mặt trận quân sự bằng cuộc tiến công Xuân hè năm 1972. Trên bàn đàm phán, tháng 10/1972, hai bên đưa ra những đề nghị có tính chất “ngả bài”. Cuộc đàm phán đã đi đến thoả thuận và định ngày ký kết.
Tuy nhiên, ngay sau khi Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, Hoa Kỳ lật lọng, đòi sửa 60 điểm trong văn bản đã thoả thuận ngày 20/10/1972. Những cuộc họp sau đó luôn bị trì hoãn, tạm ngừng.
Ngày 14/12/1972, Nixon phê duyệt Kế hoạch Linebaker II, sử dụng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng, dùng thế mạnh để ép ta nhân nhượng trên bàn hội nghị. Nhưng với chiến thắng vang dội “Điện Biên Phủ trên không”, “chúng ta đã đẩy lùi âm mưu của Mỹ đàm phán trên “thế mạnh” hòng xoá bỏ dự thảo Hiệp định 20-10”[1]
Ngày 8/1/1973, vòng đàm phán được nối lại. Đến ngày 23/01/1973, Lê Đức Thọ và Kissinger đã đặt bút ký tắt vào văn bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Ngày 27/01/1973, lễ ký chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber. Bà Nguyễn Thị Bình - đại diện đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và ông Nguyễn Duy Trinh - đại diện đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa; ông Williams Rogers - đại diện Hoa Kỳ và ông Trần Văn Lắm - đại diện chính quyền Việt Nam Cộng hòa cùng ngồi vào bàn đám phán cùng đặt bút ký. Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ 7 giờ sáng ngày 28/01/1973.
Có thể nói, Hiệp định Paris năm 1973 là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Cội nguồn thắng lợi tại Hội nghị Paris là tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí đấu tranh quật cường, bền bỉ, nhằm bảo vệ chân lý, chính nghĩa, lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất trong lịch sử ngoại giao của thế kỷ XX này càng làm sáng lên sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, trên cơ sở chính nghĩa, luôn đứng về lẽ phải và công lý của thời đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá. Đó còn là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội.
Nhân dân tiến bộ Pháp ủng hộ đàm phán hòa binh tại Paris, đòi Mỹ rút quân (Ảnh tư liệu)
Giá trị thực tiễn
50 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những giá trị của cuộc “Hoà đàm Paris” vẫn còn nguyên tính thời sự cho giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, trước những chuyển biến phức tạp, khó lường, khó đoán định của tình hình trong nước và thế giới, để “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[2] theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cần quán triệt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phải hoạch định và luôn kiên định đường lối đối ngoại đúng đắn, độc lập, tự chủ, sáng tạo. Linh hoạt xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong đấu tranh ngoại giao, “phải có bản lĩnh và biết khôn ngoan tìm ra giải pháp bảo đảm lợi ích dân tộc một cách tốt nhất”[3]. Nhấn mạnh điều này, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta đã xây dựng nên trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là trường phái riêng” - “ngoại giao cây tre”. Đó là sự mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Thứ hai, trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào cũng phải tranh thủ cho được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới. Đây được xem là nhân tố rất quan trọng góp phần làm nên thành công của Việt Nam tại Hội nghị Paris; để lại những kinh nghiệm quý giá đối với công tác đối ngoại Việt Nam trước tác động của xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Vậy nên, Văn kiện Đại hội XIII vừa qua đã rất nhấn mạnh đến vấn đề này: “Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng”. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực.
Thứ ba, tận dụng sức mạnh của công lý, của chính nghĩa để đấu tranh trên tinh thần “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp 1uốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, vì nền hoà bình, dân chủ, công bằng hiện nay đang diễn ra trên cơ sở của hàng loạt những định chế, định luật quốc tế được thiết lập ( Luật pháp quốc tế). Do đó, để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần nắm vững, khai thác và tận dụng một cách hiệu quả, sắc bén luật pháp quốc tế. Ví như: Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) hiện nay đã và đang là căn cứ quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tất nhiên, như Bác Hồ đã từng nhấn mạnh “thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng”. Chúng ta cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh cuả khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm hậu thuẫn vững chắc của pháp lý.
Thứ tư, hiện nay, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần tận dụng “sức mạnh mềm” của truyền thông, thông tin để đấu tranh dư luận. Thực tiễn rất nhiều bài học từ lịch sử đã cho thấy, chúng ta luôn có chính nghĩa, đấu tranh cho lẽ phải, nhưng không phải lúc nào cộng đồng quốc tế cũng hiểu được lập trường và hành động của chúng ta. Vì vậy, trong thời gian tới, cần chủ động thiết lập những trang, kênh thông tin chính thống, những “Trang tin cộng đồng”… trong các tổ chức, ban, nghành các cấp, từng bước đưa các công cụ này trở thành một “cánh tay nối dài” trong cung cấp thông tin chính thống và định hướng nhận thức kịp thời trong dư luận xã hội; đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các nền tảng xã hội hiện nay.
Cao Hiệu
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.34, tr.2.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.161-162.
[3] Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng với đất nước, Nxb. Chính trị quốc, Hà Nội, 2017, tr.258.