Cù Lao Chàm là một cụm đảo nằm giữa biển Đông thuộc thành phố Hội An – tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm khu phố cổ Hội An 19km về hướng Đông, chiếm khoảng không gian chừng 15,5km2. Gắn với lịch sử hàng ngàn năm, Cù Lao Chàm có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm hương vị biển đảo. Trong đó, Lễ hội truyền thống là một trong những giá trị văn hóa nổi bật trong đời sống tinh thần của cư dân biển, đảo. Cho đến nay, những giá trị đó vẫn được gìn giữ và thể hiện sinh động trong đời sống xã hội của người dân nơi đây.
Đội chèo bả trạo trong Lễ hội Cầu Ngư Cù Lao Chàm. Ảnh: Internet
Lễ hội cầu ngư
Việc tôn sùng, tín bái cá Ông là một tập tục có từ lâu đời của hầu hết ngư dân vùng ven biển nói chung, Cù Lao Chàm nói riêng. Quan niệm của ngư dân cho rằng, Ông là vị thần biển, vị cứu tinh thường xuất hiện cứu vớt những người bị nạn trên biển. Vì vậy, khi cá Ông lỵ (luỵ) do đánh nhau với cá mập hoặc bị tai nạn, trôi dạt vào bờ thì ngư dân sẽ làm đám tang đúng theo sách Thọ mai gia lễ, sau đó chôn cất và đưa xương vào lăng thờ cúng.
Hàng năm, trước khi chuẩn bị ra khơi đánh cá vụ mới, ngư dân ở Cù Lao Chàm thường tổ chức Lễ cúng lăng Ông, gọi là lễ cầu ngư. Lễ này được tổ chức khá quy mô với sự tham gia của hầu hết mọi người sinh sống trên đảo. Lễ cúng cầu ngư diễn ra theo nghi thức tế lễ truyền thống vốn có từ bao đời nay của địa phương. Lễ Tế thường diễn ra trong hai ngày, ngày đầu người ta tổ chức bày trí trần thiếu trong lăng; đến tối thì tiến hành cúng lễ túc (còn gọi là lễ cáo yết hay lễ tiên nương). Sang ngày hôm sau thì tổ chức lễ nghinh thần. Để tiến hành lễ nghinh, người ta làm một kiệu thần rồi đặt lên một chiếc thuyền lớn, trên thuyền trang trí cờ hoa, cờ hội rất là lộng lẫy. Ngoài ra còn bố trí chiêng trống, đội nhạc để phụ trợ trong lễ nghinh thần. Sau khi nghinh thần về người ta tiến hành cúng âm linh, cầu an. Lễ cúng âm linh kéo dài hơn một giờ, sau đó người ta hoá vàng mã và tiếp tục phần tế ông thần Ngọc Lân Nam Hải. Lễ tế Ông thường có ba phần chính đó là sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Trong lễ cúng, bao giờ cũng có xướng tế, đọc văn tế và đi gia lễ. Thành phần tham dự chủ yếu trong lễ tế là các cụ cao tuổi, cư dân địa phương. Thông thường sau khi kết thúc tế lễ là phần hát chèo bả trạo, trước đây người ta còn tổ chức hát bội.
Cùng với phần Lễ là tổ chức các hội như đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, tổ chức hát bả trạo mà người dân địa phương quen gọi là hát chèo (hát bả trạo hay hát chèo hoặc vừa hát vừa cầm chèo diễn tả động tác chèo thuyền, chứ không phải như hát chèo ở miền Bắc). Đây là loại hình hát múa dân gian được ngư dân địa phương thường xuyên biểu diễn trong các dịp cúng cầu ngư, tế cá Ông... hát bả trạo được diễn với sự điều khiển ba ông tổng đó là ông tiền, tổng khoang và tổng lái (có khi thêm một tổng khậu), đám bạn chèo khoảng từ mười đến mười sáu người, tuỳ theo sự tổ chức của địa phương. Đội hình bả trạo được sắp theo lối chèo thuyền, ba tổng đứng giữa theo thứ tự chia thành hai hàng, đứng hai bên đường như đang đứng bên mạn thuyền. Nhạc khí phục vụ cho hát bả trạo, ngoài chiêng trống phải có thêm dàn cổ nhạc. Nội dung hát bả trạo thường gồm 3 phần chính đó là “ra khơi”, “bủa lưới” và “thuyền bị gặp nạn và được cá Ông cứu giúp”, trình tự của buổi diễn bả trạo giống như kết cấu của một hoạt cảnh thể hiện diễn biến từ khi thuyền ra khơi đến khi thuyền cập bến an toàn. Đặc điểm của hát bả trạo là có sự kết hợp với hình thức diễn tuồng, một hình thức diễn kịch cổ truyền rất được nhân dân Quảng Nam ưa thích. Ngoài lối múa chèo thuyền đã được nghệ thuật hoá, trong lối hát bả trạo còn có lối xuớng, xô và trình diễn các làn điệu dân ca như lý, hò, ngâm... được thể hiện qua tài năng của các nghệ nhân và đám bạn chèo tạo nên sự lôi cuốn hấp dẫn người xem từ mở đầu đến khi kết thúc.
Lễ hội tổ nghề Yến
Ở Cù Lao Chàm có hai ngôi miếu thờ Tổ Yến và các bậc thần thánh liên quan đến nghề khai thác yến Sào vào ngày 10/03 (âm lịch) hàng năm làm lễ cúng tổ nghề. Lễ tế Tổ nghề Yến ở Cù Lao Chàm có xướng tế, có chánh tế, tả hữu phân hiến, có cổ nhạc, đi gia lễ, đọc văn tế... là một trong những lễ hội lớn của Cù Lao Chàm nói riêng và cả Hội An nói chung. Thường lễ tế được diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu (9/3 âm lịch), những người chủ trì vận động bà con dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng khu vực cúng tế, bày biện lễ vật trên các bàn thờ. Đến tối các vị cao niên trong làng và các vị đại diện các tộc họ có liên quan đến nghề yến tập trung tại miếu tổ để tổ chức cúng lễ. Theo quan niệm của các vị cao tuổi, sở dĩ cúng lễ này là để cáo trước với chư tổ, thần thánh về việc tế chính ngày mai. Do vậy, lễ này diễn ra nhanh gọn, chỉ để dâng hương, đánh chiêng trống, không xướng tế, không đi gia lễ, đọc văn tế.
Phát Lễ tạ ơn Âm linh đã phù hộ cho nghề khai thác yến – Lễ Cúng Tổ nghề Yến. Ảnh: Internet
Sáng ngày 10/3 âm lịch, với những đội thuyền đã chuẩn bị sẵn, các vị chủ trì tễ lễ cùng bà con cử hành lễ nghinh thần, rước vọng. Dẫn đầu đoàn rước là một thuyền lớn, trước thuyền bày một bàn thờ lớn trang trí cờ hoa, cờ hội nhiều màu sắc rất lộng lẫy. Lộ trình của đoàn nghinh thần là lần lượt đi qua khu vực các lăng thờ, miếu thờ dọc trên các hòn đảo. Khi thuyền đến những nơi thờ tự, các vị chánh tế hướng về phía đó vái vọng, thỉnh mời, sau cùng là vái vọng những hòn đảo có chim yến làm tổ như Hòn Tai, hòn Khô... Khi đoàn nghinh thần hoàn thành “thủ tục” quay về thì chiêng trống trong miếu tổ bắt đầu nổi lên, án nghinh thần được khiêng vào đặt trong sân miếu và chuẩn bị tiến hành lễ cúng âm linh. Lễ tế âm linh cũng là lễ cúng quan trọng nên cũng diễn ra đúng theo trình tự các nghi thức tế lễ truyền thống như có xướng tế, có chánh tế, tả hữu phân hiến, có cổ nhạc, đi gia lễ, đọc văn tế...
Sau lễ âm linh là lễ Tế tổ, hình thức cũng tương tự như lễ âm linh, nhưng nội dung là ca tụng công đức của các bậc “tiền nhân sáng tạo” mở nghiệp, các bậc thần thánh bảo trợ cho nghề được “lâu bền”, để cho ngày nay hậu thế lại kế nghiệp phát triển, thôn xóm bình an, mọi người khoẻ mạnh. Sau lễ tế tổ, người ta thường tổ chức nhiều hoạt động thể thao phụ trợ như: thi kéo co, lắc thúng chai, đua thuyền ... để làm tăng thêm không khí vui nhộn trong ngày lễ hội.
Văn hóa tinh thần nói chung, văn hóa lễ hội nói riêng là cội nguồn sâu xa tạo nên sự độc đáo, nét riêng về văn hoá tại cụm đảo Cù Lao Chàm, qua đó góp phần làm nên sự đa dạng, độc đáo của di sản văn hoá Hội An - Quảng Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Hòa Phạm