Từ năm 1945 đến năm 1950, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Việt Nam ở vào tình thế phải “chiến đấu trong vòng vây”. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực ngoại giao, từng bước phá thế bị bao vây, cô lập và năm 1950 đánh dấu bước mở đầu quan trọng trong quá trình phá thế bị bao vây, cô lập đó
Đến năm 1949, tình hình quốc tế có nhiều biến cố lớn. Ở Đông Âu, các chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố. Nền kinh tế Liên Xô phục hồi với nhịp độ tăng trưởng cao. Ở châu Á, ngày 1-10-1949, nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa tuyên thành lập. Sự ra đời của nước Trung Hoa dân chủ nhân dân tạo ra một bước ngoặt trong tình hình châu Á và thế giới, ảnh hưởng tích cực đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Tháng 2-1950, Liên Xô và Trung Quốc ký Hiệp ước đồng minh tương trợ hữu nghị. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mở rộng từ Âu sang châu Á, với hơn 800 triệu người.
Ở trong nước, sau 3 năm, kể từ ngày toàn quốc kháng chiến theo đường lối tự lực cánh sinh, quan và dân ta đã vượt qua giai đoạn thử thách hiểm nghèo; lực lượng kháng chiến phát triển và lớn mạnh, giành nhiều thắng lợi to lớn và ở vào thế chủ động để nắm bắt và tận dụng những thời cơ, thuận lợi mới đang xuất hiện trong tình hình thế giới và khu vực. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, trước hết là với Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác, tranh thủ sự đồng tình, chi viện quốc tế, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi.
Thực hiện chủ trương đó, từ giữa năm 1949, Đặc phái viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đại diện Đảng Lao động Việt Nam ở nước ngoài đã từ Băng Kốc (Thái Lan) tới Praha (Tiệp Khắc) bắt liên lạc với một số Đảng cộng sản và công nhân quốc tế và sau đó về Bắc Kinh. Cũng trong năm 1949, Việt Nam tham gia nhiều hội nghị quốc tế: Hội nghị của Uỷ ban Kinh tế -xã hội châu Á Thái Bình Dương ở Băng Kốc (3-1949), Đại hội Hoà bình thế giới ở Paris (Pháp) (4-1949), Hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới ở Milan (Italia) (6-1949), Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới ở Budapest (Hungari) (6-1949), Hội nghị Công đoàn Châu Á - Ôxtrâylia ở Bắc Kinh (10-1949). Việt kiều tại một số nước trên thế giới cũng tích cực tham gia các hoạt động thông tin tuyên truyền, triển lãm ảnh về cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế.
Ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Mao Trạch Đông chúc mừng việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, khẳng định: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950
Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”[2].
Ngày 15-1-1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ba ngày sau, ngày 18-1-1950, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 30-1-1950, Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp ngay sau đó, các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên 31-1-1950, Tiệp Khắc và Cộng hòa Dân chủ Đức ngày 2-2-1950, Rumani ngày 3-21950, Ba Lan và Hunggari ngày 4-2-1950, Bungari ngày 8-2-1950, Anbani ngày 13-2-1950.
Ngày 19-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt biên giới ở Cao Bằng qua Trung Quốc, lên đường thăm Trung Quốc và liên Xô. Vì hoàn cảnh kháng chiến lúc đó, Đảng và Chính phủ không đưa tin công khai về chuyến đi này.
Ngày 3-2-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến thăm Liên Xô sau khi đã thăm Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm với Xtalin, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản (b) Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ từ những năm 1945-1950, trong tình thế cực kỳ gian nguy sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng ta đã phải thực hiện những biện pháp chiến lược và sách lược cực kỳ khôn khéo để đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam từng bước giành thắng lợi liên tiếp. Tổng Bí thư Xtalin nói rằng trước kia, do nhiều nguồn tin chưa chính xác nên lãnh đạo Liên Xô chưa hiểu tình hình Việt Nam và Đông Dương, nay Đảng cộng sản (b) Liên Xô tán thành đường lối của Đảng cộng sản Đông Dương, sẽ cùng các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tích cực viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến và đào tạo cán bộ cho công cuộc xây dựng hoà bình; Liên Xô sẽ phối hợp với Trung Quốc về vấn đề viện trợ.
Nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đang có mặt ở Matxcơva để ký kết Hiệp ước đồng minh tương trợ hữu nghị Trung - Xô, các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc khẳng định sẽ cung cấp cho Việt Nam một số viện trợ vũ khí, trang bị quân sự, lương thực và thuốc men. Trong một buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liên Xô, Tổng Bí thư Stalin và Chủ tịch Mao Trạch Đông thoả thuận hai nước sẽ trang bị vũ khí cho sáu đại đoàn bộ binh của Việt Nam; Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định: tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam.[3]
Thực hiện những thỏa thuận trên, ngày 28-4-1951, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Trung Quốc đã trình Thư uỷ nhiệm lên Phó chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ngoài Đại sứ quán tại Bắc Kinh, Việt Nam mở hai Biện sự xứ ở Hoa Nam. Việt Nam và Trung Quốc đàm phán về việc Trung Quốc giúp Việt Nam vũ khí, vật tư, khí tài. Hai bên ký Hiệp định mậu dịch.
Nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trong năm 1950, quân đội Việt Nam tiếp tục phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc tiêu diệt các cứ điểm và lực lượng còn lại của Tưởng Giới Thạch ở khu vực biên giới hai nước[4].
Về phía Trung Quốc, từ năm 1950, Trung Quốc đã cử 79 cố vấn sang giúp Việt Nam trong các hoạt động quân sự, kinh tế. Trung Quốc giúp Việt Nam đào tạo cán bộ cho một số ngành. Thu - Đông năm 1950, quân và dân Việt Nam mở Chiến dịch Biên giới. Trung Quốc đã cung cấp viện trợ quan trọng và có hiệu quả cho chiến dịch. Chiến dịch Biên Giới thắng lợi, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phá vòng vây của của thực dân Pháp suốt từ Lai Châu đến Cao Bằng, Lạng Sơn. Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được khai thông, giúp cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới.
Với Liên Xô, ngày 23-4-1952, Đại sứ Việt Nam trình thư ủy nhiệm lên Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô. Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô kiêm nhiệm quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Kể từ khi công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô chủ động phối hợp với Việt Nam trong tuyên truyền vận động quốc tế, đề cao cuộc kháng chiến của Việt Nam. Tháng 9-1952, Liên Xô phủ quyết đề nghị của chính quyền Bảo Đại xin gia nhập Liên hợp quốc. Liên Xô luôn khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam.
Đánh giá thắng lợi ngoại giao đầu năm 1950, trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ngày 19-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc. Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”.[5]
Việt Nam thiết lập được quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, phá thế bao vây, cô lập của chủ nghĩa đế quốc, tạo ra bước ngặt đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tiến tới đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
Hải Đăng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.6, tr.254
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.6, tr.310-311
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1999, tr. 14-15.
[4] Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, Việt Nam đã có liên hệ với Nam lộ Bát lộ quân Trung Quốc ở Hoa Nam và Bộ Tư lệnh biên khu Điền Quế gần biên giới Việt - Trung. Đầu năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương đã tiếp các phái viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Bắc, trao đổi tình hình và bàn bạc phối hợp chiến đấu ở vùng biên giới. Trong năm 1948, Việt Nam giúp Biên khu Điền Quế một số lương thực, thực phẩm và một số súng đạn.
Năm 1948, Khi quân đội Tưởng Giới Thạch dồn lực lượng cố giữ lấy miền Hoa Nam, một bộ phận bộ đội du kích của bạn đã tạm thời chuyển sang vùng căn cứ Việt Bắc của ta. Từ tháng 6 đến tháng 10-1949, theo đề nghị của bạn, một số đơn vị quân đội Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị của Quân giải phóng Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến dịch chung, phối hợp chiến đấu, đánh lùi quân đội Tưởng Giới Thạch ở vùng Việt Quế và Điền Quế, mở rộng vùng giải phóng ở Ung Châu và Thập Vạn Đại Sơn, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Trung Quốc.
[5] Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, T.6, tr.423-424