Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, cùng với các yếu tố gia đình và xã hội, Người đặc biệt coi trọng vai trò của nhà trường trong đó người thầy là người có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước những khó khăn của đất nước, Người đã nghĩ ngay đến việc chăm lo giáo dục, bởi lúc này, “Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ"[1] và "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ"[2].
Cách đây 65 năm, tháng 8/1959, nhận thức sâu sắc vai trò của giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói chuyện tại “Lớp học chính trị của giáo viên”, nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của thầy giáo, cô giáo.
Giáo dục- đào tạo phải hết sức coi trọng vai trò của thầy giáo, cô giáo
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của thày giáo, cô giáo đối với xã hội. Người nhấn mạnh: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất..., những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang"[3]. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học tại Hà Nội, năm 1958 (Ảnh tư liệu)
Hồ Chí Minh là Người đầu tiên vinh danh nghề giáo, đặt người thầy vào vị trí được tôn trọng, cao quý nhất của xã hội. Muốn đạt được sứ mệnh vẻ vang ấy, người giáo viên phải nhận thức được “giáo viên ngày nay không phải là gõ đầu trẻ kiếm cơm, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc”[5]. Người nhấn mạnh người giáo viên là: “cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”.[6]
Người giáo viên phải nhận rõ trách nhiệm của mình “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”[7], “nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một công dân không tốt, cán bộ không tốt”[8] và “trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu”. Giáo viên phải luôn đặt câu hỏi “Dạy ai? Dạy để làm gì?” và phải luôn tăng cường trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải thương yêu chăm sóc học sinh như con em ruột thịt của mình, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, mỗi thầy giáo, cô giáo là những chiến sỹ trên mặt trận đó.
Giáo dục - đào tạo phải chú ý phẩm chất của giáo viên; nội dung, phương pháp và phong cách dạy học, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành
Mục tiêu của nền giáo dục Việt Nam là phải đào tạo ra những con người vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.[9] Muốn đạt mục tiêu giáo dục đó, trước hết phải chú trọng rèn luyện phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào ? Đức phải có trước tài,....chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”[10].
Ngày 21/10/1964, trong bài nói chuyện tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hồ Chí Minh nhấn mạnh những nội dung cốt yếu trong giảng dạy và học tập: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân”.[11].Người cho rằng nhà trường và thầy giáo phải dạy cho học sinh các nội dung giáo dục như thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục. Bên cạnh những nội dung giáo dục đó, Người cho rằng ngành giáo dục cần phải thực hiện tốt phương châm, phương pháp giáo dục-đào tạo. Trong phương châm, phương pháp giáo dục, Hồ Chí Minh chỉ rõ phải phải thực hiện 3 nội dung:
Một là, kết hợp học với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn. Triết lý giáo dục này được Hồ Chí Minh khẳng định là học đi với lao động, lý luận đi với thực hành, cần cù đi với tiết kiệm. Khi đến nói chuyện với giáo viên, học sinh Trường Đại học sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964), Người nói: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”.[12] Người phê phán lối học gạo, học vẹt, học mà không hành, chỉ biết lý luận suông mà không thực hành là trí thức một nửa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở lý luận phải liên hệ với thực tế, học đi đôi với hành. Lý luận là những điều được tổng kết từ thực tiễn nhưng lý luận chỉ là lý luận suông nếu nó không được thâm nhập trở lại vào thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1964
(Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng.”[13]. Tầm quan trọng của lý luận và sự cần thiết phải học tập lý luận được Hồ Chí Minh khẳng định nhiều lần trong các bài nói, bài viết. Người nghiêm khắc phê phán bệnh coi thường lý luận, tình trạng kém và thiếu lý luận, lý luận suông chỉ học thuộc lòng để đem lòe thiên hạ. Người lưu ý, lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải theo lý luận: “Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế.”[14]
Hai là, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội. Xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí mInh cho rằng giáo dục-đào tạo là sự nghiệp của toàn dân, do đó, Người đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chỉ khi nhà trường, gia đình và xã hội cùng nhau phụ trách việc giáo dục-đào tạo thì kết quả của sự nghiệp giáo dục mới hoàn thành: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.[15]
Ba là, học tập là công việc suốt đời của mỗi người. Với tinh thần học, học nữa, học mãi, Hồ Chí Minh nhấn mạnh học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời: “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời…Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi, thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ. Cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến kịp nhân dân”.[16]
Bác Hồ là một tấm gương học tập suốt đời bền bỉ và khiêm tốn. Trong suốt những năm 1954-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm các cơ sở ở Trung ương và địa phương khoảng 700 lần và ở bất kỳ đâu, gặp bất cứ đối tượng nào, Người cũng căn dặn phải học tập để nâng cao trình độ, biết được nhiều và phục vụ được tốt. Năm học mới 2024-2025, sắp cận kề, mỗi chúng ta, từ thầy giáo, cô giáo, đến học sinh, sinh viên phải luôn học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng học tập, rèn luyện đức, tài, phải lấy học tập là mục đích, là công việc suốt đời để đủ năng lực, phẩm chất, trình độ, phụng sự đất nước.
Minh Dương
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr7..
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr7.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr 402-403.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 270.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 266.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr 269.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr269.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr269
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 345.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr269.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr 400.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr 402.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 357.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 94.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr 59.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr 377.