Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh và bao giờ cũng tìm ra một cái cớ gì đó để tiến công đối phương. Đối với cuộc chiến tranh xâm lược chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ đã tạo dựng Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, lừa dối Quốc hội Mỹ thông qua "Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ", để leo thang và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, trận tiến công Trân Châu Cảng của Nhật Bản buộc Hoa Kỳ tham chiến, chia sẻ gánh nặng với các nước Đồng Minh. Năm 2001, việc lực lượng Ankaiđa tiến công tòa tháp đôi ở New York là cái cớ để Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh ở Afghanistan, lật đổ sự thống trị của lực lượng Taliban.
Tuy nhiên, không phải bao giờ Hoa Kỳ cũng có một cái cớ hợp pháp để tiến công các quốc gia họ coi là thù địch. Trường hợp Hoa Kỳ tiến công lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 ở Irag hay tiến công lật đổ chế độ của tổng thống Libya Gaddafi năm 2011 là như vậy. Để tiến công các quốc gia này nước, Hoa Kỳ đã dựng nên cái cớ các quốc gia này phát triển bí mật vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân, tài trợ chủ nghĩa khủng bố.
Năm 1964, để cứu nguy cho chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, ngoài việc tăng cường cố vấn Mỹ vào miền Nam, Hoa Kỳ âm mưu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, với mục tiêu ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Muốn tiến hành chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giới diều hâu của chính quyền Jonson phải tìm ra cái cớ để được quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận. Một nghị quyết được dự thảo sẵn và để nghị quyết đó được Quốc hội thông qua, chính quyền Washington đã chủ động tạo dựng “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.
Tháng 6/1964, Tổng thống Mỹ Johnson giao cho trợ lý William Bundy soạn dự thảo một nghị quyết nhằm trao cho tổng thống quyền sử dụng vũ lực lúc cần, để trình Quốc hội Mỹ vào thời điểm chín muồi với nội dung báo cáo về việc lực lượng hải quân Mỹ trong khi thực thi nhiệm vụ ở hải phận quốc tế, bị hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vô cớ tiến công.
Để thực hiện điều đó, Hoa Kỳ liên tục cho tàu chiến vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là hỗ trợ tàu hải quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa bắn phá hay đổ bộ vào các khu vực bờ biển thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhằm khiêu khích lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Khu trục hạm USS Maddox mang số hiệu 731 và và Turner Joy số hiệu 951, liên tục có những chuyến tuần tra, thu thập thông tin tình báo và bắn phá dọc theo bờ biển miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, có những thời điểm, khu trục hạm Maddox chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 20 km, tiến hành pháo kích vào các mục tiêu trên bờ biển và tiến công các tàu cá của ngư dân miền Bắc Việt Nam.
Khu trục hạm USS Maddox (Ảnh tư liệu)
Ngày 30/7/1964, tàu chiến Việt Nam Cộng hòa được Hải quân Mỹ hỗ trợ pháo kích, nhằm đổ bộ vào hai đảo của Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ là đảo Hòn Mê và đảo Hòn Ngư, đặt lực lượng Hải quân của miền miền Bắc trong tình trạng báo động.
Trước hành động khiêu khích vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tối 2/8 /1964, ba tàu phóng ngư lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến công tàu khu trục hạm Maddox, buộc tàu này phải chạy xa xuống phía Nam. Cuộc tiến công bằng ngư lôi không gây thiệt hại gì cho cả hai bên. Sau đó, máy bay Mỹ từ các tàu sân bay đã tiến công trở lại các tàu phóng lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam, gây một số thiệt hại.
Ngay sau sự kiện này, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ thúc giục Tổng thống Johnson trả đũa miền Bắc Việt Nam. Mặc dù biết rõ Hải quân nhân dân Việt Nam tiến công tàu Mỹ do bị khiêu khích và vì tàu chiến Mỹ hỗ trợ hải quân Việt Nam Cộng hòa tiến công các hòn đảo ở miền Bắc, Chính quyền Mỹ vẫn ra tuyên bố cảnh báo "sẽ có hậu quả nghiêm trọng, nếu tàu chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục tiến công tàu chiến Mỹ".
Ngày 4/8 /1964, trong quá trình thu thập tin tức tình báo, một điện đài viên của Mỹ dịch thông tin điện đàm của Quân đội nhân dân Việt Nam và kết luận một cuộc tiến công nữa sắp diễn ra. Tàu khu trục Maddox và tàu khu trục Mỹ Turner Joy chuẩn bị sẵn sàng đón một đợt tấn công mới.
Mặc dù cuộc tiến công thứ hai không hề xảy ra, nhưng vào thời điểm đó, trắc thủ radar Mỹ trên tàu Maddox và Turner Joy vẫn báo cáo có đợt tấn công thứ hai. Chỉ huy tàu báo cáo với Johnson về cuộc tiến công. Nhận được báo cáo này, Tổng thống Johnson quyết định hành động trả đũa.
Ảnh chụp từ tàu USS "Maddox" cho thấy ba tàu phóng ngư lôi của
Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp cận tàu Maddox (Ảnh Internet)
Sáng ngày 4/8/1964, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mcnamara điện đàm với Tổng thống Johnson, đề nghị nhanh chóng trả đũa "hành động gây hấn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Theo yêu cầu của Robert Mcnamara, Jhonson quyết định sẽ tiến công vào một số mục tiêu dọc bờ biển miền Bắc Việt Nam.
Hành động tự vệ chính nghĩa, hợp pháp của Hải quân nhân dân Việt Nam, bảo vệ chủ quyền lãnh , lãnh hải, đã được giới cầm quyền Hoa Kỳ lúc đó lấy làm cái cớ tạo dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.
Ngay lập tức, từ ngày 5/8/ 1964 không quân Mỹ đã mở chiến dịch ném bom vào một số mục tiêu thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Trung úy phi công Evertt Alvarez, đóng trên tàu sân bay USS Constenllation và phi đội A4 được lệnh tiến công các căn cứ tàu phóng lôi và kho xăng dầu ở gần cảng Hòn Gai. Máy bay của phi công Alvarez bị bắn rơi và Alvarez bị bắt sống. Đây là phi công Mỹ đầu tiên bị quân và dân miền Bắc bắt trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Việc Hải quân nhân dân Việt Nam đến công tàu Maddox Mỹ đã trở thành cái cớ để chính quyền Johnson trình Quốc hội Mỹ Dự thảo nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, cho phép chính quyền Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh chống phá Việt Nam dân chủ cộng hòa bằng không quân và hải quân. Việc phi công Alvarez bị bắn rơi và bắt sống được mô tả là “gây sốc, gây căm phẫn” dư luận Mỹ, đang bị dẫn dắt bởi thế lực hiếu chiến trong chính giới Mỹ muốn mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Tổng thống Johnson gửi cho Quốc hội dự thảo nghị quyết mà trợ lý William Bundy đã soạn sẵn trước đó hai tháng. Johnson yêu cầu Quốc hội thông qua nghị quyết, trao quyền xử lý tình huống mà ông cho rằng “Bắc Việt Nam đã gây hấn chiến tranh với Mỹ”. Ngày 7 /8/1964, với tỷ lệ phiếu 88/2, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết mang tên "Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ". Hạ viện Hoa Kỳ cũng thông qua Nghị quyết này ngay sau đó. Jhonson có được nghị quyết Vịnh Bắc Bộ mà theo ông ta là “rộng thênh thang” cho phép ông làm mọi thứ. Nó cho phép tổng thống Johnson “được áp dụng mọi biện pháp cần thiết, đẩy lùi bất cứ một cuộc tiến công vũ trang nào chống lại lực lượng Hoa Kỳ và sẵn sàng tiến hành mọi bước cần thiết, kể cả dùng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kì một nước đồng minh nào cần đến sự giúp đỡ để bảo vệ nền tự do của mình”. Đây là cơ sở để Johnson ra lệnh thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại, dùng không quân ném bom miền Bắc Việt Nam một cách hợp pháp, đồng thời mở rộng chiến tranh trên bộ ở Miền Nam Việt Nam.
Rõ ràng “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” đã được chính quyền Mỹ soạn thảo từ rất sớm và chủ trương vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, khiêu khích, buộc quân đội nhân dân Việt Nam phải có hành động đáp trả và chính quyền Mỹ lấy đó làm cái cớ để tiến hành và mở rộng cuộc chiến tranh ở cả hai miền Nam - Bắc không lâu sau đó. Ngày 8/3/1965, Hoa Kỳ chính thức đổ quân vào tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam và tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc.
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ cho thấy tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam, kiên quyết tiến công kẻ thù khi chúng vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nó cũng cho thấy dã tâm của Hoa Kỳ, bằng mọi cách, kể cả lừa dối Quốc hội và dư luận Mỹ để leo thang tiến hành cuộc chiến tranh chống một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Cho nên, nếu không có sự kiện Vinh Bắc Bộ ngày 4/8/1964 thì sẽ có Sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào một thời điểm khác, bởi nước Mỹ đã soạn sẵn Nghị quyết, và chủ trương theo đuổi một cuộc chiến tranh với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đánh giá về sự kiện Vịnh Bắc Bộ, các nhà làm phim The Vietnam War cho rằng “Những diễn tiến sau đó (việc Hải quân Mỹ báo cáo bị Hải quân nhân dân Việt Nam vô cớ tiến công) là một trong những sự kiện gây tranh cãi và gây hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ là hoàn toàn sai trái. Chính vì vậy, Ngày 24/6/1970, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với tỉ lệ 81/10, bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.
“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” mở ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, kéo dài đến tháng 11/1968. Trong cuộc chiến tranh phá hoại này, Hoa Kỳ đã thất bại thảm hại với hàng nghìn máy bay bị bắn rơi, hàng trăm phi công bị bắt sống, nhưng vẫn không ngăn cản được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam, không ngăn cản được ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta.
Phương Đỗ