Hội Gióng là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng. Qua Hội Gióng, nhiều nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian của người Việt đã được thể hiện đậm nét.
Theo truyền thuyết, Thánh Gióng gắn liền với cuộc đấu tranh chống giặc Ân ở đời Hùng Vương thứ 6. Sự kiện Thánh Gióng sinh ra, lớn lên và đánh giặc đều gắn liền với những yếu tố huyền sử, thể hiện khát vọng của nhân dân ta về sự xuất hiện của những người anh hùng cứu nước trong lúc đất nước lâm nguy.
Lễ hội Gióng tại đền Sóc. Ảnh: hanoimoi
Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời, nên hàng năm cứ ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng ở đây mở hội linh đình tại Khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng. Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Hội Gióng được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội - nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương”. Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Tuy nhiên, nghi lễ đặc biệt sẽ được diễn ra vào đêm mùng 5. Đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do đó, hội Gióng được xếp vào loại những lễ hội thờ Nhân thần, cụ thể là những vị thần có công trong việc đánh giặc cứu nước.
Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn rất phong phú, bao gồm: “Hiệu”- hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng; “Phù Giá” - đội quân chính quy; các “Cô Tướng” - tượng trưng các đạo quân xâm lược; Phường “Ải Lao”, trong đó có “Ông Hổ”, đội quân tổng hợp; “Làng áo đỏ” - đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “Làng áo đen” - đội dân binh…
Trong hội Gióng thường sử dụng rất nhiều cờ phướn. Chủ yếu là cờ phướn màu đỏ trên đó viết chữ “Lệnh” tôn nghiêm cùng với các động tác múa cờ Lệnh của ông Hiệu Cờ (vai diễn tượng trưng Ông Gióng). Động tác múa cờ là biểu đạt quan điểm cơ bản của phép luyện quân cùng phương pháp tác chiến để giành thắng lợi. Đó là “Quân lệnh phải nghiêm minh”, “Binh pháp phải mưu lược sáng tạo” (Múa cờ thuận và múa cờ nghịch).
Ngoài ra còn có phù giá ngoại (đội hình có tới 120 người) là những vai diễn đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ có hình quả dưa, trên có đính chín con rồng nhỏ, tượng trưng cho Đất, vai đeo một túi “bán nguyệt” có hình nửa vầng trăng, tượng trưng cho Trời, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của các ông “Xướng” và “Xuất”, tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường.
Trong lễ hội còn có 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân. Còn các màn rước lễ “Kén tướng”, “Kén Phù Giá”, và màn diễn “Săn hổ, bắt hổ, giúp hổ hoá thân” gợi nhắc suy ngẫm về quan điểm thẩm mỹ và đạo lý ứng xử truyền thống… Ngoài ra, lễ hội Gióng Phù Đổng cũng có nhiều màn hát chèo để mừng thắng trận nên thu hút sự tham gia của rất nhiều người. Không chỉ vậy, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…
Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).
Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó góp phần “nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc”[1].
Mặc dù có các nghi thức gắn với truyền thuyết Thánh Gióng nhưng giá trị nổi bật của lễ hội Thánh Gióng là giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam qua lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà Thánh Gióng là nhân vật đại diện. Truyện Thánh Gióng đã phản ánh một triết lý nhân sinh sâu sắc, có tính cốt lõi, đó là sự biết ơn, sự tôn thờ và tưởng nhớ những anh hùng đã có công với lịch sử dân tộc.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, coi như một phần bản sắc của họ, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho đất nước…
Năm 2010, Hội Gióng được UNESCO tôn vinh và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó cho thấy sự ghi nhận giá trị và sức lan tỏa của Hội Gióng không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà với cả thế giới.
[1] Bùi Hoài Sơn, “Lễ hội làng Gióng - nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian của người Việt”, Tạp chí Văn học nghệ thuật, số 5/2020
Thu Giang