Huỳnh Ngọc Huệ (1914- 1949) là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam. Tháng 8/1945, đồng chí cùng Tỉnh ủy Quảng Nam lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Đà Nẵng. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí được giao nhiều cương vị quan trọng, tham gia lãnh đạo nhân dân Quang Nam và Trung Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp
Người tù cộng sản trung kiên và tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn Quảng Nam
Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 09/8/1914, tại làng Thượng Phước, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Đây là nơi nhân dân có truyền thống lao động cần cù và tình thần yêu nước kiên cường, bất khuất.
Tháng 9/1934, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Huỳnh Ngọc Huệ vào học ở Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Ông là học sinh giỏi và có khả năng truyền thụ tốt, nên sau khi tốt nghiệp, được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Trong thời gian là học viên và làm giáo viên tại trường này, Huỳnh Ngọc Huệ đã gặp gỡ và tiếp thu được tư tưởng cách mạng của những cán bộ, đảng viên thoát ngục trở về hoạt động ở Huế. Từ đó, Huỳnh Ngọc Huệ cùng một số bạn bè cùng chí hướng tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh theo con đường cách mạng của Đảng.
Năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao làm Bí thư Chi bộ, Hội hướng đạo và Thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế.
Năm 1938, Huỳnh Ngọc Huệ tham gia ban lãnh đạo Đoàn Thanh niên dân chủ ở Huế. Sau đó, theo sự phân công của Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, Huỳnh Ngọc Huệ ra Thanh Hóa dạy nghề một thời gian. Tại Thanh Hóa, Huỳnh Ngọc Huệ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân địa phương tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng theo chủ trương của Đảng.
Ngục Đăk Glei, nơi đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ từng bị thực dân Pháp giam cầm trước Cách mạng tháng Tám (Ảnh Báo Kon Tum Online)
Cuối năm 1939, Huỳnh Ngọc Huệ bị chính quyền thực dân bắt và giam giữ tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), rồi đày lên Đắk Glei (Kon Tum). Tháng 3/1942, Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu tổ chức vượt ngục Đắk Glei. Để tránh sự theo dõi, truy bắt của địch, hai ông cải trang thành người đi buôn, tìm đường về đồng bằng. Khi về đến làng Rô (huyện Nam Giang), được đồng bào dân tộc thiểu số che chở, chăm sóc và chỉ đường, trở về Đại Lộc. Sau đó, Huỳnh Ngọc Huệ ra Đà Nẵng bắt liên lạc với cơ sở và những đảng viên còn hoạt động tại đây.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Huỳnh Ngọc Huệ lại bị địch bắt ở Đà Nẵng và đưa đi đày tại Trại giam Đắk Tô (Kom Tum). Với ý chí cách mạng kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí không khai báo với địch, tiếp tục vững tinh thần đấu tranh cách mạng. Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đồng chí đảng viên trong Trại giam Đak Tô ra tờ báo Tiến để tuyên truyền, cổ động tinh thần đấu tranh ở trong nhà tù của địch. Huỳnh Ngọc Huệ trực tiếp viết bài, bí mật tổ chức in báo, tuyên truyền, cổ vũ những người tù cộng sản giữ vững niềm tin, ý chiến chiến đấu, thắt chặt hàng ngũ đấu tranh, bảo vệ cán bộ, đảng viên, vận động quần chúng trong tù đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh của người tù chính trị cộng sản.
Năm 1944, Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục Đắk Tô thành công. Trở về Đại Lộc, đồng chí nhiều lần bí mật ra Đà Nẵng bắt liên lạc với các cơ sở của Đảng ở Sở hỏa xa. Thực dân Pháp truy lùng ráo riết, Huỳnh Ngọc Huệ bị địch bắt lại tại Đà Nẵng. Lần này, chúng đưa đồng chí ra giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó chuyển về giam ở nhà lao Con Gà, Đà Nẵng.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), Huỳnh Ngọc Huệ được ra tù, trở về quê Quảng Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Theo sự phân công của Tỉnh ủy, Huỳnh Ngọc Huệ phụ trách in và phát hành báo Cờ giải phóng và các tài liệu tuyên truyền khác của tỉnh ủy Quảng Nam.
Tháng 5/1945, tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam mở rộng (họp tại bến đò Ông Đốc), Huỳnh Ngọc Huệ được bổ sung vào Tỉnh ủy; được Tỉnh ủy phân công phụ trách Đà Nẵng. Hội nghị quyết định kiện toàn Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh, lấy mật danh là Việt Minh Vụ Quang để công khai tuyên truyền hiệu triệu quần chúng, củng cố hệ thống Việt Minh từ xã, tổng lên huyện, phủ.
Để có địa chỉ bí mật, Huỳnh Ngọc Huệ đã mua một ngôi nhà tranh gần chùa Tứ Bang (nay thuộc phường Hòa Thuận Đông) làm trụ sở của Ban Chấp hành Việt Minh. Từ cơ sở này, những tờ truyền đơn, những lời kêu gọi kháng Nhật của Việt Minh thành phố Đà Nẵng bí mật chuyển xuống các cơ sở cách mạng.
Ngày 12/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp ở Khương Mỹ, Tam Kỳ để bàn kế hoạch chớp thời cơ khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, Huỳnh Ngọc Huệ được cơ sở của ta trong hiến binh Nhật báo cho biết Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh. Ngay lập tức, Huỳnh Ngọc Huệ từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ báo tin cho Hội nghị.
Căn cứ chủ trương chung của Trung ương Đảng và tình hình thực tế ở địa phương, cũng như thông tin Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền; chuyển tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương. Theo đó, Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền Quảng Nam được thành lập, gồm 17 người, trong đó có Huỳnh Ngọc Huệ[1].
Để trung lập hóa quân Nhật đóng trên địa bàn tỉnh, Huỳnh Ngọc Hệ đã cử người tiếp xúc với chỉ huy quân Nhật ở Đà Nẵng. Qua cuộc tiếp xúc, quân Nhật đồng ý không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta; phía ta không tấn công và ngăn chặn quân Nhật đi lại trên quốc lộ 1.
Ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi ở tỉnh lỵ Hội An và các phủ huyện: Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc.
Tại Đà Nẵng, ngày 16/8/1945, Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì Hội nghị Thành ủy mở rộng (tại nhà ông Nguyễn Đăng Khoa) bàn kế hoạch giành chính quyền ở Đà Nẵng mà không tốn xương máu. Cũng trong ngày 16/8/1945, Thành bộ Việt Minh thành Thái Phiên cử ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố gồm Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Hệ, Nguyễn Trắc, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi và một số người khác, do Lê Văn Hiến làm Chủ tịch[2].
Để thống nhất hành động, Ủy ban khởi nghĩa thành phố quyết định lấy giờ phát tiếng còi tầm của Sở Bưu điện vào sáng ngày 26/8/1945 làm hiệu lệnh khởi nghĩa trong toàn thành phố. Theo đúng kế hoạch đề ra, cuộc khởi nghĩa ở Đà Nẵng đã nhanh chóng giành thắng lợi trọn vẹn. Quân Nhật án binh bất động, thị trưởng thành phố xin đầu hàng. 9 giờ sáng ngày 26/8/1945, lực lượng khởi nghĩa tiếp thu toàn bộ cơ quan, công sở của thành phố Đà Nẵng.
Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Quảng Nam trong Cách mạng tháng Tám (Ảnh Bảo tàng Thành phố Đà Nẵng)
Cương vị mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Sau khi nước nhà giành được độc lập, tháng 10/1945, Huỳnh Ngọc Huệ tham gia Xứ ủy Trung Kỳ, giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ, sau đó làm Phó Bí thư Xứ ủy, phụ trách công vận, được giao nhiệm vụ Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ, Chủ nhiệm, kiêm Thư ký toà soạn báo Tay thợ.
Đầu năm 1946, Huỳnh Ngọc Huệ được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Với uy tín và đóng góp xuất sắc cho cách mạng, ông đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I tại đơn vị bầu cử Quảng Nam.
Với trọng trách mới, Huỳnh Ngọc Huệ tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo phong trào công nhân và tổ chức công đoàn; trực tiếp lãnh đạo việc tổ chức Đại hội thành lập Liên đoàn lao động Trung Bộ.
Cuối năm 1946, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Trung Bộ, Huỳnh Ngọc Huệ được giao nhiệm vụ làm Phó Chính uỷ Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp chuẩn bị chiến trường. Trên cương vị mới, Huỳnh Ngọc Huệ tập trung chỉ đạo xây dựng các công binh xưởng ở khu vực Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong đó, xưởng sản xuất vũ khí thô sơ đặt tại Nhà máy ươm tơ Giao Thủy, Đại Lộc - Quảng Nam, quê hương ông trở thành xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng trong những ngày đầu kháng chiến kiến quốc.
Trong quá trình trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vũ khí, Huỳnh Ngọc Huệ thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức công đoàn trong các công binh xưởng.
Cuối năm 1946, Trung ương Đảng quyết định giải thể các xứ ủy ở Bắc Bộ và Trung Bộ để lập ra các khu và sau đó là liên khu (1948). Theo sự phân công của Đảng, Huỳnh Ngọc Huệ về công tác tại Liên khu V. Cuối năm 1947, ông làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn Khu V. Đến đầu năm 1949, Huỳnh Ngọc Huệ được Đại hội Đảng bộ Liên Khu V bầu làm Phó Bí thư Liên Khu ủy V.
Tháng 4/1949, trên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới do Trung ương giao, Huỳnh Ngọc Huệ bị bệnh nặng và qua đời ngày 27/4/1949, tại Quảng Ngãi.
Huỳnh Ngọc Huệ ra đi khi mới 35 tuổi, sự nghiệp cách mạng còn dang dở, đang tràn đầy đầy tài năng, nhiệt huyết cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho quê hương Quảng Nam và cả dân tộc.
Được tin Huỳnh Ngọc Huệ mãi mãi ra đi, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới Louis Saillant đã viết: “Sự ra đi của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, một chiến sĩ quả cảm và tận tụy của giai cấp lao động Việt Nam, là một thiệt thòi lớn cho phong trào lao động Việt Nam…”[3].
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ dù ngắn ngủi nhưng để lại cho các thế hệ sau một tấm gương cộng sản trung kiên, người cán bộ cách mạng đầy nhiệt huyết, tận tụy, gương mẫu, hy sinh, cống hiến trọng cuộc đời cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân.
Hải Đăng
[1] Tỉnh ủy Quảng Nam- Thành ủy Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 183-184.
[2] Tỉnh ủy Quảng Nam- Thành ủy Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.194.
[3] “Huỳnh Ngọc Huệ với quê hương”, Báo Quảng Nam điện tử, ngày 14/5/2016. http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/nha-vat/201605/huynh-ngoc-hue-voi-que-huong-677123/index.htm