Trong hoạt động yêu nước và cách mạng của nhân dân Vĩnh Long trước Cách mạng tháng Tám, Đức giáo tông Phan Văn Tòng là một trong những tấm gương tiêu biểu
Phan Văn Tòng, sinh ngày 8/8/1881, tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Xuất thân trong một gia đình nho học, từ nhỏ, Phan Văn Tòng đã được đào tạo theo khuôn mẫu Nho giáo. Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, Phan Văn Tòng sớm nuôi chí cứu nước, diệt thù. Được tư tưởng Duy Tân soi sáng và những hoạt động của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu thôi thúc, ông hăng hái hoạt động, đóng góp lớn vào sự nghiệp truyền bá tư tưởng Duy Tân, cổ vũ tinh thần yêu nước trên quê hương Vĩnh Long.
Góp phần truyền bá tư tưởng Duy Tân và ủng hộ phong trào Đông Du ở Vĩnh Long
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cuộc vận động Duy Tân ở Nhật Bản và Trung Quốc tác động lớn tới những nhà nho yêu nước của Việt Nam. Rất nhiều những tân văn, tân thư cổ xúy tư tưởng dân chủ được dịch và bí mật truyền bá vào Việt Nam. Các nhà nho Việt Nam đã được đọc những sách ấy và hào hứng tiếp thu, con đường Duy Tân lúc này là con đường thích hợp.
Với ảnh hưởng của những nhà Duy Tân như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ở Hà Nội)… phong trào vận động Duy Tân ở Vĩnh Long cũng phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều nhà trí thức yêu nước ở Vĩnh Long như Phan Văn Tòng tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân Vĩnh Long ủng hộ, thực hành Duy Tân.
Các tác phẩm Hải Ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, Tỉnh quốc hồn ca của Phan Châu Trinh… được lưu hành, bí mật phổ biến làm tài liệu tuyên truyền trong nhân dân. Cùng với việc ủng hộ, giới thiệu thuyết minh về các tư tưởng Duy Tân, Phan Văn Tòng còn tham gia tổ chức các buổi diễn thuyết ở Tam Bình (quê hương của ông) và nhiều nơi trong tỉnh Vĩnh Long.
Các hoạt động này liên quan đến vận động Duy Tân, đả kích tư tưởng, phong tục cổ hủ, kêu gọi nhân dân xóa bỏ những thói hư tật xấu, nhắc nhở lịch sử cha ông, vạch rõ những thảm cảnh của đất nước đang ở trong vòng nô lệ, cổ động cho cái học mới (tân học) và cổ động cho thực nghiệp…
Những hoạt động này của ông đã lôi kéo rất nhiều người yêu nước của quê hương như các ông Nguyễn Ngơn Hạnh (xã Trinh – Trà Ôn), Trần Phước Định, Lý Trung Chánh… đồng thời gây một phong trào truyền bá Duy Tân sôi nổi ở Vĩnh Long.
Trên phạm vi cả nước, phong trào Duy Tân phát triển nhanh chóng, năm 1904, Phan Bội Châu và một số đồng chí của mình đã lập ra Duy Tân Hội với “mục đích cốt là sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác”[1] và nhiệm vụ “chuẩn bị xuất dương cầu viện”[2]. Để chuẩn bị cho kế hoạch xuất dương sang Nhật, khoảng cuối năm 1903, Phan Bội Châu vào Sài Gòn, tới tận Châu Đốc và lục tỉnh Nam Kỳ vận động đồng bào du học.
Đức Giáo tông Phan Văn Tòng (1881- 1945)
Đầu năm 1904, Phan Bội Châu tới Sa Đéc và Vĩnh Long gặp các nhà nho yêu nước. Với những tư tưởng Duy Tân đã ngấm sâu trong phong trào yêu nước của nhân dân Vĩnh Long, chuyến đi của Phan Bội Châu tới Vĩnh Long được các nhà yêu nước nhiệt tình ủng hộ. Các ông Phan Văn Tòng, Nguyễn Ngơn Hạnh, Lý Trung Chánh, Bộ Chí, Tư Tâm… đều gặp Cụ Phan, nắm tình hình, vận động học sinh du học và quyên góp tiền bạc ủng hộ.
Với việc tiếp xúc với Phan Bội Châu, Phan Văn Tòng càng rõ hơn về con đường Duy Tân và ủng hộ phong trào Đông Du. Ông tích cực vận động, thanh niên học sinh ở Vĩnh Long tham gia du học Nhật, Trung Quốc, đồng thời kêu gọi nhân dân trong tỉnh ủng hộ tiền bạc cho phong trào. Nhờ những hành động thiết thực của ông và những nhà trí thức yêu nước, Vĩnh Long đã trở thành một điểm sáng trong phong trào Đông Du, là một trong bốn trung tâm bí mật tuyển chọn du học sinh ở Nam Kỳ và cả nước. Trong số gần 200 du học sinh của phong trào Đông Du, Vĩnh Long có hơn 30 người và là một trong những tỉnh có số du học sinh sang Nhật nhiều nhất của phong trào[3],[4].
Thực hành phát triển kinh tế phục vụ cuộc vận động cách mạng
Để công cuộc vận động Duy Tân và kêu gọi thanh niên, học sinh xuất dương sang Nhật học tập, tìm đường cứu nước được thuận lợi, Phan Bội Châu cho rằng về lâu dài phải lo phát triển kinh doanh, sản xuất để ủng hộ phong trào. Sự vững vàng về tài chính là cơ sở vững chắc cho phong trào Đông Du.
Những tư tưởng của các nhà Duy Tân và sự cần thiết ủng hộ tài chính cho phong trào Đông Du đã thôi thúc Phan Văn Tòng nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ tư tưởng Duy Tân và đưa học sinh, thanh niên xuất dương sang Nhật, ông phát huy sự nghiệp kinh doanh của gia đình, lập ra Công ty Vĩnh Hiệp, có 3 chiếc đò hiệu Vĩnh Bảo, Vĩnh Thuận, Vĩnh Nguyên đưa khách từ Vĩnh Long đi Cần Thơ, Mỹ Tho, Cà Mau, Nam Vang… vừa làm việc kinh doanh góp phần ủng hộ kinh tế cho phong trào Đông Du, vừa vừa chuyển, chắp nối liên lạc với các chí sĩ yêu nước. Phần lớn lợi nhuận thu được ông đều ủng hộ, đóng góp cho phong trào Đông Du.
Cũng trong thời gian này, Phan Văn Tòng xuất dương sang Nhật Bản, Trung Quốc. Ông cùng nhiều thanh niên trong phong trào Đông Du học tập tại trường Đông Á Đồng Văn thư viện - một trường của Nhật tại tô giới của Nhật ở Thượng Hải (Trung Quốc), tìm đường cứu nước.
Vận động chức sắc và đồng bào tôn giáo tham gia phong trào cách mạng
Phong trào Đông Du như mạch sóng ngầm, nửa công khai, nửa bí mật, sôi động trên toàn quốc, được gần 4 năm (1905-1908) thì bị thực dân Pháp câu kết các thế lực phản động ở trong nước và nước ngoài đàn áp. Phan Văn Tòng cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Một số sang Trung Quốc hoạt động[5], một số về nước, nhiều trường hợp bị bắt giam, đày đi biệt xứ, số ít bị tử hình. Riêng ở Vĩnh Long có trên 70% gia đình cơ sở Duy Tân- Đông Du bị địch bắt tù đày, 80% học sinh Đông Du bị tù đày[6].
Sau khi trở về nước hoạt động, Phan Văn Tòng nhiều lần bị chính quyền thực dân truy bắt, phải bí mật hoạt động tại khu vực địa bàn sông Mang Thít. Trong thời gian này, ông vẫn bí mật liên lạc và móc nối với những nhà yêu nước, tìm cách gây dựng lại phong trào. Tuy nhiên, đứng trước sự truy bắt và khủng bố gắt gao của chính quyền thực dân, hoạt động cách mạng của ông gặp nhiều khó khăn.
Hội thảo khoa học về tấm gương yêu nước và cách mạng của Đức Giáo tông Phan Văn Tòng, tháng 10/2019
Trở về quê Tam Bình, ông lập nhà đàn Linh Châu Kim Đức trên đất riêng (xã Tường Lộc). Từ đó, ông kết thân với nhiều bạn đạo như các ông Lê Thành Thân, Trương Như Thị, Trương Như Mậu, Phan Lương Hiền, Phan Lương Báu, Nguyễn Phú Thú… và lập nên phái Cao Đài Tiên Thiên (một trong những chi phái của Đạo Cao Đài).
Phan Văn Tòng truyền bá tinh thần yêu nước mà ông hấp thụ trong những ngày tháng hoạt động và giao tiếp với những nhà cách mạng. Ông cũng đem hết trí tuệ và tài năng của mình góp phần vào sự phát triển của đạo Cao Đài. Ông thường xuyên đi diễn Đông Đàn phổ độ khắp nơi, cùng các vị trong Thất Thánh, Thất Hiền của Đạo khai mở 72 cảnh Thánh tịnh ở khắp Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Đồng thời, ông bí mật liên lạc với những nhà yêu nước đang hoạt động nhằm xây dựng một khối đại đoàn kết toàn dân, hòng tìm một cơ hội cứu nước, cứu dân.
Dưới sự dẫn dắt của Phan Văn Tòng, các tín đồ phái Cao Đài Tiên Thiên từng bước hoạt động chặt chẽ hơn và tích cực ủng hộ những người tham gia phong trào kháng Pháp. Với những công đức lớn lao, đúng mực, một lãnh tụ trong hàng Thất Thánh của Cao Đài Tiên Thiên, Phan Văn Tòng được sắc phong phẩm Giáo tông.
Trước những ảnh hưởng to lớn của Đạo Cao Đài tới nhân dân, dưới áp lực của thực dân Pháp, các chỉ dụ cấm đạo được ban hành. Cùng với đó, cuối năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, có nhiều chức sắc của Cao Đài tham gia, đã làm rung chuyển cả Nam Kỳ và gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt những người khởi nghĩa. Thực dân Pháp cũng nhân cơ hội này, thi hành luật bản xứ, bắt hết chức sắc lãnh đạo Cao Đài Tiên Thiên, ghép vào tội danh chính trị phạm. Đức Giáo Tông Phan Văn Tòng cùng nhiều chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài bị giặc Pháp bắt cùng với nhiều đảng viên cộng sản. Các Thánh tịnh Cao Đài đều bị Pháp đóng cửa.
Sa vào tay giặc, Đức Giáo tông Phan Văn Tòng bị lưu đày Côn Đảo, bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng ông vẫn một mực trung thành với Tổ quốc, với Đạo. Ông đã chịu đựng gian khổ tù đày tại Côn Đảo suốt 5 năm 4 tháng, mãi khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ông cùng các chính trị phạm bị giam cầm tại Côn Đảo mới được trở về.
Về lại quê hương, tuổi ông đã cao, lại chịu nhiều năm tháng tù đày gian khổ nên sức khỏe ngày càng suy yếu. Ngày 13/9/1945, Đức Giáo tông Phan Văn Tòng từ giã cõi đời, ông được sắc phong Thiên bị Chánh Công Minh Tiên.
Với tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, Đức Giáo tông Phan Văn Tòng đã có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào yêu nước, kháng Pháp trên quê hương Vĩnh Long. Khi gia nhập Đạo Cao Đài, những tư tưởng, đạo đức và lòng nhiệt thành cách mạng của ông đã cổ vũ mạnh mẽ tín đồ Đạo Cao Đài tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Nhà nước đã truy tặng Đức giáo tông Phan Văn Tòng Bằng Tổ quốc ghi công, ghi nhận đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước và quê hương Vĩnh Long.
Đỗ Phương
[1] Chương Thâu: Về mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và Cường Để, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 45, tháng 12-1962.
[2]Phan Bội Châu niên biểu: Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr.33.
[3]Theo: Nguyễn Thúc Chuyên: 157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông Du, Nxb. Nghệ An, 2007
[4]Phong trào Đông du – luồng gió mới cho cách mạng ở Vĩnh Long, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, bản điện tửhttp://baovinhlong.com.vn, ngày 20-2-2018.
[5] Có một số tài liệu nói thời gian này Phan Văn Tòng sang Trung Quốc hoạt động, có gặp Nguyễn Ái Quốc (năm 1924) và tham gia Liên đoàn Ái Quốc (?).
[6] Trương Công Giang: Phong trào Đông Du ở Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long, phiên bản điện từ, http://www.baovinhlong.com.vn, ngày 19/9/2017.