Phối hợp với Mặt trận Trị-Thiên trong cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972, trên hướng Tây Nguyên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (từ ngày 24/4 đến ngày 5/6/1972). Những thành công của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên cho thấy sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, để lại bài học quý về nghệ thuật quân sự Việt Nam
Hướng tiến công phối hợp quan trọng trong năm 1972
Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (3/1971) đã đề ra những quyết sách quan trọng. Những quan điểm cơ bản của Hội nghị thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, đẩy mạnh các mặt trận quân sự, ngoại giao, buộc Hoa Kỳ và các nước đồng minh rút hết quân, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 5/1971, Bộ Chính trị xem xét phương án, kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972 của Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo và đề ra nhiệm vụ cho cách mạng miền Nam là kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế chiến lược tiến công mới trên toàn chiến trường miền Nam và cả trên chiến trường Đông Dương, đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972.
Trong tháng 6/1971, Quân ủy Trung ương họp, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, dự kiến trong năm 1972, hướng chủ yếu số 1 là chiến trường biên giới Campuchia và miền Đông Nam Bộ, hướng chủ yếu số 2 là chiến trường Tây Nguyên; hướng phối hợp quan trọng là miền núi Tây Trị-Thiên.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị-Thiên và Tây Nguyên, hình thành một cuộc tổng tiến công trên toàn miền Nam để tiêu diệt Quân đội Sài Gòn và mở rộng vùng giải phóng.
Vào thời điểm này, miền Đông Nam Bộ vẫn được Bộ Chính trị xác định là hướng chủ yếu.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Khu ủy V, Mặt trận Tây Nguyên cùng các tỉnh bắt đầu xây dựng kế hoạch quân sự và đấu tranh chính trị năm 1972; chỉ đạo các lực lượng vũ trang Tây Nguyên bắt tay vào chuẩn bị chiến dịch, trong đó, công tác mở đường chiến dịch và chiến đấu, công tác vận chuyển vật chất dự trữ cho các hướng tác chiến theo dự kiến là vô cùng quan trọng và khẩn trương vì yêu cầu mọi công tác chuẩn bị phải hoàn tất trước tháng 3 năm 1972.
Từ ngày 21/1 đến ngày 11/2/1972, Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “tập trung toàn lực, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị trên cả ba vùng chiến lược… Nhiệm vụ của bộ đội chủ lực là tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng quân ngụy, phá vỡ từng bộ phận thế bố trí phòng ngự của địch, mở rộng vùng giải phóng”.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 11/3/1972, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình chiến trường, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quyết định điều chỉnh hướng phối hợp quan trọng Trị-Thiên thành hướng tiến công chiến lược chủ yếu, Đông Nam Bộ và Bắc Tây Nguyên thành hướng phối hợp quan trọng, tạo thành cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên năm 1972
Ngày 23/3/1972, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm và kế hoạch của Quân ủy Trung ương lần cuối và xác định thực hiện tiến công chiến lược năm 1972 và hướng tiến công Tây Nguyên là hướng phối hợp quan trọng. Đồng thời, Bộ Chính trị nhắc nhở các cấp dự kiến và chủ động chuẩn bị phương án xử lý một số tình huống để chống lại sự phản kích của địch.
Chia lửa với Mặt trận Trị-Thiên
Trên hướng Bắc Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Mặt trận Tây Nguyên sử dụng lực lượng và binh khí kỹ thuật tăng cường, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân đội Việt Nam Cộng hòa, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum; khi có điều kiện, phát triển xuống Plei Ku, mở rộng vùng căn cứ tây Gia Lai, Đăk Lăk, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Trước khi mở màn cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972, ngày 28/3/1972, Bộ Chính trị họp, nhấn mạnh: “Cần nắm vững hai yêu cầu cơ bản là tiêu diệt cho được một bộ phận quan trọng lực lượng chủ lực ngụy, giải phóng các địa bàn rừng núi, đồng thời phải tiêu diệt và làm tan rã cho được phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địa phương ngụy, phá mảng, mở vùng, giải phóng đất đai”[1].
Trong bức điện số 182/B ngày 29/3/1972, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy và Bộ Tư lệnh quán triệt sự chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Kịp thời động viên các lực lượng trên các mặt trận trước khi mở màn chiến dịch, ngày 31/3/1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi thư, xác định quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng lúc này là “tập trung cố gắng cao nhất, nắm vững thời cơ thuận lợi, đẩy mạnh tấn công về mọi mặt, hành động kiên quyết, liên tục, đập tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Sau khi chiến dịch đã mở màn và giành được thắng lợi bước đầu, ngày 8/4/1972, Bộ Chính trị họp, đánh giá sơ bộ tình hình địch, ta, xác định thêm một bước phương hướng phát triển cuộc tiến công chiến lược.
Yêu cầu cơ bản mà Bộ Chính trị đặt ra trong việc chỉ đạo chiến lược lúc này là phải “tranh thủ thời cơ, sáng tạo thời cơ, kịp thời nắm vững thời cơ… mạnh bạo xốc tới đẩy mạnh tốc độ tiến công, đánh tiêu diệt mạnh hơn nữa, làm tan rã quân ngụy, giành thắng lợi to lớn, không để cho địch kịp tổ chức lại lực lượng để đối phó với ta”. Trong chỉ đạo đòn chủ lực, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Khi địch bị tiêu diệt nặng, chủ lực cần tập trung mạnh hơn, đánh vu hồi mạnh hơn và táo bạo hơn mới có thể làm cho quân địch tan rã nhanh hơn”[2].
Trung đoàn 66 Mặt trận Tây Nguyên làm chủ căn cứ 42 (Tân Cảnh, Kon Tum) trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Khu ủy V và Mặt trận Tây Nguyên đã thu được thắng lợi lớn trên chiến trường Tây Nguyên. Khi cuộc tiến công đang ở thế giằng co tại thị xã Kon Tum, ngày 4/5/1972, Bộ Chính trị điện gửi Trung ương Cục và Khu ủy V, thẳng thắn chỉ ra hạn chế của bộ đội chủ lực, đồng thời xác định phương hướng trước mắt “đẩy mạnh đòn tấn công của chủ lực và đòn đánh phá bình định… tạo nên cục diện chiến lược mới có lợi cho ta về mọi mặt, trên toàn chiến trường…”.
Trên cơ sở đó, Khu ủy V và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã căn cứ tình hình thực tiễn, chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch phát triển xuống thị xã Kon Tum, đánh địch ở vùng ven, rồi tập trung lực lượng tiến công ngoại vi thị xã và đánh cắt giao thông trên đường 14, phá vỡ một số khu vực phòng ngự phía Tây Bắc Thị xã Kon Tum. Ngày 5/6/1972, quân giải phóng chủ động kết thúc chiến dịch, chuyển sang chống phá bình định.
Hướng tiến công chiến lược Tây Nguyên đã triển khai theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Chiến dịch đã cơ bản thực hiện được ý định chiến lược làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, góp phần phát triển thế và lực của ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược sắc bén, sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong việc lựa chọn hướng và chỉ đạo hướng tiến công phối hợp Tây Nguyên năm 1972 là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc giành thế chủ động trong toàn bộ chiến dịch Bắc Tây Nguyên và phối hợp, chia lửa với Mặt trận Trị -Thiên, góp phần tạo nên thắng lợi vang dội của cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè1972.
Kim Oanh