Cách đây 70 năm (1954 - 2024), với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, đăng trên báo Nhân Dân từ ngày 13 đến ngày 15/6/1954. Những lời chỉ dạy của Bác đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, để cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện trong công tác hằng ngày
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bệnh kiêu ngạo
Mở đầu bài viết, Bác chỉ rõ căn bệnh kiêu ngạo là: “Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng”[1].
Bệnh kiêu ngạo được Bác chỉ ra từ những năm Đảng chưa thành lập và nhận rõ căn bệnh này sẽ gây ra sự nguy hiểm: “Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù”[2].
Đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, các cơ quan chính quyền được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, tháng 10/1945, phê bình bệnh kiêu ngạo của cán bộ: “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian,...cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”[3].
Tháng 10/1947, giữa bộn bề của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chủ tịch viết Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nêu rõ những căn bệnh của người cán bộ, trong đó có bệnh kiêu ngạo được Người định nghĩa rất cụ thể: “Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”[4].
Bệnh kiêu ngạo gây ra nhiều tác hại, nhất là trong Đảng, vì trong Đảng khi kiêu ngạo thì “không thực hiện chế độ tập trung dân chủ, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh, tâng bốc mình. Xa tránh những người trực tính nói thẳng....”[5]. Đối với người lãnh đạo theo Bác thì “người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu”, bởi sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn, cho nên ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng để thêm kinh nghiệm cho mình, nên phải “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân”. Trong công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra, trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình.
Hậu quả của bệnh kiêu ngạo được Bác chỉ rõ là: “Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa” và chính là nguyên nhân của sự thất bại. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến, kiến quốc, công việc ngày càng nhiều, cán bộ trình độ còn thấp, yếu, kinh nghiệm còn ít, nên phải cố gắng học hỏi, tiến bộ mới có thể làm tròn nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, chỉ dạy, khuyên răn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn...Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi. Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”[6].
Những chỉ dẫn của Bác về bệnh kiêu ngạo đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng vận dụng và phát triển sáng tạo trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để rèn luyện cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương khiêm tốn, giản dị, suốt đời vì nước vì dân (Ảnh tư liệu)
Vận dụng lời chỉ dạy của Hồ Chí Minh về chống kiêu ngạo, phải khiêm tốn của Đảng hiện nay
Thực tế hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên, vẫn còn mắc phải “căn bệnh” kiêu ngạo, tự mãn, làm giảm sút, thậm chí thui chột ý chí nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, làm giảm đi hiệu suất, chất lượng công việc, đề cao vai trò cá nhân, coi thường người khác, chẳng những không quy tụ được mà còn tạo ra mầm mống, dễ dẫn đến nguy cơ mất đoàn kết, làm xấu đi hình ảnh, giảm sút uy tín của tổ chức đảng, đảng viên. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống kiêu ngạo, Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Từ năm 1986, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ban hành nhiều Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) năm 1999 về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay"; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ";… Trong các nhiệm kỳ Đại hội, nhất là Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021), Đảng khẳng định: “Phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[7]. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Trung ương ban hành nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ và toàn diện, tạo nên một chỉnh thể hệ thống các văn bản của Đảng nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Những quy định mới của Đảng được thực hiện ngay ở cấp Trung ương và các cấp địa phương với quan điểm kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng được thực hiện kịp thời, nghiêm minh, góp phần quan trọng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Đảng ở các cấp, nhất là cấp Trung ương: “Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”[8].
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Trong quý I năm 2024, các cấp ủy kiểm tra 264 tổ chức đảng và 1.864 đảng viên (có 475 cấp ủy viên), kết luận 07 tổ chức đảng và 25 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; xử lý kỷ luật 29 tổ chức đảng (khiển trách 17, cảnh cáo 12) và 602 đảng viên (khiển trách 374, cảnh cáo 125, cách chức 143, khai trừ ra khỏi Đảng 87 trường hợp)[9].
Như vậy, căn bệnh “kiêu ngạo”, không khiêm tốn, cùng với nhiều căn bệnh khác của cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra ngay từ khi Đảng mới thành lập, chính quyền mới ra đời. Những căn bệnh đó đang ngày càng gây ra sự nguy hiểm, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, phong cách công tác, làm giảm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Việc học tập, rèn luyện tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh và những chỉ dạy của Người về chữa những căn bệnh kiêu ngạo, hẹp hòi, xa hoa, lãng phí, ích kỷ, cá nhân,...đến nay ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr. 507.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 514.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 66.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 295.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 507.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.8, tr. 508.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.180.