Khát vọng lớn lao của nhân loại là giải phóng và phát triển. Cả cuộc đời mình, Karl Marx đã hoạt động, đấu tranh và góp phần to lớn trong việc hiện thực hóa khát vọng đó của nhân loại.
Karl Marx sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 ở thành phố Trier trong gia đình luật sư Heinrich Marx. Năm mười hai tuổi (1830) Karl Marx vào học trường trung học ở Trier. Mùa thu 1835, Karl Marx tốt nghiệp trường trung học, sau đó không lâu, tháng mười 1835, Karl Marx vào trường đại học tổng hợp Bonn để học luật. Hai tháng sau theo lời khuyên của bố, Karl Marx tiếp tục học ở trường Đại học Tổng hợp Berlin. Ở trường Đại học, năm 1836, ngoài luật học, sử học và ngoại ngữ, Karl Marx bắt đầu đi sâu nghiên cứu triết học. Mùa xuân 1837, Karl Marx bắt đầu nghiên cứu kỹ những tác phẩm của Hegel. Từ năm 1839 một phần của năm 1840, Karl Marx tập trung nghiên cứu những vấn đề lịch sử triết học cổ đại. Ngày 15 tháng 4 năm 1841, khi mới 23 tuổi, Karl Marx nhận được bằng tiến sĩ triết học.
Karl Marx là người có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có niềm say mê nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Karl Marx sớm có tinh thần dân chủ cách mạng và vô thần; có tinh thần nhân đạo, yêu thương con người và yêu tự do với ước mơ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bất công, nô dịch.
Karl Marx, Friedrich Engels và ba con gái của Marx (Ảnh tư liệu)
Ngay từ tháng 8 năm 1835, trong bài luận văn thi tốt nghiệp trường trung học với tựa đề Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề, Karl Marx đã viết: “Nếu con người làm việc chỉ vì bản thân mình thì may ra có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái vĩ đại, một nhà thơ ưu tú, nhưng không bao giờ có thể trở thành con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại. Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người”[1].
Theo sự định hướng đó, cả cuộc đời cống hiến của mình, Karl Marx đã góp phần hiện thực hóa khát vọng của nhân loại là chống áp bức, bóc lột, bất công, hướng để sự giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người bằng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Từ khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp, nhà nước, tình trạng áp bức, bóc lột, bất công cũng xuất hiện. Những cuộc đấu tranh phản kháng của những người nô lệ chống lại giai cấp chủ nô trong chế độ chiếm hữu nô lệ (từ khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ III sau Công nguyên); những nông nô chống lại địa chủ, quý tộc trong chế độ phong kiến (từ khoảng thế kỷ thứ III sau Công nguyên đến khoảng thế kỷ XVIII); những người vô sản chống lại giai cấp tư sản trong chế độ tư bản chủ nghĩa (từ thế kỷ XVI đến nay) chỉ nhằm thực hiện ước mơ, khát vọng lớn lao của nhân loại là giải phóng và phát triển.
Mâu thuẫn đối kháng giai cấp ngày càng lớn thì khát vọng được giải phóng của những người lao khổ ngày càng cao. Chủ nghĩa tư bản là chế độ áp bức bóc lột triệt để và sâu sắc nhất. Giai cấp tư sản đã thể hiện mọi thủ đoạn bóc lột tinh vi nhất, đến mức người lao động không còn giới hạn nào là không bị bóc lột. Tình trạng tha hóa lao động trong chủ nghĩa tư bản đã diễn ra. “Người công nhân mất đi niềm đam mê, sự sáng tạo, động lực lao động, họ không quan tâm đến hiệu quả sản xuất và sâu xa hơn nữa là, tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng tăng về tài sản cũng như đào sâu thêm cái vực thẳm giữa lao động và tư bản. Nguyên nhân là do “người công nhân ngày càng tạo ra nhiều hàng hóa, anh ta lại trở thành một hàng hóa càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế giới con người càng mất giá trị” [2]. Người công nhân không cảm thấy sung sướng mà lại cảm thấy khổ sở vì họ không phát huy được lao động tự do sáng tạo của mình trong lao động mà chỉ làm kiệt quệ thân thể mình. Trong xã hội tư bản, lao động của người công nhân không giúp họ khẳng định mình mà ngược lại. Khả năng chinh phục tự nhiên làm giảm dần sự lệ thuộc của con người vào vật, song lại làm trầm trọng thêm sự lệ thuộc của người vào người, tạo nên quan hệ tha hóa ngay trong bản chất của loài - quan hệ tước đoạt và bị tước đoạt đối với kết quả của lao động. Đó là sự tha hóa của người công nhân khỏi giới tự nhiên, khỏi bản chất tộc loài của mình. Do vậy, việc phủ định chế độ áp bức bóc lột trong chủ nghĩa tư bản nói riêng, xã hội loài người nói chung là tất yếu.
Khi nói về tính tất yếu ra đời chủ nghĩa xã hội, Karl Marx và F.Engels viết: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”[3]. Với ý nghĩa đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới” [4].
Phiên bản đầu tiên của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, được xuất bản bằng
tiếng Đức năm 1848 (Ảnh tư liệu)
Từ địa vị của người lao động làm thuê trong xã hội tư bản, Karl Marx đã cùng F.Engels luận chứng cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản – giai cấp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng nhân loại cần lao, xóa bỏ mọi hình thức áp bức bức, bóc lột, nô dịch, xây dựng một xã hội của con người, cho con người và vì con người, xã hội mà sự tự do của mỗi người là tiền đề cho sự tự do của tất cả mọi người.
Vào đầu những năm 40 thế kỷ XIX, giai cấp công nhân chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình nên phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân vẫn còn mang tính tự phát. Nhu cầu cấp thiết lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình. Trong bối cảnh đó, Karl Marx và F.Engels đã dày công nghiên cứu và kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, đồng thời hòa mình vào thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân để xây dựng nên một học thuyết mang tính khoa học và cách mạng, là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848), với sự luận giải một cách khoa học, Karl Marx và F. Engels khẳng định trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất, triệt để nhất, có khả năng lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa. Đồng thời, Tuyên ngôn cũng chỉ rõ trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp công nhân tất nhiên phải lập ra chính đảng của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng.
V.I.Lenin cho rằng “C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân, với những yêu sách của họ, là sản phẩm tất yếu của chế độ kinh tế hiện đại là cái chế độ, cùng với việc tạo ra và tổ chức giai cấp tư sản, đang không tránh khỏi tạo ra và tổ chức giai cấp vô sản; hai ông đã chỉ ra rằng không phải những mưu toan thiện ý của những cá nhân hào hiệp, mà chính là cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản có tổ chức, sẽ giải phóng loài người khỏi những tai họa hiện đang đè lên họ”[5]. V.I.Lenin cho rằng: “Có thể vắn tắt nêu công lao của Karl Marx và F.Engels đối với giai cấp công nhân như sau: hai ông đã dạy cho công nhân tự nhận thức được mình và có ý thức về mình, và đã đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”[6]. Đồng thời, Karl Marx và F. Engels dạy cho công nhân phương pháp đấu tranh trong sự nghiệp cách mạng lâu dài.
Sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, Chủ nghĩa Marx đã chấm dứt thời kỳ “mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Lý luận của Marx được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi quốc gia - dân tộc, đến các nền văn hóa - chính trị trong nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau.
Ngoài việc xây dựng “vũ khí lý luận” cho giai cấp vô sản, Karl Marx và F. Engels còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Marx, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân.
Năm 1864, Karl Marx sáng lập "Hội liên hiệp lao động quốc tế" và lãnh đạo hội đó suốt trong 10 năm. Hoạt động của "Hội liên hiệp quốc tế", - hội, theo Karl Marx, đã đoàn kết được vô sản ở tất cả các nước - có một tác dụng to lớn đối với sự phát triển của phong trào công nhân, tạo tiền đề cho cuộc cải biến vĩ đại trong lịch sử loài người.
Chủ nghĩa Marx từ một “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã được hiện thực hóa trong phong trào công nhân, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ chính trị - xã hội hiện thực đã cho thấy giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn của Chủ nghĩa Marx.
Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của loài người, là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Những thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của Chủ nghĩa Marx - Lenin, học thuyết khoa học và cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa lịch sử đã ghi nhận công lao vĩ đại của Karl Marx. Karl Marx là người góp phần hiện thực hóa khát vọng của nhân loại!
Kiên Định
[1] Nguyễn Bá Dương: Cội nguồn và sứ mệnh của học thuyết Mác, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008, tr.56
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.128.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.51
[4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.183
[5] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.3.
[6] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.5.