Cái giá cho hòa bình không bao giờ là rẻ. Các cuộc chiến tranh thế giới, xung đột quốc gia, sắc tộc đã và đang diễn ra với những thiệt hại to lớn về người và của là nỗi đau không gì bù đắp được. Đối với Việt Nam, phải tiến hành cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc liên tục gần 45 năm (1945-1989), hơn ai hết, nhân dân ta càng thấy được sự quý giá của hòa bình. Hôm nay cũng như mai sau, hòa bình luôn là khát vọng của nhân loại nói chung, của nhân dân Việt Nam nói riêng
Lịch sử ra đời Ngày Quốc tế Hòa bình
Ở cả bình diện quốc gia và quốc tế, hòa bình là một mục tiêu cao cả và quan trọng nhất cần nỗ lực hướng tới. Cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu hoà bình sẽ đem lại cho nhân loại một cuộc sống an toàn, thịnh vượng và bền vững.
Ngày Quốc tế Hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981 theo Nghị quyết số 36/67 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Đến năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa bình.
Ngày Quốc tế Hòa bình, còn được gọi không chính thức là Ngày Hòa bình thế giới, diễn ra hằng năm vào ngày 21/9, được dành để tôn vinh nền hòa bình thế giới, kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo lực và là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự để các lực lượng cứu trợ nhân đạo thực thi sứ mệnh của mình. Ngày Quốc tế Hòa bình được nhiều quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị và quân sự tuân thủ.
Để khai mạc ngày này, “Chuông hòa bình” ở Trụ sở Liên hợp quốc (tại New York, Hoa Kỳ) bắt đầu ngân vang báo hiệu. Chuông này được đúc từ các đồng tiền kim loại quyên góp của các trẻ em từ khắp các châu lục ngoại trừChâu Phi. Đó là món quà tặng của “Hiệp hội Liên hợp quốc” của Nhật Bản, và được coi như “một lời nhắc nhở về phí tổn nhân mạng cho chiến tranh”. Trên mặt chuông được khắc ghi các chữ: “Vạn tuế hòa bình tuyệt đối trên thế giới”[1]. Các cá nhân cũng có thể mang phù hiệu chim bồ câu hòa bình màu trắng, do một tổ chức phi lợi nhuận của Canada sản xuất, để kỷ niệm ngày quốc tế Hòa bình.
Vào năm 1981, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố trong một nghị quyết do Anh và Costa Rica đồng bảo trợ[2], rằng ngày Thứ Ba thứ 3 của tháng 9 – ngày khai mạc các khóa họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên hợp quốc – là “Ngày Quốc tế Hòa bình” dành cho việc kỷ niệm và củng cố những lý tưởng hòa bình[3].
Lực lượng mũ nồi xanh, lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc
Năm 2001, ngày khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc được dự định vào ngày 11/9, và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã soạn một thông điệp công nhận việc cử hành Ngày Quốc tế Hòa bình vào ngày 11/9[4]. Tuy nhiên, vào năm này Ngày Quốc tế Hòa bình được thay đổi từ ngày Thứ Ba thứ 3 trong tháng 9 sang ngày 21/9, có hiệu lực từ năm 2002. Một nghị quyết mới, do Anh và Costa Rica đồng bảo trợ, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua[5], đưa ra một ngày cố định để cử hành Ngày Quốc tế Hòa bình và tuyên bố đó là ngày đình chiến toàn cầu[6].
Hòa bình và xây dựng một nền hòa bình lâu dài, hướng tới phát triển bền vững chính là khát vọng, là mục tiêu cao cả của toàn nhân loại. Khi mà trên thế giới liên tục xuất hiện các “điểm nóng” với xung đột vũ trang, bạo lực và chiến tranh đe dọa sự sống của hàng triệu người dân thì giá trị của an ninh và hòa bình, hơn lúc nào hết, càng cần được củng cố.
Ngày kỷ niệm này cũng là dịp để Liên hợp quốc kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới cùng từ bỏ vũ khí và đưa ra một cơ hội hòa bình. Ngày Quốc tế Hòa bình đem lại cơ hội cho thế giới cùng dừng lại và xem xét cách thức tốt nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của xung đột vũ trang và bạo lực.
Thông qua kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa bình, Liên hợp quốc mong muốn thể hiện sự cống hiến cho hòa bình thế giới và khuyến khích toàn nhân loại cùng hành động và hợp tác vì mục tiêu này. Ngày Quốc tế Hòa bình được dành để kỷ niệm và củng cố các lý tưởng hòa bình giữa tất cả các quốc gia và các dân tộc... Ngày kỷ niệm này cũng là lời nhắn nhủ tới tất cả mọi người dân trên thế giới về vai trò của Liên hợp quốc trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đồng thời cũng là tiếng chuông liên tục nhắc nhở tổ chức này về nghĩa vụ thực hiện các cam kết lâu dài để giành lấy và gìn giữ hòa bình cho nhân loại.
Năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 21/9 hằng năm là Ngày Quốc tế Hòa bình, trong đó nhấn mạnh, các nước thành viên Liên hợp quốc cần tiếp tục tăng cường và nuôi dưỡng nền văn hóa hòa bình và không bạo lực trong ứng xử ở mọi cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, trên thực tế, hoạt động giữ gìn hòa bình đã liên tục được Liên hợp quốc triển khai dưới hình thức các phái bộ. Những người lính thuộc Lực lượng giữ gìn hòa bình đầu tiên của Liên hợp quốc đã có mặt tại Palestine vào năm 1948. Và kể từ đó đến nay, hình ảnh người lính “mũ nồi xanh” đã không còn xa lạ tại hầu hết các điểm nóng trên thế giới như Đông Timor, Haiti… nhưng chủ yếu vẫn là ở châu Phi và Trung Đông.
Cho đến nay, đã có hơn 70 phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc được thành lập, với hơn 1 triệu binh sĩ, dân thường và cảnh sát đến từ 125 nước trên thế giới. Đó là những người lính, quan sát viên quân sự, cảnh sát dân sự, bác sỹ, kỹ sư... với các nhiệm vụ: giám sát việc chấp hành lệnh ngừng bắn giữa các bên xung đột, bảo vệ người dân, tuần tra, rà phá bom mìn, chất nổ, huấn luyện cảnh sát quốc tế, hỗ trợ xây dựng hệ thống tư pháp, đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế nhà nước còn non trẻ.
Các phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc phải hoạt động trong những môi trường phức tạp, nguy hiểm, do những mối đe dọa từ các tổ chức vũ trang, tội phạm và khủng bố… Từ năm 1948 đến nay, đã có hơn 3.500 người thiệt mạng khi phục vụ trong các chiến dịch giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Ghi nhận sự nỗ lực, hy sinh và những thành tích to lớn của Lực lượng này, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho Lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.
Những đóng góp của Việt Nam cho nền hòa bình thế giới
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Ngay từ những ngày đầu tham gia, Việt Nam đã chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông - Nam Á. Đồng thời, chúng ta cũng tích cực cùng nhiều quốc gia thành viên thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết, quyết định cùng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của Liên hợp quốc, tăng cường sự phối hợp giữa các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bảo vệ độc lập và quyền tự quyết của các dân tộc, cải thiện môi trường kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quyền con người.
Với mong muốn đóng góp hơn nữa vào những hoạt động của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực hòa bình - an ninh quốc tế từ năm 1997, Việt Nam đã lần đầu tiên ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Và lần thứ hai là nhiệm kỳ 2020-2021.
Trên cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an từ 1/7/2008 đến 31/7/2008, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ, đóng góp vào việc giải quyết các bất đồng và xung đột quốc tế, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế và thúc đẩy giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt. Từ kinh nghiệm của đất nước đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh với những hậu quả nghiêm trọng và nay thu được thành tựu quan trọng trong phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoạt động hiệu quả trong việc tái thiết cho những nước vừa trải qua xung đột.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 (Số 3) lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, ngày 23/3/2021
Ngày 2/10/2018, 32 bác sĩ đầu tiên trong tổng số 63 cán bộ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) của Việt Nam đã tới thủ đô Juba, Nam Sudan (trên chuyến bay vận tải C-17 Globemaster thuộc Lực lượng không quân Hoàng gia Australia RAAF) cùng nhiều tấn thiết bị và nhu yếu phẩm y tế, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở quốc gia Đông Phi này. Và từ đó đến nay, Việt Nam luôn thể hiện rõ trách nhiệm của mình, sẵn sàng tham gia và tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Tháng 4 vừa qua, bệnh viện dã chiến 2 số 3 đã lên đường tiếp tục nhiệm vụ tại Nam Sudan.
Được sống trong hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Kỷ niệm Ngày Quốc tế Hòa bình, chúng ta mong muốn các nước trên thế giới hãy nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói vì hòa bình, để Trái đất này luôn mãi một màu xanh - màu xanh hòa bình.
Tiến Duy (Tổng hợp)
[1] Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhân Ngày Quốc tế Hoà bình (“Secretary-General's Message on the International Day of Peace”) ngày 21/9/2002. Lưu trữ bản gốc ngày 23/10/2012.
[2] Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phiên họp 55, Nghị quyết 282 về Ngày Quốc tế Hoà bình (Resolution 282. International Day of Peace A/RES/55/282) ngày 7/9/2001.
[3] Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phiên họp 36, Nghị quyết 67 về Năm Hoà bình và Ngày Quốc tế Hoà bình (Resolution 67. International Year of Peace and International Day of Peace A/RES/36/67) trang 1 ngày 30/11/1981.
[4] Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhân Ngày Quốc tế Hoà bình (“Secretary-General's Message on the International Day of Peace”).
[5] Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phiên họp 55, Nghị quyết 282 về Ngày Quốc tế Hoà bình (Resolution 282. International Day of Peace A/RES/55/282) ngày 7/9/2001.
[6] Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Phiên họp 55 Verbotim Report, cuộc họp 111. A/55/PV.111 trang 2. Sir Jeremy Greenstock United Kingdom. Ngày 7/9/2001.