Trong số những nhà cách mạng lão thành của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tên tuổi Hồ Tùng Mậu gắn chặt với những sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với vận mệnh của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 125 ngày sinh của đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896-15/6/2021), chúng tôi giới thiệu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng tiền bối này
Hồ Tùng Mậu là con cháu dòng họ Hồ nổi tiếng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Cha ông – Hồ Bá Kiện là một chí sĩ của phong trào Văn Thân, bị thực dân Pháp bắt giam và sát hại trong một vụ vượt ngục tại Lao Bảo.
Cùng với đa số lớp thanh niên khi ấy lớn lên trong cảnh đất nước bị đô hộ, riêng cá nhân ông còn chịu cảnh nhà tan vì thực dân xâm lược. Truyền thống gia đình, quê hương và bối cảnh, số phận của đất nước đã hun đúc phẩm chất, khí tiết của một nhà cách mạng kiên trung Hồ Tùng Mậu sau này.
Năm 1919, Hồ Tùng Mậu sang Thái Lan, rồi sang Trung Quốc để hoạt động chính trị với mục đích giành độc lập cho Việt Nam khỏi chế độ đô hộ của thực dân Pháp.
Năm 1923, Hồ Tùng Mậu cùng với một số đồng chí của ông, trong đó có Lê Hồng Sơn, tham gia tổ chức Tâm Tâm Xã, một tổ chức cách mạng của những thanh niên, trí thức yêu nước. Tâm Tâm Xã là một tổ chức yêu nước nhưng qua một số thất bại, nhất là sau sự hi sinh oanh liệt của Phạm Hồng Thái, tổ chức này đã nhận thấy cần phải có đường lối tổ chức, một phương pháp đấu tranh đúng đắn mới có thể đưa cách mạng Việt Nam đến thành công.
Trong giai đoạn từ năm 1927 đến năm 1929, Hồ Tùng Mậu đã ba lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, sau đó được thả vào cuối năm 1929. Hồ Tùng Mậu là một trong những người góp phần tích cực vào việc hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hồng Kông) đầu năm 1930.
Do những hoạt động cách mạng tích cực cho cách mạng Việt Nam, ông bị chính quyền Hồng Kông bắt giam và bị trục xuất khỏi Hồng Kông. Ngày 26 tháng 6 năm 1931, khi ông vừa đặt chân đến Thượng Hải thì bị mật thám Pháp bắt và giải về Việt Nam xét xử. Ông bị kết án tù chung thân. Kể từ đó, ông đã trải qua rất nhiều nhà tù của chế độ thực dân từ Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột …Tháng 3 năm 1945, Hồ Tùng Mậu vượt ngục trở về hoạt động ở vùng Trung Bộ.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu với chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Sau Cashc mạng tháng Tám, ông nhận được giấy mời ra Hà Nội của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Sau đó, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Chính ủy và Khu trưởng Khu 4, Chính ủy Khu 4 từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 11 năm 1946, Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Nhượng Bạn, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Năm 1947, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV, đồng thời được bầu giữ chức Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy. Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử ông giữ chức vụ Tổng Thanh tra.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng vào tháng 2 năm 1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông hi sinh ngày 23/7/1951 trên đường đi vào Liên khu 4 công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại Phố Còng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa
Sau khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết Lời điếu viếng ông, trong đó có đoạn: "Chú Tùng Mậu ơi! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình nghĩa riêng - tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi tranh đấu ở nước nhà… đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân". "Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết! Mấy nguồn thương tiếc! Mấy nguồn thương tiếc cộng vào một lòng tôi…”.
Hồ Tùng Mậu cùng một số đồng chí tại Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 21/01/1950 đến ngày 03/02/1950 (Ảnh tư liệu)
Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nhà nước Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, người con trai duy nhất của ông là Hồ Mỹ Xuyên tham gia hoạt động cách mạng, hy sinh năm 1948 ở tuổi 28. Các cháu nội của ông sau này đều là những người nổi tiếng như Hồ Anh Dũng, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Hồ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa hock Xã hội Vietj Nam; Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Đánh giá về sự hi sinh anh dũng của các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. Trong buổi “trứng nước” của cách mạng Việt Nam, Hồ Tùng Mậu là một người hoạt động từ sớm, nhiều năm lăn lộn trong các phong trào yêu nước và cách mạng ở Thái Lan, Trung Quốc.
Gần 30 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp lớn lao cho cách mạng Việt Nam. Cuộc đời, tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Tùng Mậu mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, ý chí phi thường, tinh thần xả thân, hi sinh vì cách mạng và dân tộc, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.
Ngọc Anh