"Tập kích kết thúc, không thấy tù binh" có lẽ là những từ mà giới chỉ huy quân sự Mỹ không muốn nghe vào sáng sớm ngày 21/11/1970, tuy nhiên, nó là sự thật phũ phàng mà họ phải đối diện sau khi đổ bộ xuống trại tù binh Sơn Tây. Tất cả đều hoàn hảo, chỉ có điều mục tiêu cuộc tập kích không đạt được
Quyết định tập kích và sự thật bẽ bàng
Ngày 6/10/1970, lực lượng tập kích tập dượt lần cuối với việc sử dụng đạn thật. Kết quả cuộc tập dượt thật hoàn hảo và Hoa Kỳ tin rằng việc giành chiến thắng trong cuộc tập kích là gần như tuyệt đối.
Thời gian tập kích được báo cáo lên Bộ Quốc phòng, CIA và được dự kiến tiến hành khoảng từ 20 đến ngày 25/10/1970. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, nó được dời lại 1 tháng sau đó.
Ngày 18/11/1970, kế hoạch giải cứu được báo cáo lần cuối cùng lên Tổng thống Mỹ Nixon. Kế hoạch giải cứu được cho là sẽ thắng lợi đến 97% dựa trên các yếu tố bất ngờ, nhanh chóng và đơn giản. Mọi việc đã được tập luyện kỹ càng lên đến hàng trăm lần. Các tin tức tình báo theo dõi hoạt động của lực lượng phòng không, không quân miền Bắc cũng đã được báo cáo để bảo đảm cuộc tập kích được thành công nhất. Tổng thống Nixon được báo cáo là lúc này, trại Sơn Tây đang giam giữ 70 tù binh Mỹ, trong đó có 61 người đã được xác định danh tính đầy đủ.
Vào ngày 19/11, lực lượng tập kích đã được chuyển đến sân bay Tắc Ly ở tại Thái Lan. Lúc này, việc theo dõi thời tiết tại miền Bắc nhất là tại khu vực Sơn Tây được giám sát hết sức chặt chẽ và cho kết quả là thời điểm thời tiết đẹp nhất chỉ có đêm 20 rạng ngày 21/11/ 1970, trước khi thời tiết trở lên xấu.
Hoa Kỳ cuối cùng đã quyết định sẽ tiến hành tập kích và giữa những ngày từ 21 đến 25/11/1970, là thời điểm thời tiết thuận lợi nhất. Nếu không, mọi việc sẽ phải dời lại vào tháng 3 năm sau.
Ngày 14/11, những tin tức tình báo về một số tù binh bị chết do bệnh tật càng thôi thúc Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập kích.
Để phối hợp với cuộc tập kích, Hoa Kỳ đã xây dựng kế hoạch cho phép các máy bay chiến đấu được hoạt động trở lại trên vùng trời miền Bắc trong thời điểm diễn ra tập kích. Tuy nhiên các máy bay này thay vì ném bom, thì chỉ được thả pháo sáng chứ hoàn toàn không được ném bom hay bắn tên lửa cho dù có bị tấn công.
Các máy bay này sẽ xuất phát từ 3 tàu sân bay vẫn còn đang hoạt động ở ngoài Vịnh Bắc Bộ. Chiến dịch nghi bình đánh lạc hướng của không quân Mỹ có vẻ đã thành công khi không quân miền Bắc đã không ra lệnh cho những máy bay MIG cất cánh lên để tiến công những máy bay Mỹ. Radar thì không phát hiện những máy bay trực thăng bay thấp vào mục tiêu.
Lính biệt kích Hoa Kỳ trước giờ tiến hành vụ tập kích Sơn Tây (Ảnh tư liệu)
Đúng 2 giờ 18 phút ngày 21/11/1970, các trực thăng trong đội giải cứu của biệt kích Hoa Kỳ đổ bộ vào khu vực trại tù binh Sơn Tây. Để mọi việc thuận tiện hơn, máy bay C.130 dẫn đường và sau đó đã thả hỏa châu sáng rực khu vực mục tiêu.
Lúc này, tại Hải Phòng, máy bay Mỹ đã thả hỏa châu rực sáng thành phố cảng trong một hoạt động nghi binh, tập trung sự chú ý của phòng không, không quân miền Bắc.
Ngay khi đến mục tiêu, một máy bay trực thăng HH. 53 đã ngay lập tức bắn phá các vọng gác của nhà tù. Những vọng gác bị bắn phá tan tành và sụp đổ ngay tức khắc. Sau đó, chiếc máy bay này bay cách mục tiêu 1,5 dặm và hạ cánh xuống một thửa ruộng để chờ việc hỗ trợ các toán biệt kích giải cứu nếu bị tấn công.
Chiếc trực thăng HH. 3 chở toán biệt kích hạ cánh vào sân trại, cánh quạt đã quét phải những cây to trong sân trại. Những cây to này trong những bức không ảnh thời tháng 6/1970 còn khá bé, nhưng sau vài tháng, nó đã tốt lên một cách không ngờ đến. Chiếc trực thăng bị hỏng và rơi xuống sân trại giam.
Máy bay va chạm mạnh đã làm một nhân viên trong toán biệt kích bị vỡ cổ chân. Một nhân viên khác bị bắn ra khỏi máy bay, mặc dù theo kế hoạch, anh ta không phải là người phải nhảy ra trước tiên.
Một lính biệt kích cầm loa nhảy ra khỏi máy bay và ngay lập tức bấm vào loa phóng thanh. Quỳ dưới đất, lính biệt kích này bắt đầu phát thanh với giọng bình tĩnh: “Chúng tôi là người Mỹ. Xin các anh cúi xuống. Chúng tôi là người Mỹ. Đây là một cuộc giải cứu. Chúng tôi đến đây để cứu các anh thoát ra khỏi chỗ này. Yêu cầu tất cả cúi đầu xuống nằm xuống sàn nhà. Chúng tôi sẽ vào phòng giam của các anh trong vài phút nữa”.
Tiếng loa phong thành vang lên rõ ràng trong khu trại, nhưng tất cả đều im lặng.
13 thành viên còn lại trong toán biệt kích chia nhau chạy đến các phòng giam và khu nhà ở cổng trại.
Tiếng loa phóng thanh vẫn tiếp tục gióng lên : “Chúng tôi là người Mỹ. Chúng tôi đến đây để cứu các anh”.
Một toán biệt kích yểm trợ đã đổ bộ an toàn xuống ngoài doanh trại trước đó cũng đã đến nơi.
Tuy nhiên, một trực thăng với 21 người, là toán đông nhất, đã đổ bộ nhầm xuống một khu trường học cách mục tiêu hơn 400 m.
Tại trường học này, toán biệt kích phát hiện một số người và trong một vài phút, đã bắn chết hết số người này và đốt cháy khu trường học bằng các khẩu súng phun lửa cỡ nhỏ. Báo cáo sau này cho biết, đó là 5 cán bộ đang an dưỡng tại một cơ sở cũ của Trường Đảng tỉnh Hà Tây.
Ngay sau đó, trực thăng đã bốc toán lính đổ bộ nhầm quay trở lại khu vực trại giam Sơn Tây, phá hủy một số mục tiêu xung quanh trại giam, trong đó có một chiếc cầu để phòng việc lực lượng ứng cứu đến. Toán biệt kích cũng đã sát hại một số người dân trong khu vực khi họ còn đang ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong đó có vợ con ông Lê Việt Tiến, Phó Trưởng Ty Công an Hà Tây.
Trong trại giam, toán biệt kích đấu súng với lực lượng bảo vệ và nhanh chóng tiêu diệt lực lượng này. Do tù binh đã chuyển đi hết, bảo vệ trại giam lúc này chỉ còn 6 người, được trang bị 1 khẩu súng AK, nên hoàn toàn không phải đối tượng của biệt kích Mỹ.
Chiếc trực thăng bị biệt kích Hoa Kỳ phá hủy, bỏ lại tại Sơn Tây (Ảnh tư liệu)
Sau 10 phút cuộc đột kích diễn ra, lực lượng hành động báo cáo rằng không tìm thấy một tù binh nào. Họ đã hoàn toàn kiểm soát khu trại. Trại tù binh Sơn Tây hoàn toàn trống rỗng. Những biệt kích mang theo máy ảnh khẩn trương chụp những bức ảnh để lấy bằng chứng về việc giam giữ tù binh của miền Bắc.
Các lính biệt kích được lệnh nhanh chóng rút lui. Các máy bay trực thăng hạ cánh xuống để bốc các lính biệt kích. Trong sân trại, lính biệt kích tiến hành phá hủy chiếc trực thăng HH.3 đã bị hư hỏng. Một quả mìn hẹn giờ phá hủy chiếc trực thăng sau 6 phút toán biệt kích rời khỏi hiện trường.
Lực lượng phòng không miền Bắc đã phản ứng với việc bắn các tên lửa đất đối không lên bầu trời. Tuy nhiên, các tên lửa này không nhằm vào các toán biệt kích, mà nhằm vào các phi đội F.105, F.4 và A.1, là lực lượng nghi binh, hỗ trợ của tập kích. Tổng cộng đã có 18 tên lửa được khai hỏa và 1 chiếc F.105 bị bắn rơi, một chiếc F.105 khác bị hỏng. Các phi công Mỹ nhảy dù sang đất Lào và được cứu thoát.
27 phút kể từ khi bắt đầu cuộc tập kích, các trực thăng đã cất cánh và bay về hướng biên giới Lào- Việt. Cuộc tập kích kết thúc.
Cuộc tập kích vào trại tù binh Sơn Tây được tiến hành nhanh chóng và dữ dội, yếu tố bất ngờ đã hoàn toàn đạt được, việc kiểm soát các mục tiêu đã được tiến hành nhanh gọn, việc bắn phá thật chính xác, các phản ứng của lực lượng vũ trang miền Bắc khá yếu ớt và tất cả lực lượng biệt kích đều rút lui an toàn.
Chỉ có điều không có một tù binh nào được cứu thoát và một chiếc trực thăng HH.3 bị hỏng và buộc phải phá hủy tại mục tiêu.
Tất cả 56 lính biệt kích đã rút lui an toàn ra khỏi khu vực mục tiêu.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam và Đông Dương, biệt kích Hoa Kỳ đã hàng chục lần đổ bộ vào lãnh thổ đối phương quản lý để giải cứu tù binh. Từ giữa năm 1966 đến năm 1970, đã có 91 vụ giải cứu được thi hành, trong 91 phi vụ này, tổng cộng có 20 phi vụ thành công, giải thoát được 318 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa và 60 nhân viên dân sự. Chỉ có một cuộc tập kích thành công giải cứu được quân nhân Mỹ thuộc binh chủng lục quân L.D. Ikent vào ngày 10/7/1969 tại một trại giam của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng sau đó 15 ngày, binh sĩ này đã chết tại bệnh viện.
Sau cuộc tập kích Sơn Tây, Hoa Kỳ còn tiếp tục tiến hành 28 cuộc tập kích giải cứu tù binh vào vùng giải phóng ở Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, nhưng cuộc tập kích Sơn Tây là cuộc tập kích có quy mô lớn nhất. Hoa Kỳ đã huy động trên 100 máy bay các loại, gồm C.130, trực thăng HH.53, trực thăng HH.3, F.4, F.105, A1, máy bay vận tải tiếp dầu, máy bay vận tải C. 141 tải thương…với sự phối hợp của lực lượng không quân trên 3 tàu sân bay tại Vình Bắc Bộ. Chiến dịch diễn ra trên không phận rộng lớn của miền Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan lên đến 300.000 km2.
Mặc dù không đạt được mục tiêu giải cứu tù binh, nhưng Hoa Kỳ vẫn cho rằng cuộc giải cứu không đến nỗi quá tệ. Các phương án chiến thuật đều được thực hành xuất sắc, phá hủy được một số cơ sở vật chất và áp chế được sự kháng cự, dù là không đáng kể, của đối phương dưới mặt đất. Thành công của cuộc giải cứu được ca ngợi là tiến công vào mục tiêu sâu trong lãnh thổ miền Bắc mà lực lượng tập kích không có thiệt hại về người.
Cho đến giờ này, nhiều giả thiết về việc tù binh được chuyển đi trước khi cuộc tập kích diễn ra vẫn còn là một ẩn số. Nguyên nhân trực tiếp được cho là lụt lội, gây ra bởi chương trình làm mưa nhân tạo của Hoa Kỳ, đã buộc phải di chuyển tù binh đến nơi an toàn hơn. Có vẻ đây là nguyên nhân hợp lý vì chưa bao giờ, trong tháng 6, miền Bắc lại chịu khối lượng mưa lớn đến như vậy.
Cũng có ý kiến cho rằng, do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nắm được tin tức Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ tập kích trại Sơn Tây để giải cứu tù binh, nên đã di chuyển tù binh đi nơi khác và để lại một lực lượng phục kích. Nhưng do chờ lâu quá, nghĩ rằng Hoa Kỳ bỏ cuộc, lực lượng này đã rút đi. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn thiếu sức thuyết phục khi không phải lúc nào miền Bắc cũng có cơ hội phục kích biệt kích Hoa Kỳ như thế và có thể giành thắng lợi trong một sự kiện có tiếng vang lớn. Hỏa lực của lực lượng bảo vệ trại duy nhất chỉ có một khẩu AK, còn lại là vài người không vũ trang, cho thấy cuộc tập kích đã đạt được yêu cầu bí mật, bất ngờ đối với lực lượng vũ trang miền Bắc.
Tuy nhiên, điều bất ngờ lớn nhất đến với phía Hoa Kỳ khi kế hoạch giải cứu chi tiết, nỗ lực tập luyện công phu, thực hiện hoàn hảo đến từng chi tiết, thời gian đúng đến từng giây phút, sự hào hứng lên đến cao độ, nhưng chỉ còn lại những căn phòng trống rỗng.
Tháng 3/1973, những tù binh phi công Mỹ cuối cùng đã được giải cứu, nhưng không phải bằng trực thăng và những toán biệt kích đặc nhiệm đến giữa đêm khuya, mà bằng con đường ngoại giao và trở về từ sân bay Gia Lâm, sau khi Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các bên tham chiến ký kết Hiệp định Paris. Tổng cộng đã có 591 tù binh Mỳ được trao trả. Nhiều người trong số họ, bằng phương thức bí mật, cũng đã biết họ có thể đã được giải cứu một cách ngoạn mục từ gần 3 năm trước đó, nhưng mọi thứ không như tính toán, dù hoàn hảo đến đâu.
Bình Nguyễn