Trong bối cảnh đất nước tụt hậu, bị các thế lực ngoại bang xâm lược, đô hộ, Phan Châu Trinh đại diện cho các sĩ phu phong kiến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từng thể hiện khát vọng canh tân đất nước, xây dựng quốc gia hùng cường, từ đó giành lại và giữ vững nền độc lập dân tộc
Phan Châu Trinh sinh ra, lớn lên trong một giai đoạn lịch sử có những biến động dữ dội. Thế giới đang ở vào thời kỳ “cường quyền thịnh hành, hơn được yếu thua”[1]. Với Việt Nam, từ một nước phong kiến độc lập đã trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Triều đình phong kiến như Phan Châu Trinh ví chỉ còn là “cái xác chết mà Chính phủ Pháp ướp lại để dọa nhân dân Việt Nam”[2], còn thực trạng quốc dân thì “dân khí yếu hèn, dân trí mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Á cách xa không biết bao nhiêu dặm đường”[3].
Cứu nước bằng con đường nào? Phan Châu Trinh cho rằng, hiện thời dân trí, dân khí, tiềm lực quốc dân quá yếu kém, nếu bạo động thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá, ắt sẽ thất bại. Việc trước hết cần phải làm là thức tỉnh cho quốc dân “giật mình mở mắt” ra khỏi trạng thái “mê mê muội muội”, “bịt mắt vít tai”[4], còn chuyện bạo động phải tạm gác sang một bên.
Để thức tỉnh quốc dân, trước hết, ông nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc, đã từng “nghiễm nhiên là một nước lớn ở phương Nam”[5] nhằm lấy đó kích thích tinh thần dân tộc hiện thời. Phan Châu Trinh cũng đặt Việt Nam trong sự so sánh với các nước khác đang trên đà phát triển nhằm kích thích lòng tự ái, tự tôn dân tộc của quốc dân. Ông cũng chỉ ra xu thế thời đại: “Nhưng mà nay cái phong trào trong thế giới nó mãnh liệt lắm: ai thuận theo nó mà đi thì thuận buồm xuôi gió, ai không thuận theo nó thì cũng bị xô đẩy mà lướt đổ đi như rác cỏ”[6].
Hình ảnh trong ngày đưa tang Phan Châu Trinh (Ảnh: Khánh Ký)
Từ thức tỉnh quốc dân, Phan Châu Trinh đi đến chủ trương chấn hưng dân tộc bằng cách mở mang dân trí, bồi dưỡng dân khí, chăm lo dân sinh, nghĩa là cần phải bồi đắp nội lực quốc dân thì mới hướng cho quốc dân đủ khả năng tự chủ, khi đó mới có thể nói đến độc lập, giành lại chủ quyền quốc gia.
Theo ông, nếu không chăm lo sức dân, không chấn hưng dân tộc thì không đủ nội lực để giành lại chủ quyền đã đành, hơn thế nữa, việc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh còn là nhiệm vụ lâu dài, vì sau khi giành lại được chủ quyền còn phải hướng đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, có trình độ dân trí cao sánh cùng các liệt cường trên thế giới, như ông từng tuyên ngôn: “Trên thế giới này người ta kính nể kẻ mạnh và coi khinh những kẻ yếu, và người ta cũng chẳng rủ lòng thương hại những kẻ dốt nát và những kẻ ngu ngốc”[7].
Trước hết, Phan Châu Trinh chủ trương phải xây dựng luân lý quốc gia bằng cách đề cao chủ nghĩa dân chủ, dân quyền, xem dân là chủ nhân của nước và “Dân quyền là phép đổi dời non sông”[8].
Ông chủ trương hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ có “Hiến chương pháp luật ban hành”. Những người làm việc trong bộ máy nhà nước “Trong khi tuyển cử thì dân nó bầu”. Họ phải thực sự là những “hiền nhơn quân tử”, “cả chí kinh luân” và “Dẫu quan quyền nước, thực tôi dân nhà”. Đấy là những người có thực tài, thực tâm “Ai ai cũng phải lấy dân làm nề”. Người dân được tự do ngôn luận “nói năng nghĩ ngợi thỏa tình tự do”[9].
Phan Châu Trinh chủ trương con người Việt Nam mới phải là người biết học khôn học khéo, có tinh thần tự lực tự cường dám nghĩ dám làm, có tinh thần hợp quần vì lợi chung. Con người Việt Nam mới còn thể hiện ở sự văn minh ngay cả trong lối sống, nếp sống hằng ngày như biết ăn ở hợp vệ sinh, làm việc có ngăn nắp, kiệm ước trong chi tiêu, v.v… Và quan trọng hơn cả là con người Việt Nam mới với vị thế quốc dân, có lòng yêu nước thương nòi thật sự. Nếu “dân Việt Nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dể ta như ngày nay nữa”[10].
Ông rất quan tâm đến vai trò của kẻ sĩ. Theo ông, họ phải là những người có đại chí “lấy lợi hại của người cả nước làm lợi hại của mình, lấy sự an nguy của hàng ngàn hàng trăm năm làm an nguy của mình; thấy việc nghĩa thì mạnh bạo làm, trăm lần gãy không thối lui, thân có thể bị giết mà chí không thể đoạt”[11].
Muốn khai dân trí, chấn chân khí thì phải đổi mới giáo dục, bởi chỉ có giáo dục mới thay đổi được thân phận cho mỗi người và thay đổi vị thế quốc gia. Ông nói rõ: “Những sự giải thoát của chúng ta là nhằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ”[12]. Nền giáo dục mới phải tiếp cận với văn minh các nước tiên tiến, nhất là văn minh của các nước phương Tây; phải trọng về trách nhiệm công dân; trọng thực học, thực nghiệp và phải là nền giáo dục cho toàn dân theo tinh thần “quảng học vấn”.
Mộ Phan Châu Trinh tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Phan Châu Trinh chủ trương phải chấn hưng kinh tế để thoát cảnh “dân nghèo nước khó”. Trước hết phải đổi mới tư duy kinh tế, vượt lên tư duy tiểu nông, tiểu thương, tiểu công nghiệp của người dân. Mỗi người dân “ai ai cũng có trong thân một nghề” và phải là “nghề hay trí xảo”, có tinh thần hợp quần, từ “dĩ nông hợp quần” đến “dĩ thương hợp quần”; có khát vọng làm ăn lớn, hình thành một đội ngũ doanh nhân cùng chung vốn kịnh doanh cạnh tranh với tư bản nước ngoài; không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mình mà phải hướng đến một nền kinh tế mạnh của đất nước, khẳng định chủ quyền kinh tế của người Việt Nam[13].
Với Phan Châu Trinh, muốn cứu nguy cho dân tộc thì phải đề xướng quốc dân tự lực tự cường, dựa vào nội lực của chính mình. Tuy có đưa ra chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”, nhưng thực tế thì ông không thụ động ngồi chờ lòng tốt của chính quyền thực dân Pháp. Ông đã hăng hái đi cổ xúy duy tân không chỉ ở Quảng Nam mà còn ra các tỉnh Trung Kỳ, Bắc Kỳ, phát động thành phong trào duy tân sôi nổi, rộng khắp. Ông có niềm tin sâu sắc vào nhân dân và chủ trương phát huy vai trò của người dân để cứu nguy dân tộc, canh tân đất nước. Điều này được ông nói rõ: “Sự gì mà lòng dân vui theo thì sự đó sẽ làm nên được, nếu dân đã bằng lòng mà lại lợi cho nước, thì sao mà không làm được?”[14].
Khát vọng chấn hưng dân tộc, canh tân đất nước của Phan Châu Trinh không thể triển khai thực hiện thành công khi dân tộc ta còn nằm trong chế độ thuộc địa của thực dân Pháp như ông mong muốn. Như Huỳnh Thúc Kháng đã viết về ông: “Tuy là công vẫn chưa thành, chí vẫn chưa thỏa, còn đợi có người sau tiếp theo”[15]. Nhưng những quan điểm của Phan Châu Trinh về khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, phát huy toàn diện sức mạnh của dân tộc; xây dựng con người Việt Nam có trí tuệ, bản lĩnh, có quyết tâm và tín tâm xây dựng đất nước giàu, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xác định vị thế quốc gia, dân tộc đặt trong xu thế phát triển chung của thời đại để phát triển đất nước theo cùng thời đại, tiến bộ cùng thời đại vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Đây cũng chính là những vấn đề mà Đảng ta luôn quan tâm, chủ trương “khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”[16].
Văn Minh
Văn Minh