Sau khi xác định sẽ tiến hành tập kích trại tù binh Sơn Tây để giải cứu con tin, 103 lính đặc nhiệm Hoa Kỳ được triệu tập để huấn luyện, đồng thời kế hoạch tập kích được tiếp tục xây dựng, bổ sung đến từng chi tiết để bảo đảm thành công. Trong lúc đó, một điều không ngờ là do hoạt động gây mưa nhân tạo của Mỹ, trại giam bị lụt lội và tù binh đã được chuyển đi nhưng tình báo Mỹ lại không nắm được điều này
Kế hoạch hoàn hảo
Kế hoạch tập kích giải thoát tù binh được tính toán rất kỹ càng, từ việc máy bay sẽ hạ cánh tại đâu, các lực lượng hỗ trợ hoạt động như thế nào, khả năng phản kích của các đơn vị bộ đội đóng quanh trại tù binh ra sao, và cuối cùng, những người xây dựng kế hoạch giải cứu kết luận rằng: cuộc giải cứu hoàn toàn có thể thành công. Theo tính toán, cuộc tập kích sẽ diễn ra trong vòng 26 phút và lâu nhất sẽ là 30 phút, thì tất cả các đơn vị bộ đội quanh đó chưa kịp phản ứng, còn lực lượng canh giữ tù binh, được cho rằng khoảng 20 người, thì đã bị những biệt kích và những tù binh Mỹ trong trại khống chế và tiêu diệt.
Vẽ ra một kế hoạch hoàn hảo, Hoa Kỳ tin rằng cuộc tập kích sẽ thành công, họ bước vào giai đoạn thứ hai là lựa chọn lực lượng và tập luyện phương án giải cứu.
Sau khi thuyết phục được những quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành cuộc giải cứu, lực lượng tham gia giải cứu được tập hợp và huấn luyện. Họ là hơn 100 sĩ quan, binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm mũ nồi xanh của quân đội Hoa Kỳ, có thể nói là những binh sĩ xuất sắc của quân đội Hoa Kỳ. Có người đã từng tham gia 345 trận đánh trong Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Việt Nam, trong đó có 275 lần tại Đông Nam Á. Họ sẵn sàng cho việc thực hiện nhiệm vụ vào cuối tháng 10, khi thời tiết tốt.
Một căn cứ quân sự rộng lớn nằm ở phía Bắc bang Florida được chọn làm nơi huấn luyện cho lực lượng giải cứu. Nơi đây có các địa hình, địa vật giống như khu vực Sơn Tây tại miền Bắc Việt Nam. Hoạt động của nhóm tập kích trại tù binh Sơn Tây từ đây được mang một cái tên mới, đúng hơn là một mật danh mới, là Chiến dịch Bờ Biển Ngà (Operation Ivory Coast).
Tại căn cứ quân sự Mỹ, một mô hình giống y như khu vực Sơn Tây cùng trại tù binh đã được xây dựng để cho nhóm giải cứu thực tập, trong đó quan trọng nhất là việc hạ máy bay trực thăng vào đúng sân trại để có thể triển khai việc giải cứu được nhanh nhất.
Lính biệt kích Hoa Kỳ trên máy bay trực thăng trong vụ tập kích Sơn Tây (Ảnh tư liệu)
Chiến tranh công nghệ cao và điều bất ngờ
Trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã xúc tiến những hoạt động kỹ thuật cao chẳng hạn như tiến hành các hoạt động gây mưa nhân tạo, nhằm lụt lội ở một số vùng tại Bắc Việt Nam và vùng biên giới Việt Nam-Lào.
Hoạt động gây mưa nhân tạo được hoàn toàn giữ bí mật, toàn bộ chương trình kéo dài từ tháng 3/1967 đến tháng 7/1972.
Việc gây mưa nhân tạo ở miền Bắc Việt Nam được cho là sẽ tạo ra những khó khăn cho các hoạt động vận tải tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam, cũng như gây ra những khó khăn về mặt kinh tế nông nghiệp cho miền Bắc.
Chiến dịch gây mưa nhân tạo này chỉ cho phép 1.400 viên chức người Mỹ được biết, trong số này gồm cả các phi hành đoàn và nhân viên yểm trợ. Nó được mang những mật danh khác nhau như “Chiến dịch Đồng hương'', “Chiến dịch Trung gian” và cuối cùng là "Chiến dịch Mở mắt”. Chương trình gây mưa nhân tạo đã thực hiện 2.602 chuyến bay và vận chuyển 47.409 đơn vị hóa chất lên máy bay để thực hiện gây mưa nhân tạo. Thời gian tiến hành từ tháng 3 đến tháng 11 hằng năm và trong một khu vực rộng lớn Bắc Việt Nam và Bắc Lào.
Trong năm 1970, chương trình gây mưa nhân tạo của Hoa Kỳ đã tạo ra những thay đổi đáng kể về lượng mưa tại miền Bắc. Mùa mưa năm đó, trời mưa như thác đổ tại vùng Bắc Lào và Bắc Việt Nam. Lượng mưa chỉ trong tháng 6 và tháng 7/1970 gần bằng lượng mưa của cả năm 1969. Khu vực Sơn Tây cũng phải chịu tình trạng lụt lội do chương trình gây mưa nhân tạo của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không ngờ rằng hoạt động gây mưa nhân tạo trong tháng 6/1970 đã vô tình làm cho khu vực trại tù binh Sơn Tây bị lụt và tở thành lý do trực tiếp dẫn đến việc buộc phải chuyển tù binh đi nơi khác.
Trong lúc những binh sĩ của Hoa Kỳ đang hào hứng bước vào tập luyện để chuẩn bị cho cuộc tập kích thì những tù binh ở Sơn Tây đã được chuyển đi nơi khác. Nhưng điều này không được thông báo cho bộ phận giải cứu mặc dù có những dấu hiệu rõ rệt là trại tù binh đã dừng hoạt động với những giếng nước cạn khô trong mùa Hè, sau đó là những cơn mưa lớn gây ra việc ngập lụt khu trại.
Đêm 14/6/1970, tù binh Mỹ ở Sơn Tây được di chuyển đến một địa điểm mới, cách địa điểm cũ khoảng 15 dặm về phía Đông, mà các tù binh Mỹ đặt tên cho trại này là “Trại Niềm Tin”. Địa điểm này thuộc khu vực Nhổn, giáp ranh huyện Hoài Đức và Nam Từ Liêm ngày nay.
Các tấm ảnh chính xác chụp được cho thấy từ giữa tháng 6, trại tù binh Sơn Tây có vẻ ít hoạt động hơn bình thường. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không quan tâm lắm đến việc này, kế hoạch của họ đã khởi động và vẫn tập trung miệt mài huấn luyện lực lượng giải cứu.
Miệt mài luyện tập, tính toán kỹ càng
Trong lúc đó, các lực lượng tham gia giải cứu vẫn miệt mài tập luyện với đủ các loại máy bay trực thăng cũng như máy bay chiến đấu, ban ngày cũng như ban đêm. Riêng lực lượng đặc biệt tham gia tập kích đã phải tập dượt 1.017 giờ bay để để bảo đảm việc bay đến mục tiêu nhanh nhất cũng như an toàn nhất.
Các binh sĩ tham gia giải cứu được huấn luyện theo một chương trình đặc biệt để bảo đảm hoạt động nhanh gọn, thống nhất vào ban đêm. Các toán biệt kích cũng như các máy bay trực thăng thực hành nhiều phương án đổ bộ trực tiếp vào sân trại, các máy bay hỗ trợ đổ bộ vào bên ngoài, để ngăn chặn lực lượng ứng cứu của bộ đội miền Bắc nếu có. Tổng cộng các máy bay trực thăng đã có 170 lần thực tập hạ cánh xuống trại tù Sơn Tây, chủ yếu vào ban đêm.
Từ cuối tháng 9, mỗi ngày, nhóm giải cứu thực hành 3 cuộc đổ bộ trực thăng ban ngày và 3 cuộc vào ban đêm với thời gian tính toán chi tiết đến từng giây. Các phương án cũng được dự kiến thật chi tiết, kiểu như trong trường hợp một số tù binh bị tâm thần do bị "đày đọa" trong nhà tù sẽ la hét khi được giải cứu thì các binh sĩ sẽ phải xử lý như thế nào. Các phương án lực lượng tập kích bị miền Bắc sớm phát hiện và tiến công cũng được đặt ra. Các máy bay trực thăng được chọn là loại HH 53, được trang bị những vũ khí nhỏ gọn nhưng có uy lực để phục vụ cho cuộc tập kích, nhất là việc bắn hạ những chòi gác của trại giam. Các trực thăng được tập luyện bay sát mái nhà, một số trực thăng thực tập rọi đèn pha ban đêm trong điều kiện thiếu ánh sáng. Riêng chiếc máy bay hạ cánh trong sân trại giam được chọn là loại HH.3, nhỏ gọn hơn để tránh cây cối cũng như các hàng rào, dây phơi quần áo trong trại.
Công tác hậu cần cho chuyến giải cứu tiếp tục được hoàn thiện đến từng chi tiết. Các ống thuốc mê sẽ được sử dụng trong trường hợp các tù binh la hét, giãy dụa. Dụng cụ sơ cứu được chu cấp đầy đủ trong trường hợp tù binh bị chấn thương. Thậm chí đến cả các loại giày dép phù hợp cho tù binh đi, các loại chăn mền để giữ ấm cho tù binh, các loại bộ đồ ngủ và áo choàng cho tù binh, thức ăn mềm cho tù binh... Nhiều thứ trong số này phải đặt sản xuất riêng từ các quốc gia thứ ba để che giấu bớt việc Hoa Kỳ có hoạt động quân sự sau ngày 1/ 11/1968 tại miền Bắc, vi phạm lệnh cấm của Tổng thống Hoa Kỳ.
Hai máy bay tải thương C.141 được chuẩn bị sẵn sàng để chăm sóc sức khỏe tù binh sau khi cứu được. Cho đến trược khi khởi hành, các phi công cũng không biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ gì.
Các phương tiện để hỗ trợ việc giải cứu như đen xì axetylen, kìm phá cửa, cưa máy cầm tay, máy ảnh để chụp lại thực trạng giam giữ tại nhà tù, các thiết bị chữa cháy, pháo sáng, thuốc nổ dùng để phá cửa, thậm chí đến cả nút bịt tai cho lính biệt kích để họ khỏi bị giảm thính lực khi bay trên trực thăng cũng như khi sử dụng thuốc nổ để phá cửa trại giam... cũng được chuẩn bị. Lính biệt kích cũng được trang bị ống ngắm hồng ngoại vào ban đêm để bảo đảm tiêu diệt được mục tiêu chính xác và nhanh nhất. Các máy truyền tin cũng được trang bị cho lực lượng tập kích để có thể gọi máy bay chiến đấu đến điểm hộ họ trong trường hợp bị quân đội miền Bắc tiến công.
Tổng cộng lực lượng biệt kích trực tiếp tham gia cuộc giải cứu là 56 người. Tuy nhiên, có một lực lượng hỗ trợ hùng hậu chưa từng có cho một cuộc giải cứu được huy động mà ngay cả lính biệt kích tham gia giải cứu cũng không được biết.
(Còn tiếp)
Bình Nguyễn