Năm học mới lại đến. 76 năm qua, mỗi khi tới dịp khai giảng năm học mới, chúng ta lại nhớ đến Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945. Bức thư chứa đựng tình cảm vô bờ bến của Người với lớp học sinh đầu tiên của chế độ dân chủ cộng hòa, cũng là lời gửi gắm đến các thế hệ học sinh về khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu
Từ khát vọng “ai cũng được học hành”
Ngày hôm nay, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, lễ khai giảng năm học mới diễn ra, mỗi nơi mang một sắc một sắc màu riêng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, nhiều địa phương tổ chức lễ khai giảng trực tuyến. Nhưng tựu chung vẫn là niềm hân hoan của con trẻ, của mỗi phụ huynh và của các thầy, cô giáo. Phấn khởi bước vào năm học mới chúng ta lại nghĩ về bức “Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng cách đây 76 năm. Bức thư là tâm huyết của Bác Hồ đối với học sinh, sinh viên cả nước, thể hiện muôn vàn tình thân yêu, niềm tin và hy vọng của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giàu mạnh.
Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một trang mới cho dân tộc Việt Nam. Giữa ngổn ngang công việc nước nhà trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư động viên khích lệ tinh thần thế hệ tương lai của đất nước. “Thư gửi các học sinh” trong cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lời hiệu triệu biết bao thế hệ Việt Nam có lý tưởng và động cơ học tập đúng đắn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một lớp học vỡ lòng tại phố
Hàng Than, Hà Nội, năm 1958 (Ảnh tư liệu)
Hiểu được cảm xúc sung sướng của một con người tự do, công dân của một quốc gia độc lập, Người đã hình dung ra không khí hồ hởi, vui tươi của các em ngày đầu tiên bước vào năm học mới. Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức thân ái, gần gũi, tâm tình, Bác đã hòa chung niềm vui với học sinh cả nước nhân ngày khai giảng: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn”[1]. Sung sướng hơn nữa, “từ giờ phút này trở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”[2], nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập, thoát khỏi kiếp trâu ngựa với nền học vấn nô lệ của chính quyền thực dân. Học tập để mọi người Việt Nam hiểu biết về quyền lợi của mình, bổn phận của mình, có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà.
“Thư gửi các học sinh” nhân ngày khai giảng vừa thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến, vừa thể hiện niềm tin tưởng của Người đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người không đứng ở vị thế của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà Bác đã coi mình như người anh lớn để hòa mình cùng các em, các cháu học sinh, thể hiện tình cảm ruột thịt để khuyên bảo các em học hành, giáo dục truyền thống yêu thương nòi giống tổ tiên, giữ gìn giang sơn gấm vóc mà ông cha ta đã dày công tạo dựng. Người căn dặn học sinh cả nước với tình cảm của “một người anh lớn”: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”[3]. Bác hân hoan cùng niềm vui chung của cả dân tộc, của mỗi học sinh được tới trường khi nước nhà độc lập với niềm tin tưởng sâu sắc vào thế hệ tương lai của đất nước “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta.. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4].
Khát vọng ai cũng được học hành để xây dựng “nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”[5], sánh vai với các cường quốc năm châu là khát vọng thường trực, là mong mỏi của Người cũng như của Đảng, Nhà nước độc lập thể hiện sự tin yêu vào khả năng và vai trò to lớn của các em trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Ở đó, vừa đề ra yêu cầu cao đối với các em, vừa bộc lộ niềm yêu mến và tin cậy vào thế hệ trẻ - đó là phương pháp giáo dục tốt nhất mà Bác Hồ đã truyền dạy cho chúng ta. Đó là thắp lửa cho học sinh, ngọn lửa của niềm tin và khát vọng - đây là động lực lớn lao để mỗi học sinh học tập, phấn đấu thực hiện quyền lợi và trách nhiệm công dân đối với dân tộc. Đó là nền giáo dục mới, “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”[6], mà ở đó học tập là để khích lệ học sinh phát huy những tiềm năng sẵn có. Con người chúng ta ai cũng có những năng lực. Điều quan trọng nhất, giá trị lớn nhất của một nền giáo dục làm sao đó để phát huy được năng lực của con người. Nền giáo dục mới của nước Việt Nam đã định hướng và tạo điều kiện cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, giới tính, giàu nghèo, tôn giáo… được học tập, có điều kiện để phát huy năng lực của mình. Nền giáo dục ấy tạo ra những thế hệ công dân, cán bộ có đạo đức, có năng lực, có trình độ, có sức khỏe, kế tục được sự nghiệp cách mạng.
Lời của Bác thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ sáng suốt, tâm hồn giàu tình cảm khiến người đọc xúc động, tạo thành một sức mạnh lớn lao cổ vũ, khích lệ mọi người tiến tới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em học sinh (Ảnh tư liệu)
Đến khát vọng phát triển đất nước hùng cường và phồn vinh
Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) với khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới, xác định những định hướng, bước phát triển tương lai của dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 2021-2025 mà cho cả những thập niên tới. Lộ trình phát triển đất nước đã được định rõ: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[7]. Để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam, Đảng ta xác định một trong ba đột phá chiến lược là “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”[8]. Đại hội XIII của Đảng không chỉ tiếp tục xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, mà còn “là động lực then chốt để phát triển đất nước”[9].
Điểm nhấn của Đại hội là, cần “Tạo đột phá” trong “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”[10]; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[11]. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Điểm mới về giáo dục trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) là“Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”[12].
Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện “ai cũng được học hành” và “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạo nguồn động lực để kiến tạo một nền giáo dục mở, thúc đẩy các sáng kiến nhằm hướng tới nền giáo dục chất lượng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục. Làm cho mọi người dân đều được học và ai cũng phải học tập suốt đời.
Từ khát vọng “ai cũng được học hành” khi nước nhà độc lập đến khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc - mạch chảy xuyên suốt là xây dựng một nền giáo dục vì nhân dân, mà ở đó phát huy mỗi cá nhân học tập suốt đời, mỗi người cần ham học, học mọi lúc, mọi nơi, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, trong đó lấy tự học làm cốt để đáp ứng nhu cầu thiết thân và để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Đây vừa là một nhiệm vụ tất yếu, vừa là một yêu cầu chiến lược, lâu dài của nền giáo dục nước nhà, quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; hiện thực hóa khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – khát vọng về một Việt Nam hùng cường và phát triển.
Nhật Ngọc
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.34.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.34.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.34.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.34-35.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.35.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 4, tr.34.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 112
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 54.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 136.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 115.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 136.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.232,233.