Xứ Kinh Bắc nổi tiếng với những lễ hội dân gian đặc sắc, sự duyên dáng của những câu hát quan họ và sự yên bình lắng đọng của đời sống tinh thần. Tất cả những điều ấy dường như ta đều có thể tìm thấy ở Hội Lim, lễ hội kết tinh những nét độc đáo nhất của một vùng văn hóa.
Cảnh đoàn kiệu rước tại Hội Lim. Ảnh - Internet
Hội Lim không biết tự bao giờ đã đi vào tiềm thức của du khách thập phương gần xa, đặc biệt vào dịp đầu xuân, lòng người lại náo nức hướng về huyện Tiên Du (Bắc Ninh) như mong đợi một ngày hội lớn của một năm, nơi tụ họp của cộng đồng, chứng kiến những nghi thức tâm linh, những hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn cổ truyền, nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối con người ở khắp các vùng miền và các thế hệ khác nhau.
Là một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời, Hội Lim được kể rằng có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương. Xét về mặt lịch sử, Hội Lim phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ) trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú, như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…
Hội Lim được tổ chức chính thức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Hội Lim gồm 2 phần: Lễ và Hội. Hội Lim là hội chùa làng Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là hội của 6 làng nên đám rước sẽ đi và thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng tất cả các làng, tổ chức hội dọc theo dòng sông. Theo nghi thức cổ truyền, phần tế lễ cảm tạ Thành hoàng đã ban cho người dân trong vùng một cuộc sống ấm no, yên bình thì những liền anh, liền chị phải đứng thành hàng trước cửa lăng rồi hát vọng vào phía trong những bài hát ca ngợi công lao của vị thần linh được thờ như một lời cảm tạ của những người dân Kinh Bắc. Do vậy, bao đời nay, Hội Lim không chỉ là lễ hội khẳng định bản sắc văn hóa vùng Châu thổ sông Hồng với đầy đủ ý nghĩa về mặt tâm linh và văn hóa mà đó còn là sự tưởng nhớ đến những người có công xây dựng nên những ngôi chùa, là sự ghi nhớ về sắc phong được ban cho làng… Lễ hội cũng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, như một cách để những thế hệ trước lưu giữ truyền thống tốt đẹp cho những thế hệ sau.
Người dân quan họ tại Hội Lim. Ảnh - Nguoiduatin
Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.
Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội, đây là phần căn bản và đặc trưng nhất của Hội Lim. Hát quan họ - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, là sinh hoạt văn hóa nổi bật và cuốn hút nhất trong Hội Lim. Hát dân ca quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại quan họ) và khắp tại các chùa, đình hay thậm chí diễn ra ở bất cứ nơi đâu: trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ – dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương. Chỉ cần nơi đó có các liền anh với khăn xếp áo the, liền chị với áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người hát quan họ, bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, mê đắm của thơ ca và nhạc điệu nhằm bảy tỏ tình yêu trong sáng, son sắt thủy chung. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Các liền chị đứng một bên thuyền, bên những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng. Mỗi làng quan họ được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Chơi cờ người – trò chơi dân gian tại Hội Lim. Ảnh - Internet
Âm thanh, thơ và nhạc ngập tràn ngày hội hòa vào không gian huyền ảo của các nghi lễ tâm linh, sắc màu rộn ràng của những trang phục truyền thống như khiến con người đắm chìm trong thế giới thanh lịch cổ xưa. Giữa đất trời và tạo vật thắm đượm sắc xuân, trong dáng hình và câu hát của con người quan họ như chứa đựng những tinh hoa văn hóa từ bao đời, để hôm nay còn lan tỏa nét duyên đầy sang trọng.
Bởi những sinh hoạt văn hóa đặc sắc và tinh thần cộng đồng kết tinh lại thành những giá trị vượt thời gian, Hội Lim được duy trì hằng năm cho đến ngày nay và thu hút người người về trẩy hội mùa xuân. Lễ hội văn hóa này là sự tôn vinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam để gìn giữ và phát huy cho những thế hệ hôm nay và mai sau.
Kỳ Vận