Ngoài việc trực tiếp đưa quân chiến đấu vào miền Nam, Hoa Kỳ từng tiến hành 2 cuộc chiến tranh chống phá miền Bắc vào những năm 1964-1968 và 1972. Hầu hết các loại máy bay có trong biên chế của không quân và hải quân Hoa Kỳ đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam
Ký hiệu
Máy bay Mỹ có nhiều loại, mỗi loại được ghi bằng một hoặc hai chữ tắt ở đầu ký hiệu máy bay. Dưới đây là một số loại máy bay và ký hiệu của chúng.
A: Attack, máy bay công kích (cường kích). Phổ biến là A.3, A.4, A.6, A.7…. và loại máy bay A.37 được nhiều người biết đến là loại máy bay phi công Nguyễn Thành Trung cùng các phi công miền Bắc sử dụng để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28/4/1975, đẩy chế độ Sài Gòn nhanh đến ngày tàn của nó.
B: Bomber, máy bay ném bom. Nổi tiếng nhất là máy bay B.52 được sử dụng trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972 và Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc.
C: Cargo, máy bay vận tải. Sử dụng phổ biến nhất là loại lên thẳng CH.47 và CH.53 để vận chuyển quân lính cho các cuộc hành quân. Ngoài ra phải kể đến máy bay C.130 với khả năng chuyên chở rất lớn binh sĩ và phương tiện chiến tranh. Loại này được cải tiến thành máy bay chiến đấu với những thiết bị và vũ khí hiện đại, sử dụng để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam trên tuyến đường Trường Sơn. Loại C.123 thường được dùng để rải chất độc hóa học.
F: Fighter, máy bay chiến đấu, nhiều loại như F 3. F.4, F.5, F. 8, F.102, F.103, F.105…Ngày 8/4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung, chiến sĩ tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc lực lượng Không quân Việt Nam Cộng hòa đã lái máy bay F.5 E ném bom Dinh Độc Lập rồi bay về vùng giải phóng.
H: Helicopter, máy bay lên thẳng. Được sử dụng nhiều trên chiến trường miền Nam với nhiều loại, có loại được cải tiến thành nhiều phiên bản. Máy bay lên thẳng được sử dụng tại miền Nam nhiều đến nỗi có nhà báo quốc tế gọi cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam là “Cuộc chiến tranh bằng máy bay lên thẳng”. Tổng cộng đã có trên dưới 10.000 máy bay lên thẳng được sử dụng.
Máy bay lên thẳng trong chiến tranh Việt Nam (Ảnh tư liệu)
L: Liaison, máy bay liên lạc. Thường được nhắc đến là loại L.19, được sử dụng bảo đảm liên lạc cho các cuộc hành quân phối hợp giữa lực lượng Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa trong các chiến dịch càn quét.
O : Observer , máy bay trinh sát. Phổ biến nhất là loại OV.10, chuyên quan sát và ném bom khói chỉ điểm cho máy bay ném bom, bắn phá vào mục tiêu.
P: Patrol, máy bay tuần tiễu, được sử dụng để tuần tiễu, quan sát, phát hiện các mục tiêu của đối phương.
Q: Quiet máy bay không người lái. Được sử dụng để trinh sát, chụp không ảnh, phục vụ việc phân tích, đánh giá mục tiêu. Thường thì máy bay không người lái xuất hiện và chụp ảnh tại khu vực nào thì một thời gian sau, khu vực đó sẽ bị ném bom.
R: Reconnaissance Máy bay do thám. Một phiên bản nổi tiếng nhất là loại SR-71, là loại máy bay do thám có người lái nhanh tốc độ nhanh nhất thế giới, bay cao tới 21.000 m, được chế tạo cho mục đích vào sâu trong lãnh thổ đối phương để do thám mà không thể bị bắn hạ. Hoa Kỳ đã nhiều lần sử dụng loại máy bay này để do thám những mục tiêu tại miền Bắc.
S: Search, máy bay tìm kiếm, cứu nạn. Có một số lượng rất lớn máy bay Mỹ bị bắn cháy, bắn hỏng, nhưng không rơi tại chỗ, mà cố gắng bay ra biển, hay lên vùng rừng núi xa xôi, phi công mới nhảy dù và gọi cứu hộ. Các máy bay loại S này sẽ đảm nhiệm công việc tìm kiếm cứu nạn. Một số phi công Mỹ mặc dù rơi sâu vào vùng rừng núi hậu phương miền Bắc nhưng cuối cùng đã được cứu thoát, do địa hình hiểm trở, bộ đội và dân quân địa phương không kịp tiếp cận địa điểm máy bay rơi để bắt phi công.
T: Training, máy bay diễn tập. Dùng để diễn tập cho lực lượng không quân.
EB: Electronic-Bomber: Máy bay do thám trang bị điện tử, trên cơ sở máy bay ném bom hoán cải. Thường nói đến là máy bay EB.66 được trang bị khả năng gây nhiễu điện tử làm “mù” radar của đối phương, thường được dùng bảo vệ pháo đài bay B.52.
RF: Reconnaissance-Fighter: Máy bay do thám trên cơ sở máy bay tiêm kích hoán cải
QH: Quiet Helicopter: Máy bay lên thẳng không người lái.
Trên thực tế, tính năng của máy bay sử dụng trong chiến tranh Việt Nam không hoàn toàn dập khuôn theo phân loại nói trên. Nhiều loại được cải tiến để thực nhiệm vụ khác.
Loại F, trong Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ bao gồm những loại máy bay tiêm kích đánh chặn máy bay đối phương, nhưng trong chiến tranh Việt Nam đã được cải tiến để có thể ném bom, như loại F.105 D.
Máy bay F 105 (trên-một người lái) dùng cho ném bom và máy bay F.105 G (dưới-được hoán cải cho hai người lái) sử dụng để chống MiG và các trận địa tên lửa SAM 2 (Ảnh :Theo dòng sử việt)Loại T, không chỉ dùng để huấn luyện mà cũng được cải tiến để có thể ném bom như T.28.
Loại C, không chỉ dùng để vận tải mà còn được cải tiến thành loại máy bay chiến đấu như AC.47, AC.119. Đáng kể nhất là loại máy bay C.130 được cải tiến thành AC. 130 với máy quan sát hồng ngoại và súng đại bác liên thanh để sử dụng bay đêm, đánh phá xe chở hàng trên tuyến đường mòn Trường Sơn, đã gây khá nhiều thiệt hại cho bộ đội ta trong những năm 1970-1971, được mệnh danh là “Sát thủ xe vận tải”.
Loại SH đáng lẽ chuyên trách dùng phát hiện tàu ngầm đối phương thì được sử dụng để tìm phi công bị bắn rơi trên biển để cứu hộ.
Cải tiến
Hầu hết các loại máy bay Mỹ, sau khi đưa vào sử dụng, liên tục được cải tiến để thêm các tính năng mới hiện đại hơn, uy lực hơn, phù hợp hơn với thực tế.
Các loại máy bay sau khi cải tiến đều ghi thêm một chữ cái ở đuôi ký hiệu, để phân loại từng kiểu máy bay.
AD.4, AD.5, AD.6 là máy bay cường kích cánh quạt có 1 người lái.
A.1 E cùng loại với AD 5 nhưng có 2 người lái.
F.105 D Cường kích phản lực có 1 người lái.
RF.105 F cùng loại với F.105 nhưng hoán cải thành loại trinh sát, có 2 người lái.
F.4B máy bay tiêm kích phản lực của hải quân.
F.4C máy bay tiêm kích phản lực của không quân
F.111 A máy bay tiêm kích, cường kích phản lực của không quân
F.111 B máy bay tiêm kích, cường kích phản lực của hải quân
F.111 C: máy bay tiêm kích, cường kích phản lực để xuất khẩu
Trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, nhiều máy bay B52 bị bắn rới là loại đã được cải tiến nhiều lần như B.52 G, B.52H….
Máy bay trực thăng HU-1A, sau đổi tên là UH -1A, được cải tiến đến hơn 10 phiên bản như UH-1B, UH-1C, UH-1E….
Tên gọi
Hầu hết các loại máy bay của không lực Hoa Kỳ đều kèm theo tên gọi để phô trương sức mạnh, “dọa nạt” đối phương.
Máy bay F.4 (Con ma) với số vũ khí gần 9 tấn mà nó có thể mang theo (Ảnh tư liệu)
Chắc hẳn chúng ta từng đọc các bài viết nói về các loại máy bay “Thần sấm”, “Con ma”, “Giặc nhà trời”, “Pháo đài bay”, “Kẻ đột nhập”, “Cần cẩu bay”, “Hắc điểu”… và không hiểu đó là loại máy bay gì. Dưới đây là một số loại máy bay và tên gọi của chúng:
A.1, A.5, AD.6 Skyraider Giặc nhà trời
A.3 Skywarrior Chiến binh nhà trời
A.4 Skyhawk Chim ó nhà trời
RA.5 Vigilante Lính tuần tra
A.6 Intruder Kẻ đột nhập
A.7 Corsair Cướp biển
B.52 Stratofortress Pháo đài bay
B.66 Destroyer Kẻ hủy diệt
C.47 Skytrain Xe lửa trên trời
C.121 Constellation Chòm sao
EC.121 Warningstar Ngôi sao cảnh báo
C.130 Hercules Thần lực sĩ
F.3 Demon Con quỷ
F.4 Phantom Con ma
F.5 Freedomfighter Chiến binh tự do
F.8 Crusader Thập tự quân
F.100 Supersabre Gươm báu
RF.101 Woodoo Thầy phù thủy
F.102 Deltadagger Dao găm nhọn
F.104. Starfighter Ngôi sao chiến
F.105 Thunderchief Thần sấm
H.21 Skyhorse Ngựa trời
H.47 Chinook Cần cẩu bay
H.U1 Huey Cảnh sát
L.19 Mosquito Con muỗi
P.2V Neptune Vua thủy tề
SA.16 Albattross Chim hải âu
SR-71 : Blackbird Hắc điểu, Quạ đen
T.28 Nomad Dân du mục
Ngoài ra, không lực Hoa Kỳ biên chế trong lực lượng không quân và hải quân riêng. Các máy bay của hải quân Hoa Kỳ thường có chữ Navy, còn các máy bay của lực lượng không quân thường có chữ US Air Force. Sự phân biệt này là khá rõ ràng. John Mc Cain, phi công từng bị bắn rơi tại Hà Nội, sau này trở thành Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, là Thiếu tá hải quân chứ không phải Thiếu tá không quân.
Sử dụng không lực Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được giáo sư William Haseltine thuộc Trường Đại học Harvard mô tả đầy hình ảnh trong bài báo Cuộc chiến tranh tự động hóa bằng không quân như sau: “…Ở độ cao 600 mét thì có các máy bay chỉ điểm O.1E, O.2 và OV.10; ở độ cao 1.500 mét thì có các máy bay cánh quạt A.1E, A.26. T.28. các máy bay thả pháo sáng, các trực thăng cấp cứu, và trực thăng vũ trang; ở độ cao 3.000 mét thì có các máy bay phản lực F.4, F.100, F.105, A.7, A.54, các máy bay trinh sát phản lực, các máy bay mang khí tài điện tử EC.47 và EC. 119; ở độ cao 6.000 mét có loại máy bay chở nhiên liệu cỡ lớn KC.135; ở độ cao 10.000 mét có các máy bay B.52; ở độ cao 11.500 mét có các máy bay chỉ huy và kiểm soát EC. 130 và ở độ cao 21.000 mét có máy bay trinh sát SR.71…”[1]
Mặc dù chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân nhưng cuối cùng Hoa Kỳ đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Bình Nguyễn
[1] . Cục Chính trị - Tổng cục xây dựng kinh tế: Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm, tài liệu nghiên cứu nội bộ, 1979, trang 418.