Hiệp định Paris không mang lại ngay lập tức hòa bình, thồng nhất, nhưng Hiệp định Paris với việc Hoa Kỳ phải rút toàn bộ đội quân xâm lược nhà nghề ra khỏi Việt Nam đã tạo điều kiện cho dân tộc ta tiến lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, tháng 12,1976 nêu rõ: “Không thể nào có thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt mười sáu năm qua, luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt từ năm 1965 [….], miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội”[1]. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng vấn đề liên quan trực tiếp đến thắng lợi của cuộc kháng chiến là Mỹ phải rút quân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã sớm xây dựng và khẳng định quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Nhiều chiến thắng đầu tiên tại Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bàu Bàng, Iadrăng…làm nức lòng nhân dân cả nước. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, việc tiêu diệt một đội quân nhà nghề, hiện đại trên nửa triệu quân Mỹ và đồng minh Mỹ, chưa kể quân đội Sài Gòn, là không thể. Do đó, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, qua hiện thực lịch sử, thể hiện rõ bản chất cốt lõi của nó là đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải rút quân viễn chinh khỏi miền Nam Việt Nam được xem là “chìa khóa” mở ra thắng lợi cuối cùng.
Thực tế lịch sử những năm 1965-1973 cho thấy: nếu quân đội Mỹ không rút khỏi miền Nam Việt Nam, ta khó có thể giành thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ là đế quốc đứng đầu thế giới tư bản, có tiềm lực kinh tế và quân mạnh mẽ. Có thể khẳng định, nếu quân đội Mỹ còn hiện diện ở miền Nam, nếu Mỹ còn tiếp tục can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc chiến tranh thì chắc chắn sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam của dân tộc ta còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là:
Cuối năm 1964 đầu năm 1965, sau khi giành thắng lợi trong chiến dịch Bình Giã, với việc đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ với hai con “át chủ bài”là quân đội Sài Gòn và quốc sách ấp chiến lược, Trung ương Đảng chủ trương tiến hành Kế hoạch X, giành thắng lợi quyết định, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong những tháng đầu năm 1965. Tuy nhiên, việc đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam để cứu nguy cho chế độ Việt Nam Cộng hòa đã làm cho Kế hoạch X không thực hiện được.
Lính Mỹ rút khỏi sân bay Đà Nẵng, ngày 29/3/1973 (Ảnh tư liệu)
Năm 1968, quân và dân miền Nam tiến hành tổng tiến công và nổi dậy, nhằm giành thắng lợi quyết định, trong đó có phương án cao nhất là giành thắng lợi tại địa bàn chiến lược đô thị, buộc Mỹ rút quân, chính quyền miền Nam phải đàm phán để thành lập chính phủ liên hiệp. Tuy nhiên, hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh Mỹ đang hiện diện tại miền Nam cũng làm cho mục tiêu cao nhất của cách mạng miền Nam không thực hiện được. Trái lại, lực lượng cách mạng miền Nam bị thiệt hại to lớn, chỉ trong năm 1968 ta thiệt hại trên 113.000 bộ đội, mất đất, mất dân, vùng giải phóng thu hẹp, các lực lượng vũ trang, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo phải chuyển sang nước bạn, hoặc ra miền Bắc để củng cố.
Năm 1972, sau khi quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam về cơ bản, chỉ còn 24.000 quân chiến đấu Mỹ tại miền Nam, ta thực hiện tiến công chiến lược, một lần nữa đặt mục tiêu giành thắng lợi cao nhất. Nhưng sự tham chiến trực tiếp của một lực lượng quân Mỹ và đặc biệt là sự hỗ trợ về hỏa lực đã làm cho cuộc tiến công chiến lược của ta gặp nhiều khó khăn. Lúc này, tuy chỉ còn khoảng vài chục nghìn quân Mỹ tại miền Nam, nhưng hệ thống vũ khí hỏa lực từ các hạm đội và căn cứ quân sự tại Thailand, Philippinnes… đã trực tiếp tham chiến, đưa đến cho đối phương một ưu thế vượt trội về hỏa lực. Chỉ riêng tại khu vực thị xã Quảng Trị, trong 81 ngày đêm Mỹ đã sử dụng một khối lượng bom, pháo khổng lồ, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử từng ném xuống Nhật Bản năm 1945. Và tất nhiên, sự hy sinh của lực lượng vũ trang cách mạng cũng vô cùng to lớn. Ước tính trên 80 % thương vong của bộ đội tại Mặt trận Quảng trị là do bom, pháo. Cuối cùng, bộ đội ta buộc phải rút khỏi thành cổ và thị xã Quảng Trị. Mũi tiến công tại miền Đông Nam Bộ, tiêu biểu là tại An Lộc, quân giải phóng cũng phải chịu những thiệt hại to lớn
Từ thực tế trên, Đảng ta thấy rằng, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, chỉ có “đánh cho Mỹ cút”, mới có thể “đánh cho ngụy nhào”. Mỹ phải rút toàn bộ quân chiến đấu khỏi miền Nam Việt Nam và chấm dứt mọi dính líu về quân sự, không can thiệp trở lại, đó sẽ là điều kiện cơ bản và tiên quyết cho việc giải phóng miền Nam.
Về kinh tế nói chung, Mỹ là hậu thuẫn, bệ đỡ của chính quyền miền Nam. Sự phát triển, phồn vinh của nền kinh tế miền Nam và sức mạnh của quân đội Việt Nam Cộng hòa là giả tạo, dựa gần như hoàn toàn vào viện trợ Mỹ.
Khi quân đội Mỹ rút đi, so sánh lực lượng phía đối phương không đơn thuần giảm về quân số, mà về cả vũ khí, phương tiện kỹ thuật và sự yểm trợ bằng phi pháo. Chưa có số liệu chính thức về thương vong do phi pháo của địch, nhưng chắc chắn hỏa lực vượt trội của Mỹ đã đã đẩy lùi nhiều cuộc tiến công của ta trong những trận chiến đấu ác liệt
Khi quân Mỹ đã rút, Quốc hội và Chính phủ Mỹ không còn cơ sở để đổ vào miền Nam những khoản tiền khổng lồ, những khoản vũ khí khổng lồ nữa. Bằng chứng là Quốc hội Mỹ cắt giảm dần dần viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, quân đội Việt Nam Cộng hòa, tuy lúc đó vẫn là quân đội thuộc hàng mạnh nhất trên thế giới và trong khu vực, nhưng khi Mỹ rút đi, như “rắn mất đầu”, nhanh chóng suy sụp. Sau này, ngày 21/4/1975, trong diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đổ hết tội lỗi cho Mỹ là là “vô nhân đạo”, “bỏ rơi, bán rẻ đồng minh”, đồng thời công khai thừa nhận quân đội Việt Nam Cộng hòa không thể chiến đấu nếu không có viện trợ Mỹ và sự hỗ rợ của quân đội Mỹ.
Hiệp định Paris mở đường tới chiến thắng 30/4/1975 lịch sử (Ảnh tư liệu)
Thực tế lịch sử cho thấy việc Mỹ rút quân tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho ta. Không phải quân Mỹ rút đi là ta nghiễm nhiên mạnh lên, nhưng việc quân Mỹ rút đi tạo ra những lỗ hổng to lớn, tạo ra những điều kiện thuận lợi để cách mạng miền Nam khôi phục thế và lực đã mất sau các đợt tiến công năm 1968. Từ chỗ tuyên bố kiểm soát 97 % lãnh thổ Nam Việt Nam, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải đối mặt với những khó khăn mà một chính quyền sống dựa hoàn toàn vào viện trợ Mỹ không thể khắc phục được. Còn cách mạng miền Nam với những cố gắng cao độ của quân và dân ta đã dần khôi phục lực lượng, giành lại thế tiến công để rồi chỉ sau hơn 3 năm, kể từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, ta có thể mở cuộc tiến công chiến lược Xuân- Hè 1972 hết sức mạnh mẽ.
Hoa Kỳ cũng luôn ý thức được hậu quả việc ký kết Hiệp định Paris mà không để lại một lực lượng Mỹ nào tại Nam Việt Nam. Năm 1994, Chính Henrry Kissinger thừa nhận: “Hòa bình lập lại ở châu Âu từ lâu, nhưng hai thế hệ quân nhân Mỹ còn đóng lại đó. Còn để bảo đảm cho các điều khoản của Hiệp định đình chiến Triều Tiên, hàng trăm nghìn quân Mỹ còn đồn trú tại đó trong hơn 40 năm qua. Chỉ riêng ở Việt Nam, Mỹ đã ký một hiệp định mà không để lại một lực lượng bảo đảm thi hành Hiệp định. Do đó, cuộc tháo chạy tháng 4/1975 là không thể tránh khỏi”[2]. Nhưng quan điểm “trước sau như một” của Đảng ta, dân tộc ta, và do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh, do bị cô lập cao độ trên trường quốc tế và ngay chính tại nước Mỹ, buộc Mỹ không còn lựa chọn nào khác là ký Hiệp định Paris mà không để lại lực lượng quân sự nào ở miền Nam, trong khi lực lượng chủ lực ta vẫn ở nguyên tại chỗ. Lần đầu tiên sau 18 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, so sánh lực lượng đã có thay đổi một cách cơ bản theo chiều hướng có lợi và ngảy càng có lợi cho ta.
Với Hiệp định, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, chấm dứt dính líu quân sự ở miền Nam Việt Nam. Ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu “đánh cho Mỹ cút’. Hiệp định Paris còn là cơ sở pháp lý không cho Mỹ tiếp tục dính líu hoặc can thiệp trở lại.
Với Hiệp định Paris, Mỹ rút hết, chính quyền và quân đội Sài Gòn mất chỗ dựa, nhanh chóng suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng. Mỹ rút nhưng cách mạng Việt Nam giữ nguyên lực lượng chính trị và quân sự ở miền Nam Việt Nam. Như vậy, Hiệp định Paris mở ra một giai đoạn mới, một thế trận mới, trong đó so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho việc thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong quá trình đàm phán Paris, nhất quán quan điểm buộc Mỹ phải rút quân vô điều kiện, trong khi lực lượng vũ trang miền Bắc vẫn duy trì tại miền Nam Việt Nam, thể hiện sự trưởng thành về trí tuệ của Đảng trong đấu tranh ngoại giao. Hiệp định Paris đã trực tiếp mở đường cho dân tộc ta đi tới thắng lợi cuối cùng ngày 30/4/1975 lịch sử.
Lê Minh