Tháng bảy hàng năm được coi là tháng linh thiêng trong tâm thức của mỗi người con nước Việt. Đây là tháng để chúng ta tri ân, tưởng nhớ sự hi sinh, mất mát không gì bù đắp được của những người con ưu tú mà dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra, để cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc ngày nay đơm hoa, kết trái.
Trong hành trình tri ân đó, Truông Bồn là một địa danh đặc biệt.
“Truông” trong "tiếng Nghệ" là danh từ để chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở, hoang vu, có nhiều cây cỏ. Truông Bồn là một địa danh thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tiêu biểu là chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong - “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” - “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Ðại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An, vào ngày 31/10/1968.
Vào tháng 7/1968, đại đội 317 đã chọn 14 chiến sĩ, gồm 12 nữ và 2 nam, làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu bom nổ chậm, phối hợp với công binh phá bom, bảo đảm cho chặng đường giao thông qua Truông Bồn luôn thông suốt.
Sau chiến dịch “100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông”, Ban Chỉ huy Tổng đội đã cho phép xét chọn 8 chiến sỹ đã phục vụ hết thời gian 3 năm và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ.
Trong 8 người được chọn thì có 1 người ở nhà chỉ còn mỗi mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, 1 người có anh trai là liệt sĩ vừa hy sinh trên chiến trường miền Nam, một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới và 4 người được nhận giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. Tất cả 8 người đã chia tay đồng đội, chờ sáng mai trở về nhà.
Thế nhưng, đêm 30/10/1968, Đại đội 317 nhận lệnh phải cấp tốc thông đường để đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 thanh niên xung phong chuẩn bị xuất ngũ ấy đã xung phong cùng các đồng đội của mình ra hiện trường làm nhiệm vụ.
4 giờ sáng ngày 31/10/1968, toàn đơn vị khẩn trương san lấp hố bom. Đến 6 giờ 10 phút khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ đến oanh tạc. Vì giữ nhiệm vụ trực chiến nên 14 chiến sĩ thanh niên xung phong ấy không kịp rút về hầm trú ẩn và 13 người đã hy sinh khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là đến thời điểm 0 giờ ngày 1/11/1968 - thời điểm không quân Mỹ buộc phải ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc.
Chân dung 13 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh tại Truông Bồn, ngày 31-10-1968 . Ảnh: Internet.
13 thanh niên xung phong - 11 cô gái và 2 chàng trai - hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất là 17 tuổi và người nhiều tuổi nhất mới có 22 tuổi. Xương máu của các chị, các anh đã hoà vào đất mẹ, tâm hồn của các chị, các anh đã hoá thành linh khí non sông để làm nên huyền thoại Truông Bồn!
Hôm nay, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng của các Anh hùng Liệt sĩ Truông Bồn làm cho chúng ta tự hào hơn về lòng yêu nước, sự hy sinh, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh và cũng là hành động thiết thực để tô thắm thêm truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Thành Quang