Ngày 21/11/1970 sẽ là ngày đáng nhớ đối với Lầu Năm Góc, Cục tình báo Trung ương Mỹ khi họ tiến hành không thành công vụ tập kích giải cứu tù binh Mỹ tại Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Vậy vụ tập kích Sơn Tây đã được chuẩn bị và tiến hành như thế nào và tại sao nó lại thất bại ?
Thuyết phục giới chức Hoa Kỳ tin vào thành công của cuộc giải cứu
Ngày 5/8/1964, Hoa Kỳ chính thức phát động chiến dịch ném bom miền Bắc. Tù binh Mỹ đầu tiên là Trung úy hải quân Alvarez, bị bắn rơi trong khi ném bom thành phố cảng Hải Phòng.
Trong năm 1965, các cuộc ném bom của không quân Mỹ trung bình 70 lần chiếc một ngày, số phi công Mỹ bị bắt làm tù binh cũng tăng lên, đến cuối năm 1965 đã lên đến 61 tù binh.
Năm 1966, số phi vụ oanh kích mỗi ngày của không quân Mỹ tại miền Bắc tăng lên 223 lượt chiếc, trong lúc đó, hệ thống phòng không, không quân của miền Bắc đã được xây dựng, được coi là lực lượng phòng không mạnh nhất trên thế giới lúc đó.
Theo tính toán của phía Mỹ, trung bình cứ 10 ngày thì có 8 chiếc máy bay bị bắn rơi. Cuối năm 1966, có thêm 86 phi công Mỹ được đưa vào các nhà tù ở miền Bắc.
Năm 1967, số phi vụ oanh kích của không quân Mỹ mỗi ngày đã tăng lên 300 lần chiếc và hầu như hằng ngày đều có máy bay Mỹ bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam. Theo tính toán có khoảng 13% số phi công sau khi nhảy dù được cứu, phần lớn thiệt mạng với máy bay, được liệt vào dạng mất tích (MIA: Missing In Action) và một số thì bị bắt làm tù binh (POW: Prisoner of War).
Theo thống kê của Hoa Kỳ, đến cuối năm 1968, đã có 927 phi công bị chết và 356 bị bắt làm tù binh. Những phi vụ trên miền Bắc lúc này được hạn chế trong những chuyến bay trinh sát, từ sau ngày 1/11/1968.
Thống kê cũng cho thấy, trong số 356 phi công Mỹ bị bắt, 85% trong số này đã bay trên 15 phi vụ vào miền Bắc cho đến khi bị bắn rơi.
Trong số những phi công Mỹ bị bắn rơi có một người được coi là rủi ro nhất, khi trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, phi công này bị bắn rơi ngay trong lần xuất kích đầu tiên trên đất Đức Quốc xã. Tại Việt Nam, phi công này cũng trong tình trạng tệ hại không kém, khi bị bắn rơi ngày 24/7/1965, cũng trong phi vụ đầu tiên tại Việt Nam sau khi vừa đến Đông Nam Á được 3 ngày.
Một phi công khác bị bắn rơi ngày 10/9/1965. Phi công này được ca ngợi là ngôi sao sáng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên khi đã xuất kích 109 lần, bắn hạ được 8 chiếc máy bay MIG, nhưng khi đến Việt Nam, trong chuyến bay thứ năm làm nhiệm vụ, đã bị bắn rơi. May mắn nhất đối với ông ta là cố gắng nhảy dù xuống biển và được cứu thoát.
Nhưng may mắn không đến lần thứ hai. Một thời gian sau, ông ta lại tiếp tục các phi vụ oanh kích và lần thứ hai bị bắn rơi, nhưng lần này, lực lượng giải cứu đã không làm được gì được vì ông ta rơi ngay trên đất liền miền Bắc Việt Nam và bị bắt sống.
Sau này, kể lại bảy năm rưỡi bị giam giữ tại miền Bắc, ông từng thốt lên rằng "Những con người được huấn luyện để bay trên máy móc tối tân với tốc độ khó tin, vút lên trời cao để rồi chính họ lại bị nhốt vào tù như những con thú... Vậy máy móc tối tân, tốc độ siêu âm để làm gì, cuối cùng con người lại không được vẫy vùng".
John McCain là con trai của Đại tướng John McCain III bị bắt ngày 26/10/1967 trên vùng trời Hà Nội. Đúng 3 tháng sau khi anh ta bị bắn rơi thì bố anh ta được thăng chức Chỉ huy trưởng các lực lượng hải quân, lục quân, thủy quân lục chiến và không quân, để tiếp tục xâm lược Việt Nam. John McCain con bị thương nặng khi máy bay bị trúng đạn, người cùng bay trông thấy người Bắc Việt vớt anh ta từ một chiếc Hồ trong thành phố Hà Nội. Tháng 8/1969, hai phi công Mỹ được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả tự do kể lại rằng John McCain con được cấp thuốc men và chăm sóc đầy đủ, song vết thương quá nặng, anh ta phải ở riêng một mình trong nhiều tháng.
Biết bố anh ta là ai nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho anh ta sớm được trở về vào tháng 7/1968, để chứng minh thiện chí của mình, điều mà anh ta không thể ngờ được. Trong lúc đó, nhiều bạn bè của anh ta thì vẫn đang ở trong trại giam của miền Bắc.
Ngoài những phi công thường xuyên được “triển lãm”, tức họp báo quốc tế, để tố cáo cuộc chiến tranh phá hoại của Hoa Kỳ chống phá miền Bắc, nhiều tù nhân được chuyển từ nội thành Hà Nội về Sơn Tây.
Tại đây, các tù binh Mỹ lao động để xây dựng các cơ sở vật chất để phục vụ cho chính họ. Dù sao, họ cũng thấy rằng đỡ ngột ngạt hơn bị giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò, một nhà tù cũ của Pháp.
Ngày 24/5/1968, có 20 tù binh được chuyển từ “Khách sạn Hilton Hà Nội” tới Sơn Tây.
Ngày 18/7/1968, trại Sơn Tây tiếp nhận thêm 20 người.
Nhóm cuối cùng có 15 người, chuyển đến vào ngày 28/11/1968.
Khu vực trại giam tù binh Mỹ tại Sơn Tây (Ảnh tư liệu)
So với nhiều trại giam khác thì tại trại giam Sơn Tây, tù binh Mỹ cảm thấy thoải mái hơn, cho nên họ đặt tên cho trại là “Trại Hy vọng”. Tại đây, tù binh được trông thấy nhau và nói chuyện với nhau thường xuyên. Họ cho rằng, đời sống của tù nhân như thế cũng là dễ chịu.
Đến tháng 5/1970, số phi công Mỹ bị bắt tại miền Bắc đã tăng lên đến 370 người. Cũng có người đưa ra con số khác là 357 người.
Trại giam tù binh Sơn Tây nằm khá biệt lập giữa các khu dân cư cũng như cách khá xa các cơ sở quân sự khác, cho nên trong nhiều tháng bị giam giữ, những tù binh Mỹ tại đây xuất hiện ý nghĩ làm sao được giải cứu và họ bắt đầu chú ý đến việc tạo ra tín hiệu để máy bay trinh sát có thể chụp ảnh được và chuyển về các trung tâm tình báo Quân đội tại Hoa Kỳ.
Lợi dụng điều kiện được tự do trong lao động, tù nhân đã cố ý phơi quần áo hoặc đổ đất đá mới được đào lên theo những hình thù kỳ lạ để có thể mang đến những thông tin cho các bức không ảnh được chụp.
Cuối năm 1968, qua tin tức của các tù binh Bắc Việt bị bắt tại chiến trường miền Nam, thông tin của khách quốc tế viếng thăm Hà Nội và của 3 tù binh Mỹ được trả lại tự do cho biết: một số tù binh Mỹ bị nhốt ở một căn cứ có tường bao bọc, cách Hà Nội khoảng 23 dặm (40 km) về phía Tây.
Đầu tháng 5/1970, qua những bức ảnh chụp và ký hiệu được những tù binh Mỹ tạo ra, Hoa Kỳ biết rằng tại Sơn Tây có giam giữ 55 tù binh. Nhiều người trong số họ, do có vấn đề về sức khỏe, đã ra tín hiệu giải cứu khẩn cấp. Vì vậy, ý tưởng về một cuộc giải cứu tù binh đã được một số cá nhân trong quân đội Mỹ nêu ra.
Để xác định thêm về trại tù binh Sơn Tây, tình báo Mỹ đã khai thác thêm nguồn tin của một bộ đội miền Bắc bị bắt ở phía Nam khu phi quân sự cho biết, tiểu đoàn của anh đã cắm trại một đêm gần nơi đó trước lúc lên đường vào Nam chiến đấu. Khi đi lấy nước ở một cái giếng về cho tiểu đội bên ngoài khu trại tù, anh ta trông thấy cửa trại mở ra, nhiều tù binh Mỹ làm việc ở ngoài sân.
Hoa Kỳ đã phân tích các bức ảnh được chụp cho thấy có dấu hiệu tù binh tạo ra các tín hiệu đề nghị được giải cứu. Cụ thể là những tấm ảnh chụp quần áo của tù binh phơi trong trại cố ý sắp xếp thành chữ SAR ( Search and Rescue: tìm và giải thoát). Ngoài ra, một vài tù binh còn tìm cách đổ đất mới đào thành hình chữ K một góc khu trại (K có nghĩa là đến cứu chúng tôi ngay).
CIA và Lầu Năm Góc tính toán rất cụ thể về việc giải cứu tù binh. Trong điều kiện lúc bấy giờ, nếu cuộc tập kích giải cứu được tiến hành trong vòng nửa giờ, thì hầu như tất cả các đơn vị quân đội hoặc các lực lượng chi viện của miền Bắc sẽ không kịp thời đến để bảo vệ trại tù binh.
Cuộc giải cứu ngày càng trở nên cấp bách khi Hoa Kỳ gặp khó khăn trên bàn hội đàm Paris. Nếu việc giải cứu được một số tù binh thành công thì tiếng nói của Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn tại bàn hội nghị. Đồng thời, có thể làm giảm bớt phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, nòng cốt là nhiều gia định có con cái bị bắt làm tù binh tại Việt Nam. Điều đó càng thúc đẩy một số quan chức trong quân đội Mỹ nung nấu việc giải cứu tù binh tại Sơn Tây
Mặc dù vậy, một vài người lo ngại sẽ gặp rắc rối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bởi vì từ sau ngày 31/10/1968, Tổng thống Mỹ đã cấm tất cả mọi hoạt động quân sự của không lực Mỹ tại miền Bắc, ngoại trừ một số hoạt động trinh sát. Ngay cả việc tiếp tế cho những toán biệt kích thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, được cho là đang còn hoạt động, cũng bị ngừng lại.
Ngày 25/5/1970 một số sĩ quan chủ trương giải cứu đã xin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ để trình bày kế hoạch. Lúc đầu, Bộ Quốc phòng Mỹ không đồng ý bởi vì sợ vi phạm lệnh cấm ném bom miền Bắc Việt Nam của Tổng thống, đồng thời lúc này Hoa Kỳ đang gặp rắc rối với việc đưa quân sang Campuchia. Hoa Kỳ cũng sợ rằng tốn kém nhân lực cho cuộc giải cứu sâu trong hậu phương của đối phương.
Tuy nhiên, những sĩ quan chủ trương việc giải cứu đã thuyết phục được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng họ chỉ sử dụng một lực lượng rất nhỏ quân đội đặc nhiệm và chiến dịch sẽ được tiến hành vào ban đêm để bảo đảm hoàn toàn bí mật.
Cuối cùng, các sĩ quan cũng đã thuyết phục được quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép tiến hành cuộc giải cứu. Cho đến lúc này, lực lượng biệt kích Hoa Kỳ hoạt động trong chiến tranh Việt Nam hầu như chưa gặp thiệt hại nào đáng kể, nên họ tin tưởng rất cao vào thành công của phi vụ. Tính bất ngờ sẽ là chìa khóa của thành công.
Kế hoạch của Hoa Kỳ là sử dụng khoảng 50 lính đặc nhiệm cho vụ tập kích. Nếu được tập hợp, đội này sẽ có thể sẵn sàng tập luyện từ ngày 15/7/1970.
Ngày 10/7/1970, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tổ chức một hội nghị, trọng tâm bàn về cuộc giải cứu. Hi vọng cứu được nhiều tù binh để mang lại niềm vui cho các gia đình quân nhân Mỹ cũng như mang lại tiếng nói cho Hoa Kỳ trên bàn hội nghị Paris thôi thúc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hành động.
Lúc này, theo tin tức tình báo Hoa Kỳ nắm được thì trại tù binh Sơn Tây có khoảng 61 tù binh.
(Còn tiếp)
Bình Nguyễn