Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972, tên lửa SAM-2 do Liên Xô cung cấp đã trở thành khắc tinh của pháo đài bay B-52 của Mỹ, khi bắn rơi phần lớn máy bay B-52 trong toàn bộ chiến dịch
Những ngày cuối năm 1972, thay vì dùng máy bay ném bom chiến thuật, đế quốc Mỹ đã tiến hành “Chiến dịch Linebacker II” sử dụng loại máy bay ném bom chiến lược B-52 làm nòng cốt (còn được gọi là “pháo đài bay”, “con át chủ bài không lực Hoa Kỳ”), dồn dập ném bom rải thảm huỷ diệt Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên và nhiều địa bàn khác ở miền Bắc Việt Nam. Đây là cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộcchiến tranh trên thế giới.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân Mỹ muốn tạo ra thế mạnh để sửa đổi một số điều trong bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam mà ta và Mỹ đã thỏa thuận tại Hội nghị 4 bên đàm phán ở Kleber (Thủ đô Paris, nước Pháp), "lên dây cót" cho chính quyền Sài Gòn. Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Bắc 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 được nhiều người ví là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Và, từ đó, cụm từ này đã được “neo chốt” trong ngôn ngữ Việt Nam, trở thành sự ghi dấu trận quyết chiến chiến lược, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Sự tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 (có sự dẫn đường, gây nhiễu rađa rất mạnh và rất dày từ các máy bay tiêm kích khác) đã đặt Thủ đô Hà Nội vào tầm trút bom và dìm thành phố đông dân này vào trong khói lửa với sự đổ nát, thương vong tại các bệnh viện (điển hình là ở Bệnh viện đa khoa Bạch Mai, một bệnh viện lớn nhất miền Bắc lúc này), tại nhiều trường học, cơ sở giao thông, cơ sở văn hóa, khu dân cư đông đúc (rõ nhất là Khu Khâm Thiên), thậm chí vào cả một số cơ sở ngoại giao.
Pháo đài bay B-52
Chỉ trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Hoa Kỳ đã sử dụng 193/400 chiếc máy bay chiến lược B-52, tức là gần một nửa so với toàn quốc; 1077/3041 máy bay chiến thuật, tức là gần 1/3 số máy bay toàn quốc, cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác, ném gần 40.000 tấn bom, vượt rất xa trọng lượng bom mà Mỹ đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ 3 năm 1969, 1970, 1971.
Máy bay B-52 là loại bay ở tầm cao khoảng 10 km. Muốn tiêu diệt được B-52 thì phải có tên lửa. Bộ đội tên lửa của ta đã chuẩn bị nhiều phương án đánh địch, đặc biệt là sử dụng tên lửa với ký hiệu tiếng Nga là C-75 Dvina, tên do NATO gọi là SA-2, ở Việt Nam được gọi là SAM-2. Đây là loại tên lửa đất đối không tầm cao, lên đến 25 km, được điều khiển bằng hệ thống rađa ba tác dụng. Đạn tên lửa dùng trong hệ thống SAM-2 có ký hiệu V-750 hai tầng: tầng 1 là động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn; tầng 2 là động cơ hành trình sử dụng nhiên liệu tên lửa lỏng với đầu đạn tạo mảnh, chứa gần 200kg thuốc nổ. Khi cách mục tiêu khoảng 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích hoạt ngòi nổ sát thương gây nổ đạn. Khi đầu đạn được kích nổ sẽ sinh ra nhiệt lượng rất lớn, sóng xung kích mạnh và tạo ra hàng chục nghìn mảnh đạn để tiêu diệt mục tiêu. So với hiện nay, với khoa học công nghệ phát triển mạnh thì tên lửa SAM-2 “không là gì”, nhưng ở vào thời điểm năm 1972, nó đang đứng đầu bảng đối với việc tiêu diệt mục tiêu máy bay B-52 của Mỹ.
Dự đoán thế nào rồi Mỹ sẽ dùng B-52 đánh miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ý kiến chuẩn bị thật chu đáo cho việc “nghênh chiến”, trong đó có việc chúng ta đã tranh thủ được sự viện trợ tên lửa SAM-2 của Liên Xô. Các đơn vị bộ đội tên lửa đã được thành lập, ngày đêm diễn tập sẵn sàng chiến đấu. Từ tháng 4/1965, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tới Việt Nam để huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội tên lửa Việt Nam. Bộ đội tên lửa của Quân đội ta với vũ khí SAM-2 trở thành một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Ngày 24/7/1965, trận đầu ra quân của bộ đội tên lửa, ta đã bắn rơi tại chỗ 3 trong đội hình 4 chiếc F-4, khiến không quân Mỹ khiếp đảm. Từ đó cho đến hết cả hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1968 và năm 1972), các đơn vị tên lửa SAM-2 đã đánh hơn 3.540 trận, phóng hơn 5.880 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ (có 366 chiếc rơi tại chỗ), trong đó có 43 máy bay B-52.
Lực lượng phòng không được điều chỉnh với sự ưu tiên bố trí cho các địa bàn trọng yếu, xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng ba thứ quân, củng cố, triển khai một cách bài bản lực lượng hậu cần, phục vụ chiến đấu. Các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Trung ương Đảng, cho đến trước 12 ngày đêm tháng 12/1972 đã chuẩn bị với tinh thần quyết tâm sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Đặc biệt là tên lửa SAM-2 đã 5 lần được bộ đội ta cải tiến nhằm dễ cơ động hơn, cải tiến các thông số, trong đó có việc kích hoạt ngòi nổ để bắn cho chính xác và đặc biệt là chống được nhiễu rađa, một kỹ thuật không dễ gì bởi trình độ kỹ thuật gây nhiễu rađa của Mỹ rất cao. Việc cải tiến này tỏ ra rất có hiệu quả, nhất là ở trong các đợt đánh máy bay ở miền Tây tỉnh Quảng Bình. Chuyên gia tên lửa của Liên Xô thật sự khâm phục sự mưu trí của bộ đội tên lửa Việt Nam đã dám mày mò kiên trì cải tiến cả SAM-2. Đồng thời, lúc này phía Liên Xô cũng đã cho ra đời tên lửa mang ký hiệu SAM-3, tiên tiến hơn thế hệ tên lửa SAM-2.
Tên lửa SAM-2 xung trận
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, ở trận “Điện Biên phủ trên không”, quân đội ta chủ yếu sử dụng tên lửa SAM-2 để bắn rơi máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Đồng thời, phía ta tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô về việc chuyên chở tên lửa SAM-3 sang Việt Nam. Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 đã bắn rơi 29 chiếc máy bay B-52 trên tổng số 34 chiếc bị bắn rơi. Nhìn ở phạm vi thế giới thì cho đến nay, Việt Nam được coi là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B-52, hạ bệ “thần tượng” của không lực Hoa Kỳ.
Có ý kiến cho rằng, nếu sau 12 ngày đêm đó, tức là từ ngày 31/12/1972 trở đi, Mỹ vẫn tiếp tục tập kích Thủ đô Hà Nội và một số địa bàn khác của miền Bắc bằng máy bay B-52 thì phía Việt Nam sẽ không còn tên lửa SAM-2 để chiến đấu nữa vì kho vũ khí SAM-2 đã trống rỗng. Đúng là gần hết SAM-2 thật, nhưng chúng ta có SAM-3 hiện đại hơn. Tên lửa này cũng do Liên Xô sản xuất, tên tiếng Nga là C-125, còn NATO gọi là SA-3 Goa. SAM-3 có nhiều ưu thế hơn SAM-2, trong đó có việc tìm mục tiêu bằng tia hồng ngoại, bệ phóng gắn được nhiều tên lửa hơn, dễ di chuyển hơn, chống nhiễu tốt hơn, khắc phục được một cách hiệu quả hơn so với SAM-2 vì SAM-2 có nhiều hạn chế về mặt chống nhiễu. Trước khi cải tiến SAM-2, hiệu suất bắn rơi của ta khi dùng SAM-2 là 1/7, tức là phóng 7 quả mới tiêu diệt được 1 máy bay Mỹ. Cũng trong những ngày cuối tháng 12/1972, các tên lửa SAM-3 cùng với những bệ phóng, máy móc, phụ tùng…lúc đầu tuy có trục trặc trong vận chuyển, nhưng đã có mặt vùng biên giới Việt - Trung và phía ta tích cực tháo gỡ nhiều trở ngại để đưa vũ khí, khí tài lên đường gấp rút về các trận địa. Do đó, nếu chiến sự kéo dài thì phía ta vẫn có đủ “cơ số tên lửa” SAM-3 tiếp tục chiến đấu.
Vẫn biết rằng, nhân tố bảo đảm thắng lợi trong cuộc chiến nói chung và trong thời buổi kỹ thuật vũ khí hiện đại nói riêng, hoàn toàn không phụ thuộc vào vũ khí trang bị mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, đặc biệt là yếu tố con người sử dụng vũ khí, nhưng lúc này, trong cuộc chiến đấu chống máy bay chiến lược B-52 thì vũ khí tên lửa SAM-2 vẫn là yếu tố trọng yếu. Vào những ngày cuối năm 1972, tên lửa SAM-2 cạn dần nhưng SAM-3 đã bắt đầu tới. Trong quân sự, kết quả cuối cùng là sự thể hiện qua ba yếu tố Thời-Thế-Lực. Ở đây, phía ta vẫn có đủ ba yếu tố đó. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 thể hiện chiến công tuyệt vời của tên lửa SAM-2 và cũng là thể hiện sự nhục nhã của của không lực Hoa Kỳ. Với thắng lợi này, ở Paris Thủ đô nước Pháp, Hiệp định được ký kết hoàn toàn có lợi cho ta. Một trang sử mới cho cách mạng Việt Nam được mở ra. Cùng với điều đó, cũng mở ra trang sử mới cho lực lượng bộ đội tên lửa Việt Nam anh hùng, mưu trí, sáng tạo, quả cảm.
Lê Miên