Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, người dân Việt Nam chỉ biết đến GS, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với những câu chuyện mang tính huyền thoại. Gần đây, các nghiên cứu về ông bắt đầu làm rõ hơn những yếu tố để hình thành nên một nhà khoa học xuất sắc, trong đó cung cấp thêm một số thông tin, dù còn ít, về hoạt động của Phạm Quang Lễ tại Pháp trước khi về nước
Phạm Quang Lễ sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình trí thức nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Sau khi học xong tú tài Việt và Pháp, năm 1935, ông được cấp học bổng sang Pháp du học. Trong quá trình học tại Pháp, ông tìm cách xin phép các giáo sư, thủ thư được vào các thư viện nghiên cứu, ghi chép từ những cuốn sách, tài liệu quý về vũ khí, v.v. mà bình thường sinh viên xứ thuộc địa không thể tiếp cận. Phạm Quang Lễ tốt nghiệp và nhận ba bằng: kỹ sư Cầu đường, kỹ sư Điện, cử nhân Toán. Sau đó ông thi và lấy tiếp bằng kỹ sư Hàng không, chứng chỉ ở Đại học Mỏ và Cơ khí Bách khoa. [1]
Làm việc trong thời kỳ nước Pháp bị chiếm đóng
Tháng 5/1940, phát xít Đức xâm lược nước Pháp. Chỉ sau vài tuần, bằng chiến thuật chớp nhoáng, quân Đức đã đánh bại và chiếm đóng nước Pháp. Chính phủ và quân đội Pháp sụp đổ và có tới từ 6 đến 10 triệu người trở thành người tị nạn, trong đó có cộng đồng người Việt ở Pháp.
Mọi người trước hết phải nghĩ tới sự an toàn của mình. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đang làm việc tại Bệnh viện Trousseau được một người bạn giục phải rời bỏ Paris để tránh bị giết hoặc phải nhập ngũ khi quân Đức tới thủ đô. Nguyễn Khắc Viện mời Hoàng Xuân Nhị và Phạm Quang Lễ đi cùng. "Chúng tôi đi dần về phía Nam, mang theo dụng cụ cắm trại và ngủ bên đường. Con đường đầy người và xe cộ: mười triệu người Pháp từ các tỉnh phía Bắc và phía Đông đang đi về phía Nam. Ô tô, ngựa, bò và nông dân. Một số người đẩy bò của họ xuống đường. Một cảnh tượng hoàn toàn hỗn loạn, không có tổ chức. Thỉnh thoảng máy bay Đức bay ngang qua nhưng không có phản ứng gì. Nhưng tiếng kêu la rằng quân Đức đến khiến cho đám đông hoảng sợ chạy tán loạn. Không có một phát súng nào được bắn lên không trung" [2]. Ba người đến được Haute – Viene, ở lại một tuần và sau đó trở lại Paris.
Ở Đông Dương, tháng 7/1940, Jean Decoux, đại diện Chính phủ Petain, được đưa lên giữ chức Toàn quyền Đông Dương. Chỉ bốn tháng sau, Decoux đã thẳng tay đàn áp cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra vào ngày 23/11/1940 dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản. Đến ngày 14/12/1940, đã có 1.000 người bị bắt. Nhà giam hết chỗ nên chính quyền thực dân phải nhốt 400 người vào các tàu viễn dương ở cảng Sài Gòn chờ xét xử.[3]
Sinh viên Phạm Quang Lễ (hàng đầu, giữa) tại Pháp (Ảnh tư liệu)
Cuối đợt trấn áp, "nhiều thị trấn bị không quân san bằng, sáu nghìn người bị bắt, tất cả các nhà tù không còn chỗ trống … Tại các bến nổi trên sông Sài Gòn, người ta chen chúc nhau, kẻ đứng, người ngồi, dây thép xâu qua tay người nọ vào với người kia, ban đêm có đèn pha chiếu sáng…"[4]. Sự kiện này đã tác động đến Phạm Quang Lễ, nhất là khi ông chỉ còn lại người mẹ đang sống ở quê nhà.
Trong hoàn cảnh lúc đó, Phạm Quang Lễ và những người Việt sinh sống tại Pháp vẫn tiếp tục công việc của mình dưới chế độ mới là Chính phủ Petain thân Đức và sự chiếm đóng của quân đội Hitler. Đây là một lựa chọn phù hợp với mục tiêu của ông từ đầu: tiếp thu những kiến thức về vũ khí của các nước tư bản phát triển để có thể đóng góp cho nước nhà sau này. "Hầu hết những người Việt Nam làm việc với chính quyền Đức đều không hoạt động chính trị trong thời gian đầu bị chiếm đóng; hầu hết chỉ đơn giản là tiếp tục học tại các trường đại học danh tiếng của Pháp hoặc làm công việc văn phòng trong lĩnh vực y học, kỹ thuật và báo chí"[5].
Vào cao điểm của chiến tranh, nhu cầu về nhân lực bổ sung cho guồng máy chiến tranh của nước Đức quốc xã ngày càng cao, nên việc xin được một vị trí làm việc đối với Phạm Quang Lễ là không khó. Ông từng làm việc cho công ty điện Thomson và cho ba công ty chế tạo máy bay của Pháp. Năm 1942, ông vào làm việc tại nhà máy chuyên chế tạo máy bay ở tỉnh Halle, miền trung nước Đức. Sau đó, ông chuyển đến làm việc tại Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không của Đức. Thời gian này giúp ông có không chỉ kiến thức thực tế về vũ khí trong chiến tranh hiện đại như máy bay, bom, đạn, tên lửa, … mà còn cả kiến thức về quản lý điều hành các cơ sở sản xuất vũ khí.
Hoạt động trong Hội Ái hữu An Nam và Tổng Đoàn Đông Dương tại Pháp
Từ giữa năm 1943, Hội Ái hữu An Nam (Amicale Annamite) với các thành viên là các sinh viên và các chuyên gia người Việt Nam ở Paris, đã phát triển thành một tổ chức quốc gia với các chi nhánh ở Bordeaux, Grenoble, Lyon, Marseille, Montpellier và Toulouse. Tổ chức này thường giúp đỡ lao động phổ thông người Việt chuyển đến làm cho các dự án của Đức ở miền Bắc nước Pháp với mức lương và điều kiện ăn ở tốt hơn. Kỹ sư Phạm Quang Lễ đang làm việc trong ngành hàng không của Đức như đã nói trên, hướng dẫn một số sinh viên, thành viên của Hội Ái hữu An Nam, nhận học bổng để đến Berlin học tập. Đây có thể là một giải pháp cho sự gián đoạn việc học tập của những sinh viên này trong thời gian bị chiếm đóng.[6]
Chiến tranh bước vào giai đoạn cuối. Ngày 6/6/1944, quân Đồng Minh đồng loạt đổ bộ vào bờ biển Normandie của Pháp. Ngày 25/8/1944, Paris được giải phóng. Phạm Quang Lễ cùng các trí thức Việt Nam tại Pháp trở về với chế độ mới của nước Pháp Cộng hòa. Ông tham gia ban lãnh đạo Tổng Đoàn Đông Dương tại Pháp - DGI (Délégation Générale des Indochinois en France), một tổ chức thành lập tháng 9/1944 với sự tham gia của cả Đảng Cộng sản Pháp. Đại hội lần đầu của DGI vào tháng 12 cùng năm kêu gọi thành lập một chính quyền dân chủ ở Đông Dương, yêu cầu về quyền bầu cử phổ thông và một chế độ chính trị mà ở đó chính phủ phải điều trần trước một quốc hội được bầu.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946 (Ảnh tư liệu)
Mặc dù DGI là một tổ chức mang tính đa nguyên chính trị, đứng đầu là giáo sư Bửu Hội, chắt đời thứ năm của vua Minh Mạng, nhưng trong thời điểm đó, Phạm Quang Lễ được đánh giá là người "ôn hòa"[7]. Tuy nhiên, những người cộng sản Pháp trong DGI, do ảnh hưởng của những cố gắng chính trị của họ trên chính trường nước Pháp, đã từ bỏ sự ủng hộ cho quyền tự quyết của các thuộc địa. Bối cảnh chính trị phức tạp, khắc nghiệt đã gây áp lực lên DGI vốn mong manh. Hơn một năm sau, tháng 10/1945, có thể do những diễn biến mới ở Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam, lo ngại về quyền lực chính trị của người Việt Nam và sự phối hợp giữa họ, thông qua tổ chức này với Đông Dương, nên chính quyền Pháp đã giải tán DGI. Hầu hết các thành viên của DGI sau này đã tham gia hoạt động tích cực trong Liên đoàn Việt kiều ở Pháp.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Quân đội Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Ngày 23/3, Nội các của De Gaulle tuyên bố Đông Dương sẽ giành được quyền tự trị hạn chế sau chiến tranh, đồng thời đưa ra một thuật ngữ mới là Liên hiệp Pháp, bao gồm nước Pháp và tất cả các bộ phận thuộc "cộng đồng đế quốc". Đông Dương sẽ có một chính phủ liên bang do một toàn quyền đứng đầu và các bộ trưởng. Các bộ trưởng sẽ được chọn là người Đông Dương và những người Pháp định cư ở Đông Dương. Như vậy Chính phủ Pháp vẫn tìm cách duy trì chế độ thuộc địa cũ đối với Đông Dương.
Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công. Ngày 02/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Ngày 23/9/1945, Sài Gòn - Nam Bộ kháng chiến. Chiến sự ngày càng lan rộng các tỉnh Nam Bộ. Vệ quốc đoàn, dân quân du kích ở Nam Bộ chiến đấu trong điều kiện vũ khí cực kỳ thiếu thốn.
Trở về nước
Từ tháng 5/1946, theo lời mời của chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức nước Pháp. Chuyến đi không chỉ đơn thuần là một hoạt động ngoại giao, tìm kiếm hòa bình, mà còn là một chuyến đi để trực tiếp "cầu hiền" đối với những trí thức - những người thuộc giới tinh hoa của đất nước đang sinh sống làm việc tại Pháp. Nhiều người, trong đó có Phạm Quang Lễ, muốn trở về tham gia bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước.
Kết quả là trong số những người được "chiêu hiền", kỹ sư Phạm Quang Lễ, cùng ba trí thức khác (kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh), được tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/9/1946, rời cảng Toulon trên chiếc tàu quân sự Dumont d’Urville, về nước.
Từ đây, cuộc đời của Phạm Quang Lễ bước sang trang mới.
LVS
[1]https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/mot-hoai-bao-lon-va-con-%C4%91uong-thuc-hien-uoc-mo-che-tao-vu-khi-cua-nguoi-thanh-nien-pham-quang-le-29821-1804.html
[2] Keith, C. (2017). Vietnamese collaborationism in vichy france. The Journal of Asian Studies, 76(4), 987-1008. doi:https://doi.org/10.1017/S0021911817000791. p 933.
[3] The New York Times, Sunday, October 15, 1940, p. 7.
[4] Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2014, tr. 550.
[5] Keith, C. (2017). Vietnamese collaborationism in vichy france. The Journal of Asian Studies, 76(4), 987-1008. doi:https://doi.org/10.1017/S0021911817000791. p. 995.
[6] Keith, C. (2017). Vietnamese collaborationism in vichy france. The Journal of Asian Studies, 76(4), 987-1008. doi:https://doi.org/10.1017/S0021911817000791, p. 997.
[7] Keith, C. (2017). Vietnamese collaborationism in vichy france. The Journal of Asian Studies, 76(4), 987-1008. doi:https://doi.org/10.1017/S0021911817000791, p. 1002.