Di sản tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta vô cùng to lớn, trong đó có tư tưởng, quan điểm về báo chí cách mạng, để lại cho đội ngũ cán bộ báo chí của Đảng và Nhà nước những bài học, kinh nghiệm quý báu. Đối với đội ngũ người làm báo, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết là học Bác cách viết báo, để báo chí thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa
Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đồ sộ, với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh, truyện, ký và Người cùng sáng lập ra 9 tờ báo… Dù vậy, Bác Hồ không nhận mình là nhà báo, mà chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”. Với Bác, xem báo chí là phương tiện để hoạt động cách mạng, để phục vụ nhân dân, đấu tranh với cái xấu, và tuyên truyền cái tốt, cái mới… Vì vậy, trong bài giảng tại lớp chỉnh Đảng Trung ương (ngày 17-8-1953), Bác có hẳn một bài về “Cách viết”. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác sẻ chia kinh nghiệm, mỗi khi viết một bài báo thì phải tự đặt câu hỏi và tự trả lời các câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”[1]. Rất ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng hàm chứa toàn bộ phong cách viết báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắn gửi cho các thế hệ nhà báo mai sau và là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.
Bác Hồ, người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, một nhà báo mẫu mực
Trước hết, viết cho ai xem?
Câu hỏi này nhằm xác định đối tượng phục vụ của tờ báo. Theo Bác, đối tượng của báo chí là đại đa số quần chúng nhân dân. Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” (1949), Bác viết: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”[2]. 10 năm sau, tháng 4-1959, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác lại nhắc nhở: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”[3]. Quan điểm đó tiếp tục được Bác khẳng định tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam (9-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”[4].
Theo Người, quần chúng nhân dân với tư cách là đối tượng phục vụ của báo chí phải có mặt ở hầu hết các khâu của quy trình hoạt động báo chí: là đối tượng cung cấp thông tin cho báo chí, đối tượng tiếp nhận thông tin báo chí, đồng thời cũng là đối tượng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí.
Viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”[5].Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.
Thứ hai, viết để làm gì?
Đây là câu hỏi để xác định tính mục đích của bài báo. Trong vô vàn đề tài, chọn đề tài nào cho thỏa mãn cả ba điều kiện: ý nghĩa chính trị xã hội, cơ quan chủ quản và bạn đọc, và Bác khẳng định các bài báo “Viết để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”. Đặc biệt, báo chí cộng sản chủ nghĩa “có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản".
Trên cơ sở xác định báo chí là một mặt trận, mỗi nhà báo là một chiến sĩ, Bác quan niệm công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Báo chí cách mạng không có lợi ích gì khác, không có mục đích gì khác là phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Báo chí cách mạng của chúng ta là báo chí của giai cấp công nhân và đông đảo quần chúng nhân dân lao động.
Muốn vậy, theo Bác, nhà báo cần trả lời câu hỏi: “Thế thì viết cái gì?”. Trong vấn đề này, điều đầu tiên, cần “phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”[6].
Tiếp theo, lấy tài liệu đâu để viết?. Theo Bác, cần phải chịu khó tìm tài liệu bằng những cách: “nghe, hỏi, thấy, xem, ghi”[7]. Muốn như vậy, nhà báo phải báo chí cần phải gần gũi quần chúng hơn, hoà mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng với tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Vì thế, Bác đặt ra yêu cầu đối với mỗi nhà báo là phải bám sát thực tiễn cách mạng, nắm được đời sống nhân dân để viết thì mới chân thực, mới có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Bác dặn các nhà báo, “...cần gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”[8]. Có như vậy, bài báo mới mang hơi thở của cuộc sống từ chất liệu của cuộc sống, mới phản ánh chân thực và sôi động thực tiễn cuộc kháng chiến. Có như vậy, tờ báo mới đảm đương đúng sứ mệnh tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung: bảo vệ độc lập dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo, năm 1960 (Ảnh tư liệu)
Thứ ba, viết như thế nào?
Câu hỏi này nêu lên yêu cầu của bài viết, đi sâu vào kỹ thuật thể hiện bài viết, đồng thời cũng nêu lên sự tôn trọng bạn đọc của người viết. Bác luôn luôn nhắc nhở: “Viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại là các bạn chưa thành công”[9].
Trên cơ sở xác định viết báo cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? Viết thiết thực, cụ thể, nhưng phải giữ bí mật.
Muốn vậy, hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ. Người căn dặn: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được"[10]; “Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Đồng thời, tùy vào đối tượng để có cách viết phù hợp với trình độ của họ. Người chỉ rõ: “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”[11]. Tuy nhiên, Người nhắc nhở: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi”[12]. Bác căn dặn: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Viết được ngắn không dễ, phải đi thẳng vào nội dung, không lang mang khoe chữ làm ra vẽ nhiều kiến thức. Khắc phục được nhược điểm này sẽ đạt được sự giản dị, thiết thực khi viết báo. Trong các bài phát biểu, chính Bác là tấm gương về diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn ngữ giàu hình ảnh và luôn kèm chi tiết có thực để chứng minh. Điều đó tạo nên sự hùng biện, lôi cuốn trong phong các báo chí của Người.
Để bài báo chất lượng hơn, trong khi nói chuyện, Bác nói: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo” để nói về “mấy khuyết điểm của báo chí ta”. Đó là các bài báo viết quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng…”, “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta…”, “Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng…”, “Thiếu cân đối: Tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn thì viết dài, tin để sau thì để trước, nên trước lại để sau…”, “Lộ bí mật - có khi quá lố bịch…”, “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và lắm khi dùng không đúng[13]. Bác gọi việc sử dụng quá nhiều chữ nước ngoài là “bệnh”, “tệ”, cần phải khắc phục. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Do vậy, Bác khuyên các nhà báo chú ý giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tránh lạm dụng từ nước ngoài, các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng Việt mai một đi.
Thứ tư, viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm
Khi viết xong bản thảo thì mỗi người “phải đọc đi, đọc lại; sửa đi sửa lại, đã đủ chưa? Chưa đủ. Phải nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Bác khuyên, viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa. Do vậy, cần khiêm tốn sửa bài của mình khi được góp ý.
Điều quan trọng nhất, Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén, nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ”[14] và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người” để báo chí luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nói tóm lại, mình phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn. Để nâng cao trình độ, Bác khuyên người làm báo “Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài”[15], để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của thế giới.
Viết báo theo phong cách của Bác Hồ là viết một cách dung dị, dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề cụ thể, thiết thân của cuộc sống, của dân tộc, quốc gia bằng ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng; Làm báo theo phong cách của Bác là thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sĩ cách mạng, là tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, chân thành... Báo chí cách mạng cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng để làm tròn nhiệm vụ cao cả. Đó là những bài học cho các thế hệ làm báo, viết báo trong thời đại Hồ Chí Minh theo tư tưởng của Người.
Chi Ngọc
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.465
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.102
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.166
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.463
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.340
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,, tập 8, tr.205
[7] 1. Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2. Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi. 3. Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4. Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5. Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.103
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.163
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.165
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.207
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.208
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.464
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.212
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.103