Năm 2003, Hoa Kỳ tiến đánh Iraq lần thứ hai, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Husein. Cái cớ Hoa Kỳ tiến công Irag là buộc tội Chính phủ Iraq tàng trữ và phát triển vũ khí hóa học chống loài người. Nhưng dù có bới tung cả Iraq lên, người ta cũng chẳng tìm thấy vũ khí hóa học, vì đó chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh, cũng như trước đó 39 năm, Hoa Kỳ đã dựng lên cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ tiến công Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đổ quân vào miền Nam Việt Nam
Ngày 2/8/1964, hải quân và không quân Mỹ xâm phạm Vịnh Bắc Bộ. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình, Hải quân nhân dân Việt Nam cho 3 tàu phóng lôi tiến công, xua đuổi tàu Maddox ra khỏi lãnh hải Việt Nam.Tàu khu trục Maddox đã bắn hỏng 3 tàu chiến của Việt Nam, gây thương vong cho 10 chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Ngày 4/8/1964, Hoa Kỳ tiếp tục cho 2 tàu khu trục tiến sâu vào Vịnh Bắc Bộ và trong một đêm mưa bão, họ tưởng tượng ra một cuộc tiến công trả đũa của Hải quân nhân dân Việt Nam, rồi công bố nó như là một dữ kiện có thật. Sau đó, Tổng thống Lyndon Johnson và Chính phủ Mỹ đã gọi "trận hải chiến" hư cấu này là "Gulf of Tonkin incident" (Sự kiện Vịnh Bắc Bộ).
Ngày 5/8/1964, từ Thủ đô Whasington, Tổng thống Jhonson phát biểu: “Quyết tâm của Hoa Kỳ là thựch iện cam kết tiếp tục giành sự ủng hộ tuyệt đối cho chính phủ miền Nam Việt Nam ngày càng được nhân thêm bởi sự kiện giận dữ này. Trong khi đó, phản ứng của chúng ta trước tình hình này lại giảm dần. Chúng ta thừa biết xung đột đang lan nhanh, vậy mà chúng ta chưa mở rộng phạm vi chiến tranh”.
Tổng thống Mỹ Jhonson phát động cuộc chiến tranh chống Việt Nam, ngày 5/8/1964,
sau khi dựng lên Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (Ảnh tư liệu)
Ngày 7/8/1964, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á, Luật 88-408 (thường được gọi dưới cái tên Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ), sau khi Chính phủ Mỹ công bố cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" 3 ngày trước đó, mở đường cho Tổng thống Jonshon tiến hành cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Những tài liệu được mật sau này cho thấy Quốc hội Hoa Kỳ đã bị phe diều hâu trong Chính phủ lừa dối, đưa Hoa Kỳ lao sâu và sa lầy vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa.
"Sự kiện Vinh Bắc Bộ" trở thành lời biện hộ cho cuộc chiến của giới diều hâu Mỹ, và thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á, tạo cơ sở pháp lý theo luật pháp Hoa Kỳ để leo thang chiến tranh xâm lược, đổ quân vào cứu nguy chính quyền đồng minh tại Nam Việt Nam đang lung lay và trên đà sụp đổ.
Vụ lừa dối về “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" được chính người Mỹ lần lượt làm rõ theo các mốc thời gian sau đây:
Năm 1981, nhà báo Robert Scheer kiểm tra, đối chiếu lại nhật ký hàng hải của thuyền trưởng Herrick trên tàu chiến USS Maddox DD-731 với báo cáo của ông về một vụ “đột kích rõ ràng” của Hải quân nhân dân Việt Nam, thì phát hiện ra trong nhật ký hàng hải của con tàu vốn không có ghi lại sự kiện đó.
Năm 2001, chính phủ Mỹ đã bạch hóa một cuốn băng ghi âm, trong đó tổng thống Lyndon B. Johnson khi nói chuyện riêng với các cộng sự vào năm 1965 đã gián tiếp thừa nhận không có tàu chiến Việt Nam nào xuất hiện gần hải quân Mỹ trong ngày 4/8/1964. Johnson nói đùa: “Theo tất cả những gì tôi biết, hải quân của chúng ta đã bắn vào cá voi ở đó.”
Trong phim tài liệu Mỹ The Fog of War (Khói lửa chiến tranh) năm 2003, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara thừa nhận “cuộc tiến công của Bắc Việt” trong ngày 4/8/1964 là chưa bao giờ xảy ra.
Các giải mật khác sau này, trong đó có một báo cáo năm 2005 của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ/Cục An ninh Trung ương (National Security Agency/Central Security Service - NSA/CSS) khẳng định cuộc tấn công đêm 4/8/1964 là không có thật.
Tháng 10/2005, Thời báo New York (New York Times) đã cho biết ông Robert J. Hanyok, chuyên viên sử học của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), đã kết luận rằng cơ quan này đã từng cố tình bóp méo các báo cáo tình báo với ngành lập pháp (Quốc hội) về sự kiện Vịnh Bắc Bộ.
Cựu Phó Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA Ray Cline, trả lời phỏng vấn cho biết: "Vào thời điểm đó, tôi không dám chắc sự kiện thứ hai (Cuộc tiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam vào hai tàu khu trục Mỹ) có xảy ra hay không. Mãi đến nhiều ngày sau, một số báo cáo có liên quan cho thấy sự kiện này là vô căn cứ, không liên quan đến sự kiện thứ nhất (Cuộc tiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam vào khu trục hạm Maddox ngày 2/8/1964). Đấy chỉ là là những tin tức phân tích của cơ quan tình báo”. Sau này người ta mới biết rằng, những tín hiệu mơ hồ về một cuộc tiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam thực ra là tác động của một cơn bão lớn trên Vịnh Bắc Bộ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Mc Namara trình bày về vụ việc xảy ra trong Vịnh Bắc Bộ ngày 4/8/1964 trong cuộc họp báo nửa đêm tại Lầu Năm Góc (Ảnh tư liệu)
Tháng 1/2008, Hiệp hội các Nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS) cho biết NSA đã giải mật bản báo cáo “Spartans in Darkness” (Người Xpác-tơ trong Bóng tối), trong đó khẳng định Hải quân nhân dân Việt Nam không hề tấn công hai tàu chiến Hoa Kỳ trong đêm 4/8/1964.
Ngày 14/7/2010, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ và Thượng nghị sĩ John Kerry (từng là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ), chủ tịch Ủy ban, đã công bố 1.165 trang hồ sơ được giải mật về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tài liệu cho thấy, một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thời đó đã phản đối hoặc thắc mắc về việc họ bị vô hiệu hóa, bị thông tin sai lệch từ chính phủ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Hồ sơ được giải mật là bản ghi các cuộc điều trần và các cuộc họp trong hai năm 1967-1968, do chuyên gia sử học của Thượng viện Hoa Kỳ là D. Ritchie ghi lại.
Trong một phiên họp khác, Thượng nghị sĩ Al Gore (cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ) cảnh báo: “Nếu đất nước này bị lừa dối, nếu Ủy ban này, Quốc hội này cùng bị lừa dối vì bị người ta dựng lên một sự kiện không có thật để tiến hành một cuộc chiến tranh làm hàng ngàn thanh niên bị chết vô nghĩa, và còn nhiều ngàn người nữa bị tàn tật suốt đời, thì đất nước đó đã mất đi uy tín, đạo đức, vị thế trên thế giới, và hậu quả sẽ rất nặng nề”.
Tất cả các bằng chứng, các hồ sơ được giải mật đó đã cho thấy rằng cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vốn đã xuất phát từ một cơ sở dối trá, trước khi Mỹ đổ hàng trăm nghìn quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam. Sự dối trá này cộng với nhiều báo cáo dối trá khác đã bộc lộ sau chiến dịch Mậu Thân đã làm cho giáo sư Tiến sĩ sử học Mỹ Larry Berman phải nói: "Toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá".
Như vậy, các hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 1965-1973, là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, lừa dối Quốc hội, và sử dụng quân đội Mỹ ở Việt Nam một cách bất hợp pháp. Có lẽ vì vậy mà cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam mới bị nhân dân Mỹ chống đối với mức độ cao như thế, nhất là trong giới trí thức, luật gia.
Phong trào chống Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ có tầm vóc quy mô và có sức lan tỏa hơn hẳn so với các cuộc chiến khác của Mỹ. Nhiều người Mỹ mơ hồ nhận ra đây là một cuộc chiến có gì đó mờ ám, bất hợp pháp, không minh bạch ngay từ đầu, dù lúc đó các hồ sơ về sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa được đưa ra ánh sáng. Nếu không có sự nghi ngờ và áp lực từ một bộ phận đại biểu trong Quốc hội Mỹ thì có lẽ “cuộc tiến công” tưởng tượng ngày 4/8/1964 đã không bị phát hiện và vạch trần.
Cuối cùng, Hoa Kỳ cũng thừa nhận Sự kiện Vịnh Bắc Bộ chẳng qua chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được chuẩn bị kế hoạch từ trước đó.
Bình Nguyễn