Nằm giữa lòng thủ đô, hồ Hoàn Kiếm được ví như “Trái tim Hà Nội”. Hồ Hoàn Kiếm như viên ngọc xanh yên bình, cuốn hút một cách lạ kỳ những người yêu Hà Nội bằng sức sống tâm linh ngàn năm.
Hồ Hoàn Kiếm là tâm điểm kết nối quần thể các di tích, thắng cảnh đặc biệt của phố cổ với: Tháp Rùa uy nghiêm, đền Ngọc Sơn cổ kính, cầu Thê Húc duyên dáng nên thơ, tháp Hòa Phong rêu phong trầm mặc, Tháp Bút - Đài Nghiên kiêu hãnh “viết lên trời xanh” những triết lý cao cả, thiện lành và xa hơn chút là đền Bà Kiệu, tháp Báo Thiên, khu di tích vua Lê… Hồ nằm giữa cái phồn hoa, náo nhiệt của thành phố, giống như giọt sương trong trẻo màu ngọc bích, vừa lặng lẽ, thâm trầm vừa duyên dáng, mộng mơ, luôn cho con người cảm giác bình yên, dịu dàng khó tả.
Tháp Rùa sáng sớm mùa thu. Ảnh: Internet
Hồ như một nàng thiếu nữ đẹp và luôn làm người ta đắm say, không chỉ vì dung mạo hoàn mỹ mà còn vì nàng luôn thú vị, mới lạ. Trong trẻo mát lành vào buổi sáng tinh sương, bừng sáng khi vầng dương tỏa nắng, yêu kiều, trầm tư lúc chiều muộn và long lanh, bí ẩn lúc về đêm…. Nàng mang cả bốn mùa đi qua với bao nhiêu mới mẻ: Mùa xuân, nàng tươi mới tinh khôi bên những chồi non lộc biếc. Mùa hạ, nàng rực rỡ, nồng nàn trong màu phượng đỏ và ánh nắng tràn lên Thê Húc. Mùa thu nàng tiêu sái thanh tao với nước gương trong soi bóng lá vàng. Mùa đông lại trầm tư, lạnh lùng trong màn sương mờ đục… Có lẽ vì thế, mỗi người đến với nàng, mỗi thời khắc, lại có những cảm xúc khác nhau, và lần nào cũng như thể là lần đầu gặp gỡ.
Có ai đó từng bùi ngùi tiếc nuối: hồ nay đã khác hồ xưa, hồ xưa bình yên bên những vòm cổ thụ, những rặng liễu thướt tha bóng rủ, tiếng tàu điện leng keng và những người thanh lịch qua lại thư nhàn… còn hồ nay thì đủ hạng người, đủ âm thanh hỗn tạp. Người ta mong lắm tuyến phố đi bộ hồ Gươm, để trở lại vẻ bình yên vốn có của hồ. Phố đi bộ vận hành, dù chưa thể làm hài lòng tất cả du khách hay người phố cổ, còn ảnh hưởng ít nhiều đến nhịp sống, mưu sinh của người dân, nhưng kể từ khi các tuyến phố quanh hồ cấm các phương tiện giao thông cơ giới, dạo bước nơi này, mỗi người lại được một lần sống chậm, dường như ai cũng muốn bước thật êm để lắng nghe tiếng lòng mình hòa trong tiếng lòng non nước nên thơ.
Những người “muôn năm cũ”, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hoài niệm và cũng không ai có thể ngăn họ thôi hoài niệm, bởi quá khứ đẹp đẽ bình yên như một vùng vô nhiễm cần được giữ gìn. Mong muốn của họ là chính đáng và cần trân trọng, bởi sẽ góp phần bảo tồn bản sắc, hồn thiêng núi sông. Nhưng quy luật tự nhiên, con người và vạn vật luôn không ngừng đổi thay. Người Hà Nội, cảnh quan Hà Nội, trong đó có hồ, đang nằm giữa thủ đô, nằm giữa trung tâm đất nước - một đất nước đang ngày đêm chuyển mình hướng tới hội nhập và phát triển. Người thiếu nữ đẹp của thời hiện đại sẽ hợp thời hơn, cuốn hút hơn nếu biết cách điểm trang, làm mới chính mình. Hoàn Kiếm mỗi ngày đón hàng nghìn du khách, không chỉ của Hà Nội, của Việt Nam mà khắp mọi miền đất nước, khắp bốn bể năm châu, phải làm sao để du khách đến đây không thấy mình lạc lõng.
Hồ Hoàn Kiếm yên bình giữa lòng thủ đô. Ảnh: Internet
Giờ đây, khi phố chiều tắt nắng, không chỉ mỗi tối cuối tuần, nếu ta dạo bước bên hồ, sẽ gặp rất nhiều người, nhiều lứa tuổi, nhiều màu da cũng đang dạo bước thong dong. Lại có những con người đến với hồ không phải để tham quan, tản bộ, mà làm công việc sáng tạo văn hóa, làm nên vẻ đẹp mới cho hồ và phố cổ. Đó là những người nghệ sĩ đường phố, những nhóm nhạc nghiệp dư, hay những người lữ khách ngao du bốn phương vừa du lịch vừa mưu sinh vừa trải nghiệm với những lời ca tiếng hát, những tiết mục nghệ thuật đầy ngẫu hứng, say mê. Hoàn Kiếm rộn ràng hơn, tươi trẻ hơn, hấp dẫn hơn vì thế.
Có lần, tôi gặp một nhóm hát, mà nghệ sĩ là hai cô gái nước bạn, cực kỳ xinh đẹp kiêu sa và chắc tuổi đời còn rất trẻ. Thế mà họ đã hát say sưa, điệu nghệ các ca khúc truyền thống của người Việt khiến không ít người ngỡ ngàng, xúc động, người dừng chân nghe các cô hát rất đông. Tiết mục tuyệt vời đó đã kết nối những người xa lạ gần nhau, chan hòa trong niềm cộng cảm và tình yêu cái đẹp, tình yêu hòa bình.
Câu chuyện nhỏ này lại nhắc ta nhớ về truyền thuyết thần Kim quy và lịch sử cái tên Hoàn Kiếm. Hồ Hoàn Kiếm vốn có tên là Lục Thuỷ. Khi thực hiện sứ mệnh đánh giặc cứu nước, vua Lê Lợi được Rùa vàng cho mượn chiếc gươm thần. Sau khi đã thắng giặc lập công, trong một lần đi thuyền trên hồ Lục Thủy, rùa thần hiện lên, gươm báu bỗng vút bay về phía rùa thần. Rùa ngậm gươm báu, lặn xuống đáy hồ. Từ đó Lục Thủy được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (còn gọi hồ Gươm). Đất nước thanh bình, không còn bóng ngoại xâm, ước vọng về nền thái bình thịnh thế đã trở thành hiện thực, nên gươm thần gửi lại đáy hồ. Câu chuyện mang tính hư cấu lịch sử nhưng không hề hoang đường, vì đó là một hàm ngôn mang triết lý sâu xa, thấm đẫm nhân sinh quan, tinh thần, bản lĩnh tuyệt vời của người Việt. Đánh giặc xong rồi thì hoàn lại kiếm, bởi với người Việt, chiến tranh là điều không mong muốn, chiến tranh là để hướng tới hòa bình. Khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng, thường trực trong huyết quản, tâm thức người Việt suốt nghìn năm nay.
Cũng trong nghìn năm đó, người và đất Thăng Long - Hà Nội biết bao phen rơi vào vòng binh lửa và nhiều bận trở thành chiến trường trọng yếu quyết định đến vận mệnh quốc gia. Những Đông Bộ Đầu 1258, Ngọc Hồi - Đống Đa 1789, Hà Nội mùa đông 1946, 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không 1972… vẫn còn kiêu hùng trong sử sách. Khát vọng hòa bình và lòng yêu nước đã kết tinh thành sức mạnh để Hà Nội chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, làm nên cốt cách Thăng Long, cốt cách Việt Nam. Đau thương mà anh hùng, máu cùng hoa, lầm than và khát vọng… như cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác pháo đài bay B-52 một thời đạn lửa – Hà Nội bi tráng và hào hoa.
Hồ Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm. Ảnh minh họa
Khát vọng hoà bình suốt trường kỳ lịch sử là nguồn nhuệ khí, là ánh sáng soi đường đưa người Hà Nội bước vào một cuộc kiến tạo mới với những giá trị mới của thời đại hôm nay. Danh hiệu cao quý "Thành phố vì hòa bình" mà UNESCO trao cho Hà Nội là sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với thiện chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam, bởi đó cũng là khát vọng mang tầm nhân loại.
Nhẹ bước bên bờ Hoàn Kiếm, bốn mùa nước gương vẫn trong xanh soi bóng những tàng đại thụ, những đền tháp rêu phong, ta như còn nghe sóng nước lao xao mặt hồ âm thầm nhắc nhở về huyền thoại và sứ mệnh lịch sử. Trong sâu thẳm lòng hồ vẫn dạt dào chảy mãi mạch ngầm khát vọng của người Thăng Long nghìn năm văn hiến, của dân tộc Việt Nam yêu chuộng và đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình.
Quang Hoa