Những năm 20 của thế kỷ XX, ngay từ khi mới bắt đầu truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn thanh niên là đối tượng cần phải thu hút và truyền bá đầu tiên. Tháng 11/1924, từ Mátxcơva Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu - Trung Quốc, tại đây vào tháng 6/1925 Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với sứ mệnh tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của phong trào cách mạng vô sản, có nguồn gốc chủ yếu từ thanh niên.
Từ cuối năm 1925 đến tháng 4/1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, 75 thanh niên từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại trường Hoàng Phố. Những thanh niên Việt Nam này đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những “trái ngọt đầu mùa” trong kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng thanh niên của Bác.
Năm 1941, khi về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người vẫn tiếp tục dành sự tin tưởng cho thanh niên. Người cho rằng, để xây dựng nước nhà cần phải chú trọng đến việc giáo dục, rèn luyện thanh niên để họ vừa có đạo đức, vừa có tri thức văn hoá, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Giáo dục và rèn luyện không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà của cả gia đình và toàn xã hội.
Người viết: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn và sửa chữa”[1].
Ngày 15/10/1956, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bác nhắc nhở trách nhiệm của tuổi trẻ với phong trào thi đua yêu nước: “... thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình. Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”[2].
Ngày 7/5/1958, tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, khi nói chuyện với thanh niên, Người nhấn mạnh đến việc cần phải giáo dục thanh niên cả về đức và tài để họ có thể gánh vác được nhiệm vụ mà nước nhà giao phó. Người khẳng định: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài”[3].
Từ đó, Người nhấn mạnh thêm, để phát triển toàn diện thanh niên không chỉ cần được giáo dục về đạo đức mà còn cần được bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học - kỹ thuật.Người nói: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”[4].
Ngày 24/3/1961, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở thanh niên “cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”[5]. Người đặc biệt dõi theo sự phát triển của phong trào “Ba sẵn sàng” - một trong những phong trào do Người phát động trong thanh niên.
Ngày 25/3/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tự hào, vui sướng trước những đóng góp to lớn của thanh niên với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người “thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”[6].
Năm 1969, trong “Di chúc” - tác phẩm cuối cùng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại “muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc Việt Nam” mà Người còn tiếp tục dành nhiều tình cảm cao quý cho thanh niên. Người còn dặn dò lại Đảng cần phải chăm lo đến việc giáo dục và bồi dưỡng thanh niên bởi đây là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[7].
Đây chính là sự tổng kết, đúc rút vô cùng quý báu của Người từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên qua các thời kỳ cách mạng để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” theo bản Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với vận mệnh của cả dân tộc.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tuổi trẻ Việt Nam lại hướng về Người, thêm trân trọng và biết ơn những tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng Người dành cho thế hệ trẻ, đồng thời cũng có thêm động lực phấn đấu để ra sức học tập và rèn luyện, nâng cao trình độ, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống để luôn xứng đáng với sự tin yêu của Bác.
[1]Hồ Chí Minh, Toàntập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.265-266.
[2]Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.437.
[3]Hồ Chí Minh, Toàntập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.399.
[4]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.81.
[5]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.90.
[6]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.77.
[7]Hồ Chí Minh, Toàntập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.
Chiên Lê