Đầu tháng 4/1975, trước nguy cơ chế độ Sài Gòn sụp đổ, bản báo cáo của Tướng Weyand trình Tổng thống Gerald Ford, cho thấy Hoa Kỳ đã nhận định tình hình, đánh giá chủ trương của ta cũng như xem xét các khía cạnh tham chiến trở lại
Ngày 24/3/1975, Tổng thống Gerald Ford chỉ thị cho Tướng Fred C. Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ xây dựng một văn bản đánh giá tình hình chung của Nam Việt Nam.
Ngày 4/4/1975, Tướng Weyand đã có báo cáo lên Tổng thống Hoa Kỳ;
Trong bản báo cáo, Tướng Fred C. Weyand có một phần nói về kế hoạch và chủ định của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như sau:
“Các chủ định của Bắc Việt Nam thì khó mà nhận thấy và các bước tiến kế tiếp có lẽ đang là đề tài cho sự thảo luận tích cực hiện giờ đang được thực hiện bởi Bộ Chính trị Đảng Lao động tại Hà Nội. Từ những gì chúng ta thấy khiến ta nghĩ rằng Hà Nội đang cân nhắc giữa hai giải pháp chọn lựa bao quát:
a, Thực hiện một nỗ lực tối đa để khai thác các thành công chiến thuật gần đây và đẩy lợi thế chiến trường hiện tại của quân đội Bắc Việt vào một nỗ lực toàn diện để đánh sụp chính phủ Việt Nam Cộng hòa và loại trừ nó như một thực thể chính trị hoạt động.
b, Củng cố các thắng lợi gần đây và cố gắng giành đoạt một hay hai chiến thắng quan trọng nữa như đánh tan Sư đoàn 25 lục quân Việt Nam Cộng hòa hoặc chiếm giữ được Tây Ninh, sau đó kêu gọi các cuộc thương thảo theo những điều kiện không khác gì hơn sự đầu hàng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, hoạch định để cố gắng một lần nữa sự chiến thắng quân sự sau này trong năm 1975 hay 1976 nếu chính phủ Việt Nam không bị áp lực về mặt chính trị đi đến việc chấp nhận một số hình thức chính phủ liên hiệp sẽ giao cho phe cộng sản sự kiểm soát chính trị trên thực tế tại Nam Việt Nam”[1].
Báo cáo của Tướng Fred C. Weyand cũng cho biết: Kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết trong năm 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang gia tăng các năng lực quân sự của họ tại Nam Việt Nam thông qua một sự cải thiện liên tục hệ thống hạ tầng tiếp vận (các đường lộ, lối , các nhà kho cất trữ ở cả Lào lẫn Nam Việt Nam) và một sự thâm nhập liên tục các đồ tiếp liệu, trang bị và binh sĩ vào miền Nam Việt Nam.
Tướng Weyand (bên phải) tại miền Nam Việt Nam (Ảnh tạp chí LIFE)
Trong mùa Hè năm 1974, những cố gắng của Việt Nam Cộng hòa đã làm giảm bớt phần nào sự tăng cường lực lượng và trang bị của miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Triển vọng miền Nam có thể càng ngày càng vững mạnh hơn, có thể đứng trên đôi chân của mình. Tuy nhiên, đúng lúc đó, tại Hoa Kỳ, sự ủng hộ của Quốc hội đối với việc trợ giúp cho Nam Việt Nam lại bắt đầu sụt giảm. Sự sụt giảm viện trợ đó ngay lập tức ảnh hướng đến tình hình chiến cuộc. Việc tiếp vận nhân lực và vật lực từ miền Bắc và từ đó các năng lực của quân đội Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam bắt đầu tăng cao trong nửa phần sau của năm 1974. Nhịp độ gia tăng mạnh kể từ đầu năm 1975 đã gia tăng mạnh trong tháng 2 và tháng 3 và giờ đây đang vận hành ở tốc độ tối đa.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc chắn đã hoạch định một mức độ đáng kể cho hoạt động tấn công trong mùa Xuân năm 1975. Nhìn lại chiến dịch đợt 1 hồi tháng 1 (Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm tỉnh Phước Long) là sự kiện được xem là một sự trắc nghiệm rằng liệu Hoa Kỳ sẽ phản ứng hay không.
Tiếp đó, miền Bắc đưa vào miền Nam những đơn vị trừ bị chiến lược và mở cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột với hai sư đoàn Quân đội Bắc Việt (một sư đoàn được chuyển xuống miền Nam là thuộc lực lượng trừ bị chiến lược của Hà Nội). Việt Nam Cộng hòa đã không thể tái chiếm Buôn Ma Thuột. Hoa Kỳ thì cũng không có phản ứng mạnh mẽ gì hơn và như vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thấy rằng Hoa Kỳ thì quá bận rộn với các vấn đề khác để phản ứng một cách thích đáng đối với các hoạt động đẩy mạnh tiến công của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.
Các chỉ thị chính thức của Đảng Lao động Việt Nam được đưa ra trong tháng 1 và tháng 2 và ngay cho đến tuần lễ thứ ba của tháng 3 cho thấy rằng ít nhất các mục tiêu ban đầu của chiến dịch năm 1975 là điều gì đó ít hơn một chiến thắng toàn diện trong tương lai gần, thí dụ như giải phóng thêm một phần lãnh thổ (có lẽ bao gồm sự chiếm giữ thành phố Tây Ninh), quấy rối và làm tiêu hao quân đội Việt Nam Cộng hòa và tạo áp lực toàn diện nặng nề lên chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Mục tiêu chính của chiến dịch này rõ ràng sẽ là việc đòi hỏi các sự thương thuyết dẫn đến một chính phủ Liên hiệp và nếu việc như thế không xảy ra, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể tung ra một cuộc tiến công để giành thắng lợi cuối cùng trong năm 1976.
Các mục tiêu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể leo thang đến đâu hay sự khát khao của họ đã được kích thích bởi các biến cố trong tháng qua tại Nam Việt Nam và tại Hoa Kỳ thì không thể nói được, đặc biệt bởi ngay Hà Nội cũng không có thì giờ để “tiêu hóa” các sự phát triển gần đây nhất. Theo đó, nhân lực và vật lực đang đổ dồn từ miền Bắc xuống miền Nam và nhiều khả năng quân giải phóng miền Nam sẽ đẩy mạnh cuộc chiến nếu tình hình tiếp tục diễn tiến thuận lợi cho họ.
Cũng trong báo cáo này, Tướng Fred C. Weyand cho rằng việc sử dụng không lực quân sự Hoa Kỳ để tăng cường các khả năng phòng vệ của Nam Việt Nam, làm chậm bước tiến các đoàn quân giải phóng, giúp Việt Nam Cộng hòa đứng vững, bảo vệ được những vùng đất còn lại. Tuy nhiên, Tướng Weyand cũng thừa nhận rằng, nếu Hoa kỳ làm thế, sẽ gặp phải những rắc rối về pháp lý và chính trị trên trường quốc tế và ngay cả tại Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ thực hiện chiến dịch di tản khỏi miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Báo cáo cũng đề cập đến việc cần thiết trước mắt là việc lập một cầu hàng không di tản khoảng 6.000 người Mỹ, người nước ngoài và hàng chục nghìn người dân Việt Nam có liên hệ với Mỹ cần được bảo vệ. Tướng Fred C. Weyand cũng nói rằng việc tiến hành di tản phải được thông báo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để cho hỏa lực của quân giải phóng, lúc này đã áp sát Sài Gòn, không làm khó dễ cho cuộc di tản đó.
Tướng Fred C. Weyand cũng thừa nhận rằng, quân giải phóng đã được tăng cường lực lượng đặc biệt là vũ khí nặng vũ khí phòng không và quân số tại miền Nam. Trong khi đó, năng lực chiến đấu của quân lực Việt Nam cộng hòa đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau Hiệp định Paris. Theo đó, số đạn dược tại chỗ sụt giảm 30%, từ gần 179.000 tấn vào lúc ngừng bắn (01/1973) xuống còn gần 126 nghìn tấn (4/1975). Các sự thiếu hụt nhiên liệu và đồ phụ tùng đã cắt giảm các hoạt động của không lực Nam Việt Nam khoảng 50%[2]
Báo cáo cũng nhận định rằng, việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút bỏ vùng I vùng II để tập trung phòng thủ vùng III và vùng IV cùng đồng bằng duyên hải của vùng I và vùng II, nơi đông dân là có cơ sở. Báo cáo viết: “Chiến lược này thì có vẻ vững chắc trong khái niệm và sự ước lượng của ông Thiệu về sự cần thiết của nó. Tuy nhiên sự thi hành của nó lại là một thảm họa”[3].
Ý tưởng Weyand muốn nói đến cuộc rút chạy thảm họa khỏi Cao Nguyên trên liên tỉnh lộ 7B cuối tháng 3/1975, khiến cho lực lượng Quân đoàn I bị tiêu diệt và tan rã hầu như toàn bộ.
Bản báo cáo cũng ước tính những thiệt hại to lớn của quân lực Việt Nam Cộng hòa trongba tháng đầu năm 1975. Theo tính toán, Hoa Kỳ cần phải viện trợ khẩn cấp 722,2 triệu USD trong vòng 45 ngày cho Việt Nam Cộng hòa để củng cố sức mạnh phòng thủ.
Tuy nhiên, tất cả những tính toán, dự định mà báo cáo đưa ra cuối cùng đã không thực hiện được. Hoa Kỳ đã không đánh giá đúng quyết tâm của quân và dân ta. Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá tình hình, Đảng ta đã chủ trương giải phóng miền Nam ngay trước mùa mưa năm 1975. Chớp thời cơ thuận lợi, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã anh dũng xốc tới, với quyết tâm và tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mãnh liệt, giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Không ai nghĩ Việt Nam Cộng hòa lại sụp đổ nhanh như thế và cuối cùng người Mỹ đã quyết định không có hành động can thiệp quân sự trở lại nào. Không có ném bom B.52 trở lại, Tàu sân bay USS Hancock (CV/CVA-19) cùng với 300 lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp cận Nam Việt Nam, nhưng chỉ để hỗ trợ chiến dịch di tản. Hoạt động cuối cùng của người Mỹ, đúng như báo cáo của Tướng Weyand, là lập cầu không vận, di tản người Mỹ, người nước ngoài và những người Nam Việt Nam làm việc cho họ trong ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn thất thủ.
Lê Minh
[1] Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông: Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng - phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 28.
[2] Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông: Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng - phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa, Sđd, tr. 32.
[3] Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông: Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng - phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa, Sđd, tr. 34.