Từ một trí thức yêu nước, Huỳnh Tấn Phát đã đến với lý tưởng Cộng sản và cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913 trong một gia đình địa chủ tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre . Huỳnh Tấn Phát ngay từ nhỏ đã tỏ rõ là một người thông minh, có năng khiếu về hội họa và kiến trúc.
Năm 1933 ông đậu tú tài toàn phần, thuộc hạng ưu. Sau đó ông vào học khoa kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1938, ông tốt nghiệp với bằng thủ khoa của trường này và trở thành một kiến trúc sư danh tiếng.
Khi còn là sinh viên, trong tình hình phong trào cách mạng lên cao, nhiều trí thức đến với Đảng, hoạt động trong các phong trào yêu nước, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đứng lên chống kẻ thù xâm lược, người sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Huỳnh Tấn Phát đã có cảm tình với Đảng Cộng sản và quyết định dấn thân vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc.
Ông tích cực tham gia phong trào Đông Dương Đại hội (1936 – 1939) – một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, có sự liên kết với quần chúng qua tổ chức Mặt trận Dân chủ Đông Dương và sự ủng hộ của các đảng phái, nhân sĩ, trí thức trong nước.
Năm 1940, ông mở văn phòng kiến trúc sư tại số nhà 68-70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu). Ông đã nhiều lần đoạt giải thưởng lớn về kiến trúc đô thị, trong đó có giải nhất cuộc thi đồ án xây dựng khu trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương tại vườn Ông Thượng (vườn Tao Đàn ngày nay) do Toàn quyền Decaux đứng ra tổ chức vào năm 1941.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát tại căn cứ địa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Ảnh tư liệu)
Năm 1944, ông là chủ bút tờ tuần báo Thanh Niên. Tờ báo đã trở thành diễn đàn tập họp giới trí thức có tinh thần dân tộc, tích cực tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, phong trào cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ.
Ngày 5/3/1945, Huỳnh Tấn Phát vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm báo Thanh Niên và cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra tổ chức Thanh Niên Tiền Phong do Xứ ủy Nam Kỳ (còn gọi Xứ ủy Tiền Phong) của Trần văn Giàu lãnh đạo.
Phong trào Thanh niên Tiền Phong nhanh chóng lan rộng, thu hút rất nhiều thanh niên và trí thức tham gia, trở thành một lực lượng quan trọng cho Cách mạng Tháng Tám (1945). Ông tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trước ngày lễ Độc lập (2 /9/1945), Huỳnh Tấn Phát được giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy thực hiện công trình Kỳ đài cao 15 m, ghi tên 11 vị trong Lâm ủy Nam Bộ tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi chỉ trong 1 đêm 24/8/1945.
Tại Kỳ đài này, ngày 2/9/1945, ông Trần Văn Giàu thay mặt Lâm ủy Nam Bộ đọc bài diễn văn chào mừng ngày độc lập, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc tuyên thệ của Chính phủ, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính quyền Nam Bộ được thành lập, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Ủy ban hành chính Nam Bộ cử giữ chức Phó Giám đốc Sở Thông tin báo chí.
Thực dân Pháp trở lại xâm lược, Huỳnh Tấn Phát bị thực dân Pháp bắt giam, nhưng là kiến trúc sư có tên tuổi, có uy tính trong nhân dân thành phố, nên ông được thả sau ba ngày bị bắt.
Tháng 01/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội.
Đầu năm 1946, Huỳnh Tấn Phát bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn. Tại đây, ông có vai trò quan trọng trong thành lập “Liên đoàn tù nhân Khám lớn Sài Gòn” và được bầu làm Trưởng ban đại diện.
Tháng 11/1947, sau khi ra tù và liên lạc được với tổ chức, ông được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.
Năm 1949, ông ra chiến khu Đồng Tháp hoạt động và giữ chức Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc sở Thông tin Nam Bộ.
Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn thành lập, Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc Khu, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn – Chợ Lớn tự do .
Hiệp định Geneva được ký kết, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong chuyến đi thực tế tại phá Tam Giang (Ảnh tư liệu)
Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, từ đây ông tiếp tục vận động nhân sĩ trí thức đấu tranh đòi chính quyền miền Nam thi hành Hiệp định Geneva. Thời gian này, ông tham dự thi thiết kế nhà văn hóa đoạt giải nhì (không có giải nhất). Thư viện Sài Gòn ( đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện ) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn được giới kiến trúc và công chúng đánh giá cao về giải pháp tổ chức không gian và hình khối chi tiết kiến trúc.
Cuối năm 1956, Huỳnh Tấn Phát được bổ sung và Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ trách trí vận và chính quyền vận.
Đầu năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam vẫn chưa ra khỏi tình trạng khó khăn. Chính quyền miền Nam tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” dồn dân lập “khu trù mật” xây dựng căn cứ quân sự, nhưng ông không ngại khó, ngại khổ, từ bỏ cuộc sống đô thị đi vào căn cứ kháng chiến ở vùng tam giác sắt (Củ Chi- Trảng Bàng – Bến Cát), địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, được phân công làm Khu Ủy viên chính thức Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và được phân công phụ trách công tác vận động trí thức, tư sản và công tác Mặt trận.
Với cương vị được giao, ông tiếp tục móc nối xây dựng lực lượng trong nội thành, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới.
Năm 1960, Huỳnh Tấn Phát bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, ông được đề cử giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phòng Miền Nam Việt Nam.
Năm 1961, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định.
Sau Mậu Thân 1968, cách mạng Miền Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, để có tính hợp pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Đại hội đại biểu quốc dân Miền Nam (6/1969) bầu giữ chức Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Với uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và uy tín của ông, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tập hợp được rộng rãi nhiều lực lượng, nhiều nhân sĩ, trí thức ủng hộ độc lập, hòa bình và được nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước tư bản chủ nghĩa cộng nhận và quan hệ ngoại giao. Ông là người duy nhất làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho đến ngày đất nước thống nhất.
Sau ngày đất nước thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I,II,III,VI,VII,VIII.
Mặc dù bận việc lãnh đạo, nhưng ông vẫn dành thời giờ cho công tác kiến trúc, làm Trưởng Ban Chỉ đạo quy hoạch Thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đồ án này đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển của Thủ đô sau này. Ông đã chỉ đạo và góp ý kiến vào các dự án kiến trúc quy hoạch các đô thị trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu-Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn... Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương -1978, Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979-1985.
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( năm 1996), Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.
Cuộc đời và sự nghiệp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tiêu biểu của tinh thần dân tộc, là một tấm gương sáng về đạo đức, luôn gần gũi, quý trọng nhân dân, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và Tổ quốc. Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm; một nhà lãnh đạo tài năng, sống liêm khiết, giản dị, khiêm nhường, mẫu mực; là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo. Huỳnh Tấn Phát đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc.
Minh Phương