Từ trước đến nay, Hoa Kỳ không thừa nhận việc bật đèn xanh cho cuộc đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, nhiều tài liệu đã giải mật cho thấy, Hoa Kỳ không chỉ chủ trương lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để thay thế bằng một chính quyền “dễ bảo hơn”, mà còn trực tiếp chi tiền cho hoạt động đảo chính lật đổ và sát hại Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.
Tài liệu giải mật cho thấy một số tiền khá lớn đã được người Mỹ chi cho các tướng lĩnh và đơn vị tham gia đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Phiếu do Thiếu tá Đặng Văn Hoa theo lệnh Trung tướng Trần Văn Đôn, lập về số tiền 3 triệu (40.816 USD thời giá 1960, 1 USD = 73,5 đồng Việt Nam Cộng hòa) chi cho các đơn vị đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
"Phiếu đệ trình, ngày 14-8-1971
Trích yếu: Về số bạc ba triệu đồng của ông Conein cho mượn để thù lao các đơn vị trong ngày Cách mạng 1/11/1963.
Kính thưa Trung tướng,
Số bạc 3 triệu đồng của ông Conein cho mượn thì đã được trung tướng chỉ thị cấp cho những người sau đây:
Ngày 1/11/1963, Thiếu tướng Tham mưu trưởng Trần Thiện Khiêm nhận 500,000 $
(do Đại tá Đặng văn Quang làm biên nhận).
Ngày 1/11/1963, Tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận
500,000 $ (do đại úy Phạm viết Hùng nhận).
Ngày 10/11/1963, T/T Tôn Thất Đính có nhận thêm 100,000 $
Ngày 4/11/1963, tặng Sư đoàn 5 50,000 $ (do Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu nhận).
Ngày 5/11/1963, tặng Liên đoàn thủy quân lục chiến của Đại tá Lê Nguyên Khang 100,000$ (do đại úy Quế nhận)
Ngày 5/11/1963, Đại tá Trần Ngọc Huyến thị trưởng Đà Lạt
nhận 100,000 $
Ngày 9/11/63, Thiếu tá Phan Hòa Hiệp, Trường thiết giáp nhận 100,000$
Ngày 19/11/63, Đại úy Đào Ngọc Diệp, Câu lạc bộ Bộ Tổng tham mưu nhận 100,000$
Tổng cộng: 1,550,000$."
Nguồn: "Việt Nam Nhân Chứng", Trần Văn Đôn.
Ai chi 3 triệu này? Lúc 13h30 ngày 1-11-1963, điệp viên CIA Lucien Conein đến bộ Tổng Tham mưu. Trong cuốn “Việt Nam 1954 - 1975, những sự thật chưa hề nhắc tới” do Hoàng Lạc và Hà Mai Việt xuất bản năm 1990, trang 247 có nói về vai trò của Lucien ngày hôm đó như sau:
“Lucien ngồi trên ghế bành lớn của Đại Tướng Tỵ, gác chân lên bàn, bên cạnh là khẩu Magnum 44, dưới chân bàn là hai túi xách tay trong đựng sáu triệu đồng bạc Việt Nam. Số tiền này sau được phát cho Tướng Đôn ba triệu, phần còn lại chia cho các tướng khác.”
Số phận anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu được quyết định bằng một câu tiếng Pháp, mà Lucien nói với các tướng lĩnh phe đảo chính: "On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs." (Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những quả trứng).
4 giờ chiều 2-11-1963, khi được tin báo anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị bắn chết, Đại sứ Mỹ Cabot Lodge vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp: "C’est formidable! C’est formidable!" (Thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu).
Như vậy là Hoa Kỳ đã dùng tiền hậu thuẫn và lập nên chính quyền Ngô Đình Diệm với nền Cộng hòa đệ nhất tại miền Nam Việt Nam, nhưng cũng chính Hoa Kỳ với chủ trương “thay ngựa giữa dòng” và bằng tiền của mình, đã chấm dứt sự tồn tại của chế độ Ngô Đình Diệm, mở đầu cho những bước phiêu lưu quân sự tại miền Nam Việt Nam những năm sau đó.
Trong những giờ phút cuối cùng, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu vẫn tin tưởng vào những viên tướng và đơn vị quân đội trung thành với mình như Tướng Trần Văn Đôn, Tướng Tôn Thất Đính, Quân đoàn 3, Sư đoàn 5 bộ binh, Sư đoàn tăng thiết giáp.... Tuy nhiên, đến lúc bị bắn chết, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu vẫn không hề biết rằng, những đơn vị và những viên tướng trung thành với gia đình họ Ngô cuối cùng đã nhận tiền của người Mỹ, “trở cờ” đứng về phe quân đảo chính.
Lê Minh