Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị, trong đó có phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên có vị trí, vai trò to lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chính sách giáo dục thực dân mới của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn
Sau khi thiết lập và củng cố vai trò thống trị ở miền Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện nhiều chính sách, trong đó có chính sách giáo dục thế hệ trẻ, hòng làm suy giảm dẫn đến đánh mất tinh thần dân tộc, biến thanh thiếu niên trở thành công cụ phục vụ chính sách thực dân mới.
Cơ quan giáo dục Mỹ trực thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với đường lối giáo dục:
- Hệ tư tưởng chủ đạo là duy linh, nhân vị lồng dưới những nhãn hiệu man trá “Cách mạng quốc gia”, “Dân tộc tính”, “Á Đông tính”…
- Đường lối giáo dục mang nặng tính chất nô dịch, phản dân tộc, ca ngợi lối sống Mỹ, văn minh Mỹ.
- Về tổ chức, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đặt nhà trường dưới sự kiểm soát gắp gao của an ninh, mật vụ, thực hiện chia rẽ học sinh, sinh viên lương và giáo; học sinh Thiên Chúa giáo với Phật giáo; giữa trường công và trường tư; giữa học sinh Kinh và Thượng, giữa các vùng, miền, địa phương.
- Cách thức thực hiện, biến hệ thống nhà trường miền Nam thành công cụ phục vụ quốc sách “tố cộng, diệt cộng”, “dinh điền”, “Ấp chiến lược”… mà thực chất là tiêu diệt cộng sản và cách mạng[1].
Để thực hiện ý đồ trên, chính quyền Tổng thống Kennedy đã thi hành nhiều chính sách kiểm soát nền giáo dục miền Nam Việt Nam một cách chặt chẽ hơn.
Ngày 16/8/1964, Chính quyền Sài Gòn ban bố bản Hiến chương Vũng Tàu - thiết lập chế độc độc tài quân phiệt do Nguyễn Khánh đứng đầu, làm cho tình hình chính trị, xã hội hết sức căng thẳng, làm dấy lên nhiều phong trào đấu tranh, trong đó đáng kể có phong trào của học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Nixon bước vào Nhà Trắng, đề ra chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đánh phá ác liệt phong trào cách mạng ở nông thôn, liên tiếp mở các chiến dịch bình định nông thôn, đồng thời khủng bố ác liệt phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị miền Nam. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên cũng bị đàn áp dữ dội. Chính quyền Sài Gòn đã đàn áp, bắt bơ, bỏ tù nhiều thủ lĩnh của phong trào học sinh, sinh viên: xử tử sinh viên Nguyễn Trường Côn, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Thanh Tòng[2]… ở Sài Gòn.
Chính sách giáo dục thực dân cùng với sự đàn áp khốc liệt của chính quyền Sài Gòn là nguyên nhân sâu xa làm phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp dưới nhiều hình thức khác nhau trên toàn miền Nam Việt Nam.
Những phong trào đấu tranh tiêu biểu, nổi bật
Mở đầu cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự phản kháng ở các trường trung học Sài Gòn cuối năm 1955, đòi tự do tư tưởng, chống chế độ cai trị hà khắc.
Đầu năm 1957, học sinh của 11 trường phổ thông ở miền Nam tiến hành đại hội, đòi cải tiến việc giảng dạy, tổ chức biểu tình ở Nha giám đốc học vụ, đấu tranh đòi dùng Tiếng Việt trong giảng dạy, sửa đổi nội dung, chương trình giáo dục thích hợp với văn hóa dân tộc, đòi cải thiện đời sống giáo chức, trợ cấp học sinh nghèo.
Một cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên và nhân dân miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn
trước bùng binh chợ Bến Thành (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1960 trở đi, sự kiện đánh dấu bước tiến mạnh mẽ phong trào học sinh, sinh viên là sự ra đời Hội Liên hiệp học sinh, sinh viên giải phóng miền Nam ngày 9/1/1961. Tuyên ngôn của Hội khẳng định “Hội Liên hiệp sinh viên, học sinh giải phóng miền Nam Việt Nam là tổ chức cách mạng và yêu nước của sinh viên, học sinh nhằm đoàn kết anh chị em trong giới, không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị, giai cấp, dân tộc để cùng nhau tương trợ trong học tập, trong đời sống, để cùng nhau chiến đầu cho nguyện vọng của giới sinh viên, học sinh và cùng với các tầng lớp nhân dân khác phấn đấu cho nghĩa vụ thần thánh của dân tộc là giải phóng miền Nam khỏi cảnh địa ngục trần gian hiện nay”[3].
Ở Huế, nhiều đơn vị giáo dục, trường học đã tổng đình công phản đối lệnh giới nghiêm và thiết quân luật của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tháng 8/1963, nhiều Khoa, trường và học sinh sinh viên của Đại học Huế bãi chức, đình công, lên án chính quyền Ngô Đình Diệm, làm cho mọi hoạt động giáo dục ở Huế bị tê liệt. Sau khi chính quyền miền Nam ban bố Hiến chương Vũng Tàu, hàng nghìn sinh viên, học sinh không đến trường, không vào phòng thi, xé phiếu báo danh, hô khẩu hiệu “Đả đảo chính phủ”, “Đả đảo chế độ độc tài quân phiệt”, “Phản đối Hiến chương Vũng Tàu”, hô hào bãi khóa.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên tiếp tục nổ ra đa dạng, mạnh mẽ hơn trước. Nhiều sinh viên rời ghế nhà trường đi vào các chiến trường; thành lập các tổ chức như Ban đại diện sinh viên các trường; thành lập và công khai các tờ báo của lực lượng sinh viên để đấu tranh công khai, trực diện ( như các tờ báo Tiếng gọi sinh viên, Thân hữu, Tự quyết…).
Từ năm 1970, phong trào học sinh, sinh viên liên kết với phong trào đấu tranh của nhân dân Campuchia chống chế độ Lon Nol, phản đối việc giết hại Việt kiều.
Học sinh, sinh viên xung đột với cảnh sát Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Năm 1971, phong trào sinh viên, học sinh càng trở niên sôi nổi. Tại Sài Gòn, hàng vạn sinh viên đã xuống đường đấu tranh chống leo thang chiến tranh của Hoa Kỳ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, phản đối việc “đưa thanh niên Việt Nam sang chết thay cho lính Mỹ ở Lào và Campuhia”. Tại Huế, liên tiếp nhiều sinh viên, học sinh đến Tiểu khu Thừa Thiên tố cáo chính quyền Sài Gòn đã đẩy anh em, người thân của họ vào chỗ chết.
Sau Đại hội sinh viên, học sinh miền Nam lần thứ V tổ chức tại Huế, học sinh, sinh viên đã phân tán đi các chợ, khu dân cư để tuyên truyền Nghị quyết Đại hội với khẩu hiệu “Còn Thiệu còn chiến tranh, Chống Thiệu là chống chiến tranh, Tẩy chay quân sự học đường”…
Đặc biệt, khi chính quyền Sài Gòn đàn áp tàn bạo các sinh viên, học sinh như cán chết sinh viên Đặng Duy ở ngã ba đường Lê Lợi- Duy Tân (Huế); lính Mỹ bắn chết Bảo Dũng - một học sinh trường Quốc học tại chân cầu Bạch Hổ… nhiều cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh nổ ra rầm rộ, mạnh mẽ nhiều nơi để phản đối.
Tô đậm truyền thống yêu nước và cách mạng của học sinh, sinh viên miền Nam
Phong trào đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn của học sinh, sinh viên miền Nam là sự kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ trẻ Việt Nam trong lịch sử dân tộc, minh chứng sinh động cho truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[4].
Mục tiêu xuyên suốt của phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng nền giáo dục tiến bộ. Phong trào đấu tranh sôi nổi của học sinh, sinh viên đã góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhìn lại phong trào đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn của học sinh, sinh viên miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhân Kỷ niệm 73 năm Ngày học sinh sinh viên (09/01/1950 - 09/01/2023) và 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023) có ý nghĩa lịch sử và thực tiễn sâu sắc. Với tinh thần, ôn cố để tri tân, tự hào lịch sử vẻ vang để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Hòa Phạm
[1] Trần Bá Đệ (chủ biên): Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.316-318.
[2] Trần Bá Đệ (chủ biên): Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam, Sđd, tr.358.
[3] Dương Thi: “Bước phát triển mới của phong trào sinh viên, học sinh miền Nam”. Tạp chí Học Tập, số 11/1963, tr.67.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, trang 38.