60 năm đã qua kể từ cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam (01/11/1963), đã có hàng trăm cuốn sách, bài báo viết về sự kiện này. Cuốn sách Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm - Mỹ và số phận Nam Việt Nam của tác giả Edward Miller cho biết thêm những góc cạnh của sự kiện này
Sáng ngày 01/11/1963, phe đảo chính triệu tập một cuộc họp với tất cả các sĩ quan quân đội cao cấp ở Sài Gòn do tướng Đôn chủ trì, diễn ra tại Tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thiếu tướng Văn Thành Cao cũng được triệu tập, ông đã gọi điện thoại cho Ngô Đình Nhu để cảnh báo về một cuộc đảo chính. Tuy nhiên do quá tin tưởng vào kế hoạch phản đảo chính đã xây dựng, Ngô Đình Nhu khuyên Văn Thành Cao yên tâm.
Chỉ chưa đầy một tiếng sau cuộc điện thoại của Tướng Cao, Phủ Tổng thống được xác nhận rằng một cuộc đảo chính đang diễn ra. Gần 1:00 chiều, Phó Thị trưởng Sài Gòn Nguyễn Hữu Phước nhận được cuộc điện thoại của một đồng nghiệp làm việc tại Nha Cảnh sát quốc gia cho biết trụ sở chính của cảnh sát bị quân lính bao vây. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc bạo động đã bắt đầu. Phước, một sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa người đã tận tâm, tận lực với gia đình học Ngô kể từ năm 1954 đã chạy vào văn phòng của mình ở Tòa thị chính Sài Gòn, chỉ cách Dinh Gia Long có 2 tòa nhà.
Trong vài tiếng tiếp theo, Phước gọi cho các đầu mối liên lạc của ông ở khắp thành phố thu thập thông tin về cuộc đảo chính, những tin tức mà sau đó được ông chuyển cho Phù Tổng thống. Mọi việc nhanh chóng sáng tỏ rằng, tình hình diễn ra không như mong đợi của anh em họ Ngô. Khoảng 2 giờ chiều, Phước nhận được điện thoại của Nhu, “Đính đã phản chúng ta rồi !”. Nhu la lên giọng đầy giận dữ và khinh miệt[1].
Cuộc đảo chính của các tướng lĩnh vào ngày 01 và 02/11/1963 cũng giống như nỗ lực đảo chính của lính dù trước đó gần 3 năm, hoàn toàn có thể bị ngăn chặn. Tới tận sáng ngày 01/11/1963, anh em họ Ngô vẫn có thể ngăn chặn cuộc nổi loạn diễn ra chỉ vài giờ. Trước khi cuộc đảo chính bắt đầu, Diệm đã ra lệnh cho một tiểu đoàn quân cơ động tiến vào Sài Gòn và chiếm đóng các vị trí phòng thủ xung quanh Dinh Tổng thống và bưu điện gần đấy. Các chỉ huy cuộc đảo chính, vốn không tính đến động thái này, đã buộc phải thương lượng với viên chỉ huy tiểu đoàn và thuyết phục ông rút quân. Nếu anh em họ Ngô điều động lực lượng trung thành lớn hơn từ đồng bằng sông Cửu Long hoặc các nơi khác trước khi cuộc đảo chính bắt đầu, thì các tướng lĩnh hầu như chắc chắn buộc phải ngừng kế hoạch. Nhưng điều tai hại là Diệm và Nhu đã lựa chọn để cho cuộc đảo chính diễn ra, tin tưởng rằng Tôn Thất Đính, với kế hoạch phản đảo chính, sẽ đè bẹp cuộc nổi loạn nhanh chóng.
Nhóm tướng lĩnh đứng đầu phe đảo chính (Ảnh tư liệu)
Không may cho anh em Diệm- Nhu, các tướng lĩnh đã rút kinh nghiệm từ vụ đảo chính năm 1960 tốt hơn so với những người anh em của họ. Cuộc nổi loạn của lính dù năm 1960 xét cho cùng chỉ là một cuộc binh biến. Ngược lại, cuộc đảo chính năm 1963 nhanh chóng giành được sự ủng hộ rộng rãi của chỉ huy các quân đoàn quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ngoài sự hợp tác đã có, những tướng lĩnh chủ mưu còn có được cam kết ủng hộ vào phút cuối của Tướng Đỗ Cao Trí và Tướng Nguyễn Khánh, các Tư lệnh Quân đoàn I và Quân đoàn II. Điều đó có nghĩa là Tướng Huỳnh Văn Cao của Quân đoàn IV là Tư lệnh quân đoàn duy nhất vẫn trung thành với Diệm khi vụ bạo loạn bắt đầu. Những nỗ lực của Cao nhằm tiến hành một sứ mệnh giải cứu bị cản trở bởi một trong các cấp phó của Đính, người đã sử dụng các mệnh lệnh giả để nắm quyền chỉ huy đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa kiểm soát bến phà chiến lược vượt sông Mê Kông tại Mỹ Tho. Không thể đưa quân đội của mình qua sông, Cao cuối cùng đã đầu hàng.
Ở Sài Gòn, Phủ Tổng thống trông chờ sự hỗ trợ của Đại tá Lê Quang Tung, người ủng hộ trung thành của gia đình họ Ngô và là chỉ huy lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, Tướng Đính đã thuyết phục Diệm cử một vài tiểu đoàn của Tung ra ngoại thành trước cuộc đảo chính, do vậy, quân nổi dậy nhanh chóng tràn vào tổng hành dinh của Tung và bắt giữ ông trong vài tiếng đầu tiên của cuộc nổi dậy[2]. Lê Quang Tung vốn bị các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa ghét cay ghét đắng vì sự trung thành tận tụy với Nhu, đã được đưa đến sở chỉ huy của các tướng lĩnh đảo chính tại doanh trại Bộ Tổng tham mưu tối hôm đó ông đã bị cận vệ của tướng Minh giết chết và xác ông được chôn dưới nền doanh trại[3].
Hàng rào phòng vệ cuối cùng của Diệm và Nhu là lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống nhất mực trung thành, một đơn vị gồm vài trăm quân đóng xung quanh Dinh Gia Long và trại lính Cộng hòa. Người ta nhanh chóng nhận thấy lực lượng phòng vệ bị áp đảo bởi quân lính đông hơn và xe tăng mà các tướng lĩnh đã đưa vào thành phố từ các tỉnh lân cận. Trong số các lực lượng đang đổ về thành phố, có một vài đơn vị và chỉ huy đã từng giúp giải cứu Diệm trong cuộc đảo chính năm 1960, nhưng bây giờ cũng đã tham gia nỗ lực lật đổ ông.
Khi cuộc đảo chính bắt đầu, Diệm và Nhu rút xuống boong ke mới được xây dựng bên dưới sân Dinh Gia Long. Hệ thống liên lạc an toàn mà Diệm cho lắp đặt đã hoạt động theo đúng kế hoạch, ngoại trừ việc không ai đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của Phủ Tổng thống. Sĩ quan tùy viên của Diệm một đại uỷ quân đội Việt Nam Cộng hòa tên là Đỗ Thọ sau này kể lại rằng, Diệm vẫn bình tĩnh hút thuốc lá và uống trà, như thể sự kiện đảo chính chưa hề diễn ra. Ngược lại, Ngô Đình Nhu có vẻ ngày càng bồn chồn.
Khoảng 4 giờ, Diệm nói chuyện với Tướng Đôn qua điện thoại, tuyên bố sẵn sàng thương lượng và mời các chỉ huy cuộc đảo chính tới Phủ Tổng thống để nói chuyện. Nhận ra đây là một nỗ lực nhằm tái diễn những chiến thuật trì hoãn mà Diệm đã sử dụng năm 1960, Tướng Đôn nói với Diệm rằng, ông phải đầu hàng và từ chức ngay, nếu không Dinh Tổng thống sẽ bị tiến công. Khoảng 45 phút sau, Đôn vào một số tướng lĩnh khác gọi lại để cảnh cáo anh em họ Ngô rằng họ sẽ cho ném bom Dinh Gia Long nếu hai người không đầu hàng ngay lập tức. Khi Minh gọi lại lần nữa để nhắc lại lời cảnh báo, Diệm đã ngắt máy khiến Minh điên tiết và ra lệnh tiến hành không kích Dinh Tổng thống. Tuy nhiên, không may cho các tướng lĩnh, lực lượng giao tranh với các đơn vị Phòng vệ Phủ Tổng thống tại trại lính Cộng hòa đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn họ tưởng. Cuộc tấn công vào Dinh Tổng thống đã phải hoãn lại cho tới tận khi trại lính Cộng hòa thất thủ.
Xe tăng của quân đảo chính bên ngoài Dinh Gia Long, ngày 03/11/1963 (Ảnh tư liệu)
Xen giữa những cuộc trao đổi với các tướng lĩnh, Ngô Đình Diệm đã gọi cho Cabot Lodge tại Đại sứ quán Mỹ. Khi Logde nghe điện thoại, Diệm ngay lập tức yêu cầu cho biết về thái độ của Mỹ đối với cuộc đảo chính. Viên đại sứ, với thái độ né tránh đặc trưng, tuyên bố “không hề biết gì về các sự kiện”. Ông cũng cho biết một cách ngập ngừng “Chính phủ Mỹ có lẽ không thể đưa ra quan điểm” vì hiện mới là 4:30 sáng tại Washington. Có lẽ cảm nhận Lodge đang nói dối, Diệm đã nài nỉ:
“Ngài phải có một vài ý kiến chung chứ. Xét cho cùng, tôi là người đứng đầu chính quyền, tôi đã cố gắng thực thi bổn phận của mình, hiện giờ, tôi muốn làm những gì mà bổn phận và lương tri đòi hỏi, tôi tin tưởng vào bổn phận trên hết”.
Logde trả lời: “Ngài chắc chắn đã thực thi bổn phận của mình, như tôi đã nói với ngài, chỉ vừa sáng nay, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và những đóng góp to lớn của ngài đối với quốc gia mình. Không ai có thể chối bỏ những gì mà ngài đã làm được, nhưng giờ đây, tôi lo lắng cho an nguy của ngài. Tôi được báo cáo rằng, những người chịu trách nhiệm cho hoạt động hiện thời đề nghị bảo đảm an toàn cho ngài và em trai rời khỏi đất nước, nếu ngài từ chức, ngài có nghe về điều đó chưa ?”.
Diệm trả lời: “Chưa, ngài có số điện thoại của tôi rồi đấy”.
Đại sứ Cabot Logde: “Vâng, nếu tôi có thể làm được bất cứ điều gì cho sự an toàn của ngài, xin hãy gọi cho tôi !”.
Diệm: “Tôi đang cố gắng lập lại trật tự !”.
Mặc dù không ghi chép về những gì Diệm nói với Nhu hoặc những người khác sau cuộc trò chuyện này, phong cách lựa chọn từ ngữ của ông trong cuộc trao đổi với Logde vẫn nói lên khá nhiều điều. Trong cuộc gặp với Logde sáng ngày hôm đó, Diệm vẫn tin vào khả năng bắt đầu lại mối quan hệ Mỹ - Việt Nam cộng hòa, ngay cả khi ông từ chối nhượng bộ những yêu cầu của Washington. Giờ đây, với chính quyền sắp đi tới hồi kết, Ngô Đình Diệm đã nhận ra rằng Logde và hàm ý cả chính quyền Kennedy đã bác bỏ những lời kêu gọi hòa giải của ông. Thực tế, Logde đang thúc giục Diệm từ bỏ quyền lực và rời bỏ đất nước. Đối mặt với thực tế không dễ chịu này, câu trả lời của Diệm vừa súc tích, vừa cho thấy nhiều điều “Tôi đang cố gắng lập lại trật tự”. Đối với Ngô Đình Diệm, việc lập lại trật tự vẫn luôn như trước đây là nguyên tắc đầu tiên của quản lý nhà nước và một điều kiện thiết yếu cho việc thực thi những sứ mệnh quốc gia và nhiệm vụ cá nhân. Ông chưa bao giờ do dự về điểm này trước đây và hiện không thấy có lý do gì để bắt đầu do dự.
Khoảng 8 giờ tối ngày hôm đó, Diệm và Nhu thoát khỏi Dinh Gia Long. Trái ngược với các báo cáo sau này, họ không trốn qua một đường hầm , họ chỉ đi ra qua cửa sau và lên một chiếc ô tô đang chờ sẵn. Để giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện, người lái xe đã thay chiếc xe Limousine của tổng thống bằng một chiếc Citroen “hai mã lực”, một chiếc xe 4 chỗ phổ thông có đầy rẫy trên đường phố Sài Gòn. Theo lời khuyên của Đại uý Thọ, Diệm đeo một cặp tính râm ray-ban. Với một chiếc xe Jeep chở lính cận vệ đi sau, chiếc xe đã len lỏi ngang qua thành phố để tới khu Chợ Lớn của người Hoa. Họ dừng lại trước tiên tại một trung tâm hoạt động của thanh niên do chính quyền điều hành, nơi họ gặp Phó thị trưởng Thành phố Sài Gòn Nguyễn Hữu Phước, người đã nói chuyện qua điện thoại với Nhu trước đó, cùng với một nhóm nhỏ sĩ quan trong phong trào thanh niên Cộng hòa của Nhu. Đoàn tùy tùng sau đó đi tới nhà của Mã Tuyên, một doanh nhân Trung Quốc, vốn là đồng minh từ lâu của chế độ.
Sau khi tới nhà Mã Tuyên, Diệm nói rằng ông, ông Nhu và Thọ sẽ tiếp tục đi một mình, còn những người khác nên giải tán. Khi Phước chuẩn bị rời đi, Nhu kéo ông này sang một bên và nói: “Ông có thể đưa Tổng thống và tôi lên vùng cao nguyên không ?”. Nhu hỏi, Phước trả lời không chút do dự rằng, ông có thể. Nhu quay sang Diệm và đề nghị ra khỏi thành phố[4]. Diệm trở lên giận dữ: “Nếu chú muốn đi đâu thì cứ đi, tôi sẽ không đi đâu hết, tôi sẽ đi tới Tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu để nói chuyện với các tướng lĩnh. Tổng thống không bỏ chạy”. Nhu thất vọng, nhưng dường như chấp thuận.
Tại Dinh Tổng thống, lực lượng phòng vệ tiếp tục kháng cự. Tới nửa đêm, lực lượng đảo chính đã chiếm được trại lính Cộng hòa và đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực vào Dinh Gia Long, tin rằng Diệm và Nhu vẫn ở bên trong. Lực lượng phòng thủ đã chống cự cho tới tận bình minh, trước khi đầu hàng. Gần 6:00 sáng, Tôn Thất Đính gọi điện cho Đôn thông báo Dinh Tổng thống đã sụp đổ, nhưng không tìm thấy Diệm và Nhu đâu. Không lâu sau đó, Bộ Tổng tham mưu nhận được cuộc gọi từ Đỗ Thọ. Anh em họ Ngô đang ở Chợ Lớn và đã sẵn sàng đầu hàng. Lúc đầu, Diệm yêu cầu đón ông và Nhu theo nghi thức quân đội chính thức, nhưng khi các tướng lĩnh không đồng ý, ông đã quyết định chấp nhận lời cam kết bảo đảm an toàn ra nước ngoài lưu vong.
6:45 phút, Diệm gọi lại và tiết lộ nơi ẩn nấp hiện tại của ông nhà thờ Cha Tam tại Chợ Lớn. Minh ngay lập tức phải một phái đoàn hộ tống bao gồm hai chiếc thiết giáp M.113 đến đón hai anh em và đưa họ quay trở lại Tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu.
Theo lời Đại uý Thọ, khi đoàn xe tiến vào nhà thờ, một viên Đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa đi ra khỏi chiếc xe Jeep và tiến đến gần hai anh em, theo sau là một Thiếu tá và một Đại úy. Viên Đại tá nói gì đó với Diệm và Nhu, sau đó biểu thị rằng họ phải đi theo những sĩ quan kia. Khi viên Thiếu tá và Đại úy bảo hai anh em trèo vào một trong hai chiếc xe thiết giáp, Nhu trở lên tức giận trước cái mà ông coi là “một dấu hiệu bất kính”: “Đây là Tổng thống, còn tôi là cố vấn của Tổng thống, ông đưa phương tiện này tới đây để đón Tổng thống à ?”. Một trong các sĩ quan đáp lại: “Chúng tôi được lệnh tiến hành một cuộc áp giải, ngay lúc này, không có Tổng thống nào hết”. Nhu điên tiết nhưng Diệm xoa dịu và thuyết phục ông lên xe. Viên Thiếu tá quay lại chiếc xe Jeep dẫn đầu đoàn. Đại úy Nguyễn Văn Nhung, một trợ lý của Tướng Minh trèo lên phía trên chiếc xe thiết giáp và chui vào trong từ cửa trên. Khi đoàn xe bắt đầu di chuyển, Diệm và Nhu đã cố gắng đứng lên bên trong chiếc xe. Đại úy Nhung và người của ông đã trói ngoặt tay hai người ra đằng sau để buộc họ phải ngồi yên”.
Những gì xảy ra sau đó thì như chúng ta đã biết. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung giết chết trong xe thiết giáp, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng hòa.
Lê Minh
[1] Tôn Thất Đính, con nuôi gia đình họ Ngô, người được giao nhiệm vụ soạn thảo và thực hiện kế hoạch phản đảo chính.
[2] Theo phần lớn các tài liệu thì Lê Quang Tung được mời đến Bộ Tổng Tham mưu họp và bị bắt tại đấy khi công khai phản đối phe đảo chính
[3] Đến nay, hài cốt của hai anh em Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu vẫn chưa được tìm thấy.
[4] Ngô Đình Nhu muốn lánh lên Đà Lạt, nơi Nhu có các dinh thự riêng. Mấy người con Ngô Đình Nhu đang ở đây khi Trần Lệ Xuân đang công du nước ngoài.