Vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng đã được khẳng định. Trong số hàng trăm tờ báo của làng báo chí cách mạng Việt Nam, báo Cứu Quốc đã có những đóng góp lớn vào quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến, kiến quốc
Sau khi Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) ra đời ngày 19/5/1941, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận và quần chúng nhân dân. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, báo Cứu Quốc, cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (sau bổ sung là: Cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh) ra số 1 vào ngày 25/1/1942.
Cùng với tất cả các đoàn thể quần chúng đều mang tên “Cứu quốc” như Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Tự vệ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc…, thì tên tờ báo đã nói lên nhiệm vụ đấu tranh của tờ báo bên cạnh các tổ chức cứu quốc và toàn dân thực hiện mục tiêu cấp bách của dân tộc là chống xâm lược, giành chính quyền và xây dựng đất nước.
Lúc mới thành lập, Ban Tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng phụ trách báo Cứu Quốc, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng trực tiếp chỉ đạo nội dung và có nhiều bài viết trên báo. Sau giao cho Xứ ủy Bắc Kỳ, do các đồng chí Nguyễn Khang, Lê Quang Đạo, Ủy viên Xứ ủy phụ trách. Từ giữa năm 1944, đồng chí Xuân Thủy được giao trực tiếp chuyên trách tờ báo.
Báo được in trên đá (in li-tô) theo lối thủ công. Giấy in thì nhờ người mua từ Hà Nội, tùy điều kiện hoàn cảnh và khả năng tiếp cận nguồn giấy nên có lúc giấy tốt hoặc giấy xấu hay khổ rộng, hẹp khác nhau. Dụng cụ in là hai hòn đá mặt nhẵn (để in được hai mặt báo), mấy cái trục lăn nhỏ bằng gỗ bọc cao su, và ít vật liệu khác. Cần viết chữ ngược, vẽ hình ngược vào mặt đá, bằng loại ngòi bút và mực chuyên dùng, sau đó rửa sạch bằng nước chanh loãng, để khô, rồi đặt giấy, lăn trục cao su, bóc tờ giấy đã in ra. Công việc này cần có hai đồng chí làm một lúc, mỗi ngày in được khoảng ba bốn trăm tờ. Muốn in nhiều trang thì cần có nhiều phiến đá, in xong lại mài đá thật sạch nhẵn để làm số báo sau[1].
Báo Cứu Quốc, số Xuân, ngày 10/02/1942 (Ảnh tư liệu)
Để bám sát phong trào quần chúng, cơ quan báo Cứu quốc thường xuyên đóng ở các vùng xung quanh Hà Nội như Hạ Dương, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), Liễu Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh), Tiên Lữ (Chương Mỹ, Hà Đông), Vạn Phúc (Hà Đông), Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây), Thu Quế (Song Phượng, Đan Phượng, Hà Đông).
Báo Cứu Quốc bí mật, nhưng không phát không, mà bán cho các cơ sở, vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc có ý kiến: “có bán thu tiền thì quần chúng thấy tờ báo mới quý, coi trọng hơn báo cho không, đọc cẩn thận và giữ tờ báo chu đáo hơn”. Báo Cứu Quốc lúc đầu bán 3 xu một tờ, rồi lên 5 xu, 10 xu, từ giữa năm 1945 lên 3 hào, tùy thuộc vào giá giấy và số trang nhiều ít của mỗi số báo. Số Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại bán 5 hào. Số lượng in ít nhất 100-200 bản, cao nhất lên tới hơn 1.000 bản (số Xuân 1945). Báo in ra bao nhiêu, phát hành hết bấy nhiêu, thường không có đủ cung cấp theo yêu cầu của các cơ sở.
Từ khi bắt đầu xuất bản ngày 25/1/1942 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, báo Cứu Quốc ra được 30 số, không đều kỳ lắm. Trong hai năm 1942, 1943 ra được 9 số. Từ năm 1944, tình hình biến chuyển nhanh chóng, công việc chuẩn bị khởi nghĩa ngày càng khẩn trương, nên báo ra đều kỳ hơn. Năm 1944 ra được 8 số, năm 1945 là 12 số, không kể các phụ trương. Cũng ra được các số đặc biệt Xuân 1942, số đặc biệt về đay, gạo tháng 7 năm 1943, số đặc san về vấn đề hải ngoại tháng 11 năm 1944, số Xuân năm 1945.
Nếu năm 1944, gần như hai tháng mới ra một số, không kể số đặc san về vấn đề hải ngoại, thì năm 1945, sau số Xuân, mỗi tháng ra hai kỳ, riêng các tháng 6, 7, 8 dồn dập ra mỗi tháng 3 kỳ. Số báo cuối cùng, số 30, đăng tin Nhật đã đầu hàng không điều kiện và Lệnh Tổng khởi nghĩa, tít đỏ, in được đến đâu phát đi hết đến đó, đến nay không còn một số nào trong kho lưu trữ.
Những số báo trong năm 1945 chữ viết đẹp, trình bày mỹ thuật, in cẩn thận trên giấy tốt, vuông vắn, khuôn khổ thống nhất, nói lên điều kiện làm việc có thuận lợi hơn, trong khí thế cách mạng chung đang dâng cao[2].
Là cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, cơ quan tuyên tuyền, cổ động của Mặt trận dân tộc thống nhất, báo Cứu Quốc còn là tiếng nói của Đảng với đông đảo cán bộ, các đoàn thể và quần chúng cách mạng, nên về danh nghĩa tuy không là cơ quan của Đảng, nhưng trên thực tế là cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Báo Cứu Quốc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận, vạch trần và tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai, đoàn kết toàn dân tổ chức các đoàn thể cách mạng, mở rộng mặt trận cứu quốc, động viên, hướng dẫn quần chúng nhân dân tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng xác định báo chí cách mạng phải nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. báo Cứu Quốc là tờ báo công khai đầu tiên ra mắt tại Hà Nội, số 31 ra ngày 24/8/1945, in hai trang giấy khổ trắng lớn, lá cờ đỏ sao vàng in trùm cả giữa trang nhất.
Ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật với tên gọi Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Báo Cờ Giải Phóng, cơ quan của Trung ương Đảng đình bản, báo Sự Thật, cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ra hàng tuần, do đó, vai trò của Báo Cứu Quốc ngày càng trở nên quan trọng, trở thành tiếng nói thường nhật của Chính quyền, Mặt trận, là cơ quan thông tin đại chúng lớn nhất trong các tờ báo ra hằng ngày lúc đó.
Cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận báo chí trong thời kỳ này rất gay gắt. Trong bối cảnh đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, báo Cứu Quốc đã làm tròn trách nhiệm của mình. Báo Cứu Quốc không chỉ phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, hướng dẫn, giáo dục, tổ chức, động viên quần chúng nhân dân thực hiện mà còn phản ánh những hành động, sự kiện, những kết quả cụ thể.
Kháng chiến toàn quốc nổ ra đêm 19/12/1946. Với sự chuẩn bị trước, báo Cứu Quốc tiếp tục xuất bản ngày 21/12/1946, đăng toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch”. Từ đó, báo vẫn tiếp tục ra hằng ngày. Báo Cứu Quốc là tờ báo hằng ngày duy nhất trong kháng chiến, là tờ báo ra sớm và đều đặn nhất ngay từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ và Mặt trận, mọi thông tin cần thiết chuyển tải đến quần chúng nhân dân đều được tờ báo phản ánh kịp thời.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, với những thuận lợi mới, báo Cứu Quốc tiếp tục phát triển. Ngoài báo, còn có tạp chí Cứu Quốc, nhà xuất bản Cứu Quốc… thời kỳ đầu, giấy in mua từ làng Bưởi, hoặc từ một xưởng in nhỏ gần Bố Hạ, hay Thanh Cù chuyển về. Tuy nhiên giấy in ngày càng khan hiếm nên từ giữa năm 1948, các đồng chí ở báo Cứu Quốc tìm cách lập xưởng giấy riêng. Nhờ có sự giúp đỡ về nghề làm giấy của một số bà con ở làng Bưởi tản cư, xưởng giấy Đoàn Kết đi vào hoạt động, làm hoàn toàn theo lối thủ công, mỗi ngày sản xuất trung bình được 2.500 tờ-3.000 tờ. Hệ thống giao thông, phát hành báo riêng được tỏa đi các địa phương. Về điều kiện vật chất, bước đầu có máy in và vật liệu in. Nhưng khi chuyển từ Bắc Cạn về Yên Thế không chuyển được gì của nhà in về theo.
Thời kỳ từ 1947-1949, báo vẫn xuất bản hai trang, in từ 2.000 đến 4.500 bản. Ngoài những bài mục và tin tức như thường lệ, báo đăng nhiều bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về đạo đức cách mạng, sửa đổi lối làm việc, vạch mặt đế quốc thực dân; tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh; báo Cứu Quốc phát động cuộc thi thơ ca kháng chiến, kéo dài đến giữa năm 1948.
Báo Cứu Quốc, in năm 1948 tại Đèo Bụt, Bắc Giang, người ngồi giữa
là đồng chí Xuân Thủy (Ảnh tư liệu)
Năm 1950, sau khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, với sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ động mở chiến dịch Biên Giới và giành thắng lợi.
Thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951), Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt họp từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951 thông qua quyết định thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Mặt trận Liên Việt … cơ quan báo bước vào thời kỳ mới.
Nội dung báo Cứu Quốc tiếp tục bám sát những nhiệm vụ lớn, nhiều hoạt động sôi nổi của đất nước để đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: cải cách ruộng đất, đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.
Là một tờ báo xuất bản trong giai đoạn cách mạng có nhiều biến động, tuy báo Cứu Quốc với 12 năm ra đời và phát triển, từ 1942 đến 1954, song vai trò của tờ báo hết sức to lớn. Ngoài nhiệm vụ đấu tranh sắc bén, đanh thép, kịp thời với kẻ thù, báo còn trực tiếp truyền tải nhiều vấn đề của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, cổ vũ xóa nạn mù chữ, đời sống mới. Đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quan liêu, xa rời quần chúng là những đề tài được đề cập gần như thường xuyên. Các mục “Tự chỉ trích”, “Nói thật” trên báo là những bài phê bình các bệnh của cán bộ ta thường mắc phải khi từ bí mật ra hoạt động công khai, từ không có chính quyền đến có chính quyền trong tay. Những vấn đề lớn như trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, vận động sản xuất, thi đua ái quốc, thuế nông nghiệp, giảm tô và cải cách ruộng đất, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, bảo vệ hòa bình thế giới, thắng lợi ngoại giao, thắng lợi quân sự… được bình luận và giải thích trên báo. Nội dung báo phong phú, phản ánh kịp thời, sinh động các sự kiện. Văn phong của Cứu Quốc ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu với đông đảo nhân dân lao động. Bên cạnh đó, các văn kiện của Chính phủ, nhất là những bài viết của Hồ Chủ tịch cũng thường xuyên xuất hiện trên báo.
Trong 12 năm (1942-1954), báo Cứu Quốc đã phát huy phai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thực hiện Hiệp định Geneva, ngày 10/10/1954, bộ đội ta vào tiếp quảnThủ đô. Báo Cứu quốc chuyển sang xuất bản hằng tuần.
Thời điểm chấm dứt hoạt động của báo Cứu Quốc là số 3835 ra ngày 28/01/1977. Từ ngày 05/02/1977, báo Cứu quốc sát nhập với báo Thống Nhất và Giải Phóng thành báo Đại Đoàn Kết.
Mai Nguyễn